Nông dân cười… khóc với cây hồ tiêu!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sức “nóng” từ cây hồ tiêu chưa hề nguôi trên những mảnh vườn ở Gia Lai. Nhiều nơi, nông dân ồ ạt phá bỏ diện tích cây trồng khác để chuyển qua canh tác cây hồ tiêu. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, loại cây trồng đem theo bao giấc mộng làm giàu của người nông dân vẫn làm điêu đứng không ít người. Hàng trăm ha tiêu bị chết để lại đằng sau gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai những người nông dân một nắng hai sương…

“Bó tay” nhìn tiêu chết

Đứng giữa những mảnh vườn tiêu chỉ còn trơ trụ gỗ, dưới mặt đất la liệt những đống dây tiêu chết đã được gỡ xuống, gom thành từng đống chờ đốt chúng tôi không khỏi xót xa. “Đó đa phần là tiêu của bà con mới cho thu hoạch được 1-2 năm. Cả làng Blu này tiêu đã chết gần hết, chỉ lác đác còn vài trụ may mắn sống sót qua mùa mưa”-anh Trần Văn Cảnh, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Ia Tôr (huyện Chư Prông), cho chúng tôi hay.

 

Một góc vườn tiêu bị chết rụi vì bệnh. Ảnh Lê Hòa
Một góc vườn tiêu bị chết rụi vì bệnh. Ảnh Lê Hòa

Làng Blu có gần 100% bà con người Jrai sinh sống, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Bao năm bà con quen gắn bó với cây lúa, cây mì, vài năm gần đây mới dám mạnh dạn đưa về vườn loài cây khó tính nhưng cho giá trị kinh tế cao này để trồng thì chưa thu bao lâu đã gặp họa.

Nhà ông Rơ Chăm Choai (làng Blu-xã Ia Tôr) trồng được 400 trụ tiêu, mới thu bói được vỏn vẹn một năm đều bị chết sạch. Ông Choai ngao ngán: “Trung bình mỗi trụ tiêu, gia đình tôi phải bỏ vốn đầu tư khoảng 400-450 ngàn đồng tiền chi phí. Vườn tiêu nhà tôi mới thu bói được một năm, giờ nghe cán bộ nói phải chờ ít nhất 2 năm nữa mới đem tiêu ra trồng, lại khó rồi”.

 

Mảnh vườn của một hộ dân ở làng Blu không còn bóng dáng cây tiêu. Ảnh Lê Hòa
Mảnh vườn của một hộ dân ở làng Blu không còn bóng dáng cây tiêu. Ảnh Lê Hòa

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn xã Ia Tôr có khoảng 15.000 trụ tiêu bị chết rải rác ở hầu khắp các vườn tiêu. Có hộ tiêu bị chết 500-600 trụ. Riêng làng Blu có diện tích tiêu chết nhiều nhất với khoảng 10.000 trụ. Nhiều vườn tiêu của các hộ dân ở các thôn, làng khác cũng chịu thiệt hại do bệnh chết nhanh. Hộ gia đình ông Vũ Văn Đố (thôn Đoàn Kết-xã Ia Tôr) có 500 trụ tiêu thì cũng đã có gần phân nửa bị chết.

Khoảng thời điểm tháng 10 vừa qua khi về gần cuối mùa mưa là thời điểm tiêu chết mạnh nhất. “Tiêu bị bệnh chết nhanh, chỉ vài ngày sau khi biểu hiện là cả trụ tiêu xanh tốt trở nên héo úa, rụng lá và chết sạch. Loại bệnh này hiện nay chưa tìm ra thuốc chữa trị đặc hiệu”- anh Cảnh cho biết.

Nhưng diện tích vẫn tăng

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông, từ đầu mùa mưa đến nay, toàn huyện có khoảng 50 ha tiêu (tương đương khoảng 80.000 trụ tiêu) bị chết.

 

Trụ tiêu vừa mới bị chết. Ảnh Lê Hòa
Trụ tiêu vừa mới bị chết. Ảnh Lê Hòa

Một số xã có diện tích tiêu chết nhiều như Ia Vêr, Ia Me, Ia Pia… “Năm nào cũng có diện tích tiêu bị chết song năm nay, số diện tích này tăng khá mạnh do thời tiết bất lợi, lượng mưa nhiều, trong khi đó, nhiều hộ dân vẫn chưa đảm bảo chăm sóc đúng kỹ thuật. Về phía cơ quan chuyên môn, chúng tôi đã khuyến cáo cũng như hỗ trợ cho người dân các biện pháp kỹ thuật cần thiết để hạn chế tình trạng cây tiêu bị chết”-ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông, cho biết.

Còn tại huyện Đức Cơ, theo thống kê đến cuối tháng 10 vừa qua, số diện tích tiêu bị chết trên địa bàn huyện là 21 ha (tương đương 33.600 trụ). Tại huyện Chư Sê, thống kê mới chỉ tại 2 xã là Bờ Ngoong và Ia Pal có khoảng hơn 10 ha tiêu bị chết. Nhiều địa phương còn lại chưa cập nhật con số diện tích tiêu chết do các xã chưa thực hiện xong việc thống kê và báo lên ngành chức năng. Đáng chú ý, số diện tích tiêu bị nhiễm bệnh và bị chết đa phần đều rơi vào số tiêu vừa mới cho thu hoạch một vài năm, người dân vẫn chưa thể thu hồi lại vốn đầu tư nên rất khó khăn.

 

Chỉ vài ba ngày sau khi phát bệnh, lá tiêu sẽ ngả vàng, sau đó khô héo và chết. Ảnh Lê Hòa
Chỉ vài ba ngày sau khi phát bệnh, lá tiêu sẽ ngả vàng, sau đó khô héo và chết. Ảnh Lê Hòa

Tuy nhiên, thống kê tại một số địa phương cho thấy, dù chứa đựng nhiều rủi ro song thời gian qua, diện tích cây tiêu tại các địa phương phía Tây tỉnh vẫn tăng chóng mặt. Đơn cử như tại huyện Đức Cơ, dù huyện không được giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển thêm diện tích cây hồ tiêu, song từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã có thêm 117,4 ha hồ tiêu được trồng mới. Tại huyện Chư Prông, diện tích cây tiêu đã vượt quy hoạch 100 ha. Tại huyện Mang Yang, dù được giao chỉ tiêu phát triển là 20 ha cây hồ tiêu song từ đầu năm đến nay đã phát triển thêm hơn 110 ha…

Theo thống kê của ngành chức năng, riêng vụ trồng mới hồ tiêu năm 2013 vừa qua, toàn tỉnh có thêm hơn 1.000 ha tiêu được trồng, nâng tổng diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh lên 8.600 ha, gần đạt mức diện tích tiêu quy hoạch để phát triển đến năm 2020; vượt gần 3.000 ha so với mức quy hoạch giai đoạn hiện nay. Việc phát triển ồ ạt, vượt quá quy hoạch loại cây lợi nhuận cao nhưng lắm rủi ro này sẽ đặt nhiều nhà nông vào cảnh “kẻ cười, người khóc”.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.