Bài 2: Trăm dâu đổ đầu… người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mọi chi phí đều được tính vào giá thành sản phẩm, vì thế cước vận chuyển tăng, giá thành sản phẩm sẽ đội lên và người tiêu dùng chính là người phải gánh chịu tất cả.

Cước vận tải tăng cao gây xáo trộn thị trường. Ảnh: Lê Lan
Cước vận tải tăng cao gây xáo trộn thị trường. Ảnh: Lê Lan

Quan sát thị trường những ngày gần đây đã thấy một số mặt hàng tiêu dùng rục rịch tăng giá. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do cước vận tải tăng. Mặt hàng cần thiết của người tiêu dùng và chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất là gạo, đây cũng là mặt hàng chịu mức tăng giá cước gấp đôi. Chủ một đại lý cám gạo nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku cho biết: Giá cước vận chuyển gạo từ Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai đã tăng từ 600.000 đồng lên 1.200.000 đồng/tấn; từ Đak Lak về Gia Lai cũng tăng từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng/tấn. Đương nhiên chi phí phát sinh này được cộng vào giá thành, như vậy 1 kg gạo bán ra sẽ tăng 300 đồng đến 600 đồng tùy từng loại.

Không chỉ gạo, một số mặt hàng tiêu dùng khác cũng bắt đầu được tính giá mới (sau khi cộng thêm chi phí vận chuyển). Chủ cửa hàng kinh doanh hàng tiêu dùng Liên (đường Đoàn Thị Điểm, TP. Pleiku) cho biết: Ngay sáng nay thôi (ngày 19-4, P.V), một kiện hàng tương ớt nhỏ chuyển về cửa hàng giá cước đã đội thêm 6.000 đồng. Còn những mặt hàng do nhà phân phối cung cấp có bao cước, cửa hàng cũng đã nhận được thông tin sẽ tăng giá.

Riêng tại các chợ trên địa bàn, hầu hết giá cả các mặt hàng như thịt, rau, cá… vẫn bình thường, chỉ một số ít tăng giá do vận chuyển từ tỉnh khác. Tuy nhiên, theo các tiểu thương thì việc tăng giá các mặt hàng trong thời gian tới là không tránh khỏi vì giá mua ở các đầu mối tăng thì giá bán tăng theo là lẽ đương nhiên.

Tại các cơ sở vật liệu xây dựng cũng vậy, nguyên nhân tăng giá đều được các chủ cơ sở lý giải vì cước tăng, Chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng Sơn Nguyệt (Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) cho biết: Giá thực của vật liệu không tăng mà giá tăng chủ yếu vẫn là do chi phí vận chuyển.

 

  Gánh nặng tiêu dùng ngày càng nặng hơn với người dân. Ảnh: Lê Lan
Gánh nặng tiêu dùng ngày càng nặng hơn với người dân. Ảnh: Lê Lan

Với cơ chế trên thì người tiêu dùng đầu cuối tức là người dân sẽ gánh chịu tất cả mọi chi phí phát sinh từ tăng cước. Anh Lương-người đang xây nhà trên đường Lê Duẩn (TP. Pleiku) lo lắng: Giá sắt mấy hôm nay đã tăng lên đáng kể. Đầu năm giá một cây sắt phi 18 chỉ 333.000 đồng nhưng giờ đã tăng 337.000 đồng/cây; sắt phi 6, phi 8 cũng đã tăng từ 14.950 đồng/kg lên 15.100 đồng/kg, xi măng tăng thêm 90.000 đồng đến 100.000 đồng/tấn tùy loại; cát cũng đã tăng từ 180.000 đồng/m3 lên 200.000 đồng/m3… Giá tăng cũng đành chịu, vẫn phải mua vì nhà đang xây dở chẳng lẽ dừng.

Còn đối với các bà nội trợ thì giá cả tăng khiến chi phí sinh hoạt trong gia đình bị “phình” ra trong khi thu nhập vẫn không thay đổi, với một số người có thu nhập thấp thì việc thắt chặt chi tiêu cũng đồng nghĩa với chất lượng bữa ăn bị giảm xuống. Chị Lê Thị Hiền-kế toán Công ty TNHH Dũng Khánh Hiền Gia Lai than vãn: “Những năm gần đây do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, gia đình lúc nào cũng trong tình trạng “thắt lương, buộc bụng”, nay lại tiếp tục “thít chặt” hơn nữa khiến tôi rất căng thẳng. Chẳng hiểu tiền chúng tôi đóng để bảo trì đường bộ đi đâu mà đường đi thì chẳng khá lên, bây giờ lại tốn kém thêm vì cước giao thông tăng, thật buồn”. Đó là đối với một kế toán dù sao lương còn ổn định, chứ đối với những hộ nông dân thu nhập bấp bênh phụ thuộc vào thời tiết và giá cả nông sản thất thường thì đời sống còn gặp khó khăn hơn, bởi chi phí đầu vào như giống, phân thì tăng cao (hiện giá phân bón bán lẻ đã tăng bình quân 1 triệu đồng/tấn) trong khi sản phẩm bán ra lại bị thương lái ép xuống vì cước vận chuyển tăng hoặc xui như vụ dưa năm nay thì không chỉ mất trắng mà còn rơi vào tình trạng nợ “ngập” đầu.

Năm 2014, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Vì thế theo nhiều người thì “đòn” giáng từ cước vận tải tăng lên khiến nền kinh tế vốn đang “yếu” càng thêm lao đao. Nhưng với tâm lý “trời mưa đất chịu” thì các doanh nghiệp kinh doanh cũng chỉ thiệt một phần nào đó vì đơn giản kinh doanh phải có lãi, còn với người dân thì mọi chi phí đổ “dồn” lên đầu và “gánh” nặng tiêu dùng ngày càng nặng hơn.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.