Tái cơ cấu nông nghiệp cần sự nhập cuộc đồng bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; gắn với phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường để bảo đảm phát triển bền vững. Liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp lồng ghép thực hiện xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-ông Kpă Thuyên cho biết:
 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Thực tế cho thấy kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm qua tiếp tục phát triển ổn định. Tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 12,3%; trong đó nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 8,53%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, trong đó nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 40,2%. Năm 2013, GDP bình quân đầu người đạt 30,32 triệu đồng, tăng 15,6% so với năm 2012. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững. Số hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn. Số hộ tái nghèo hàng năm còn cao chiếm tỷ lệ khoảng 7% trong số hộ thoát nghèo. Khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp; đặc biệt là những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao như Krông Pa, Kbang, Ia Pa, Kông Chro. Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 19,93%; còn 97 xã tỷ lệ hộ nghèo hơn 25%, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Từ thực tế trên, nên tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và lồng ghép thực hiện xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới hướng đến mục tiêu: duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Nâng cao thu nhập cho hộ gia đình nông thôn năm 2015 tăng 1,5 lần so với năm 2010; đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, khai thác tốt các lợi ích về môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng-chống thiên tai, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 53%... là việc làm rất cần thiết hiện nay.

* P.V: Theo ông, việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thực hiện lồng ghép xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới sẽ gặp khó khăn gì?

- Ông Kpă Thuyên: Những năm qua, nông nghiệp Gia Lai có bước phát triển khá và ổn định là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, quá trình phát triển cho thấy tăng trưởng ngành nông nghiệp hãy còn thiếu bền vững. Cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ) chuyển dịch chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh. Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, nhất là đưa giống mới vào sản xuất trên diện rộng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản còn thấp, phần lớn nông sản xuất khẩu ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng rất thấp. Trong khi đó các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông-lâm nghiệp, thủy sản còn hạn chế số lượng, quy mô; công nghiệp chế biến lạc hậu nên chất lượng nhiều loại nông sản thấp, nhất là rau quả, sản phẩm chăn nuôi. Kết cấu hạ tầng bảo quản, chế biến như kho tàng, sân phơi, bến bãi,... chậm phát triển.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

* P.V: Giải pháp khắc phục khó khăn để thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thực hiện lồng ghép xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới là gì? Quá trình thực hiện cần tác động nào thưa ông?

- Ông Kpă Thuyên: Để thực hiện hiệu quả mục tiêu trên cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế; các chính sách, dự án; hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản; đẩy mạnh truyền thông huy động tối đa các nguồn lực, lồng ghép thực hiện chương trình giảm nghèo.

Theo đó, đẩy mạnh phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vật nuôi, cây trồng dựa trên lợi thế so sánh của địa phương; trong đó chú ý nâng cao giá trị làm lợi trong tổ chức sản xuất, chăn nuôi, tiểu-thủ công nghiệp, xây dựng. Xem việc đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động là vấn đề then chốt để thực hiện giảm nghèo bền vững. Thực hiện đồng bộ các chính sách, dự án tín dụng; hỗ trợ công cụ sản xuất, đất sản xuất, đất ở; trợ cước, trợ giá; giao, khoán rừng... cho đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn... Hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn; nhân rộng mô hình giảm nghèo; định canh định cư; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng-chống thiệt hại, giảm nhẹ thiên tai, dịch họa nhằm ổn định cuộc sống nhân dân. Huy động tối đa nguồn lực để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Quá trình thực hiện các giải pháp trên cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Bố trí lại cơ cấu cây trồng, mùa vụ, giống để giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh phù hợp từng vùng, địa phương. Áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến tăng năng suất, chất lượng vật nuôi. Tham mưu cho tỉnh có cơ chế thu hút mạnh vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh...

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Quang Văn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.