Bước chạy đà xây dựng nông thôn mới ở Chư Đăng Ya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chư Đăng Ya là xã vùng III-vùng đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah, có tổng diện tích 42,48 km2, 4 làng dân tộc Jrai. Toàn xã có 486 hộ với 2.351 nhân khẩu thì đã có 253 hộ nghèo và 51 hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, áp dụng vào cây trồng và vật nuôi hạn chế. Bên cạnh đó, đất sản xuất không nhiều lại thiếu nước tưới nên năng suất cây trồng không cao. Làng Ia Gri có 80 hộ dân thì chỉ có 20 hộ có ruộng, còn lại là đất rẫy. Xã có 2 công trình thủy lợi cung cấp nước tưới là Ia Tiêng và Ia Pơ song điều kiện cung cấp nước nơi đây không thuận lợi: mùa mưa ruộng ngập nước vì không có hệ thống thoát nước, mùa khô nước không đủ cung cấp. Nước sinh hoạt cũng eo hẹp vì không khoan được giếng. Trước nay, đã có nhiều hộ gia đình thử đào giếng nhưng cứ đào được 3 mét là gặp phải đá, thậm chí đá tảng.
 

  Chị Jút-làng Xóa, thoát nghèo nhờ sử dụng vốn vay đầu tư vào trồng cây hồ tiêu. Ảnh: Tú Uyên
Chị Jút-làng Xóa, thoát nghèo nhờ sử dụng vốn vay đầu tư vào trồng cây hồ tiêu. Ảnh: Tú Uyên

Với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua rà soát Chư Đăng Ya đã đạt được 3/19 tiêu chí. Đó là: hệ thống chính trị, y tế và an ninh trật tự xã hội. Trạm Y tế xã thực hiện nhiệm vụ khám và điều trị bệnh cho nhân dân theo quy định, thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, phụ nữ và bệnh nhân bị bệnh lao, phong; thường xuyên giám sát tình trạng của người bệnh. Cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên xuống các thôn, làng, phối hợp triển khai tốt chương trình y tế quốc gia, giám sát tình hình dịch bệnh để kịp thời xử lý, duy trì chế độ trực tại trạm. Trong công tác bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội, lực lượng dân quân cùng lãnh đạo thường xuyên xuống các thôn làng tuần tra, kiểm soát, đi sâu vào đời sống người dân, vận động họ không nghe theo lời kẻ xấu. Bằng việc huy động sức dân cùng nguồn kinh phí từ huyện phân bổ, xã đã xây dựng được nhà sinh hoạt cộng đồng làng Ko và làm đoạn đường nối từ làng Ko đến làng Xóa, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, đặc biệt là vào mùa mưa.

Bên cạnh đó, với nguồn vốn an sinh xã hội, vốn mái ấm tình thương, xã đã xây dựng 7 căn nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Thông qua chương trình, nhân dân đã thực hiện việc cải tạo vườn tạp để trồng cây công nghiệp. Từ đầu năm đến nay, nhân dân trong xã trồng mới 2 ha hồ tiêu, mở rộng diện tích loại cây này lên trên 20 ha. Đàn gia súc tăng lên, đàn bò có trên 1.100 con. Vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ sản xuất vẫn là công cụ đắc lực cho nhân dân thoát nghèo bền vững. Gia đình chị Jút-làng Xóa, vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội 2 đợt: năm 2008 món vay 10 triệu đồng, năm 2009 vay thêm 5 triệu đồng đầu tư trồng cây cà phê, tiêu. Đến năm 2013, chị đã trả hết nợ vay và hiện có trên 2.000 trụ tiêu, 6 con bò. Cuối năm 2013, vườn tiêu cho thu hoạch 1,7 tấn mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Bí thư Đảng ủy xã Đặng Thanh Tài cho biết: Đến nay xã đang tập trung hoàn thành 4 tiêu chí về thực hiện quy hoạch, văn hóa, giáo dục, điện. Đồng thời lồng ghép Chương trình 135 với nguồn vốn xây dựng nông thôn mới hỗ trợ phát triển sản xuất, tuyên truyền dân số-kế hoạch hóa gia đình để bớt đói, giảm nghèo. Ngoài hỗ trợ cây giống, con giống, địa phương rất cần quan tâm hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư nước sinh hoạt; nâng cấp kênh mương, thủy lợi để đời sống của người dân được nâng lên.

Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.