Bắt đầu kê khai và nộp phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13-3-2012 của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB), Sở Giao thông-Vận tải đã chủ động phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 9-4-2013 quy định cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng Quản lý Quỹ BTĐB tỉnh.

Sau khi được HĐND tỉnh thông qua phương án thu, quản lý và sử dụng phí đường bộ đối với xe mô tô, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND ngày 8-9-2013 về việc quy định mức thu phí, tỷ lệ phần trăm (%) để lại cho đơn vị thu phí, phương án thu, quản lý, sử dụng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô áp dụng trên địa bàn tỉnh.

 

Ảnh: Văn Phê
Ảnh: Văn Phê

Theo đó, mức thu cụ thể như sau: 50 ngàn đồng đối với loại có dung tích xi lanh đến 100 cm3 và 100 ngàn đồng đối với loại có dung tích xi lanh trên 100 cm3 và mức thu 2.160.000 đồng đối với xe chở hàng 4 bánh gắn động cơ 1 xi lanh; mức trích để lại cho phường, thị trấn là 10% và các xã là 20%. Phần phí trích để lại chi cho việc tổ chức thu phí, bao gồm chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện thu phí và các chi phí liên quan như văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, chi khen thưởng-phúc lợi...

Trên cơ sở đó, 17 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn cho 222 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng như có kế hoạch chi tiết triển khai thu phí theo tiến độ đề ra. Đơn cử như tại địa bàn phường Phù Đổng (TP. Pleiku), ngay trong tháng 10 đã thành lập Ban chỉ đạo thu nộp, sử dụng và quản lý phí sử dụng đường bộ do Phó Chủ tịch UBND phường làm Trưởng ban, cán bộ tài chính-kế toán, văn phòng, văn hóa-xã hội và tổ trưởng 17 tổ dân phố là thành viên.

Đồng thời có kế hoạch tổ chức hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo. Với vai trò trực tiếp thu phí, 17 tổ trưởng tổ dân phố đã lập danh sách các hộ nghèo miễn đóng phí; phát tờ khai đến từng hộ gia đình có phương tiện thuộc diện đóng phí sử dụng đường bộ; hướng dẫn kê khai cũng như tuyên truyền, vận động, đôn đốc người dân; nhận biên lai, thu và thanh toán biên lai theo quy định. Hàng tuần, các tổ trưởng dân phố có trách nhiệm đối chiếu biên lai và thanh-quyết toán với ban tài chính-ngân sách phường để bộ phận này báo cáo với Chi cục Thuế Pleiku.

Sau hơn 1 tháng triển khai toàn phường đã có 2.501/3.278 hộ gia đình thực hiện kê khai, với số phương tiện lên tới 4.724 chiếc mô tô. Theo tính toán của ông Nguyễn Xanh-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phù Đổng thì số tiền thu phí BTĐB năm 2013 trên địa bàn là 390,750 triệu đồng. Hiện nay, các tổ dân phố đã thu được 144,750 triệu đồng, trích để lại 10% cho địa phương là 14,475 triệu đồng. Đến nay, phường Hội Thương đã phát tờ khai-thu phí hơn 1/3 số xe.

Sau khi thu lại tờ khai, các thành viên Ban chỉ đạo tập hợp thông tin, rà soát kiểm tra đối chiếu số dung tích giữa giấy đăng ký mô tô, xe máy và tờ khai, tránh tình trạng nhầm lẫn về số phân khối xe và số phí phải nộp tương đương.

Song song với việc triển khai thu phí đối với xe mô tô, Hội đồng Quản lý Quỹ BTĐB tỉnh đã có quyết định phân bổ số tiền 21,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Quỹ BTĐB Trung ương cấp cho tỉnh. Từ nguồn kinh phí này, Sở Giao thông-Vận tải thực hiện sửa chữa lớn tỉnh lộ 667; sửa chữa cục bộ tỉnh lộ 668, 662, 666; phân bổ 500 triệu đồng cấp cho Văn phòng Quỹ BTĐB thực hiện các nhiệm vụ chi đảm bảo cho hoạt động của Hội đồng Quản lý quỹ và Văn phòng.

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên-Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính-Vận tải (Sở Giao thông-Vận tải), mặc dù thời gian tổ chức kê khai và thu phí khá gấp rút khi cận kề hết năm 2013, tuy nhiên dưới sự đôn đốc và quyết tâm thực hiện của các đơn vị, địa phương dự kiến sẽ hoàn thành dứt điểm việc thu phí năm nay theo kế hoạch thu-chi của Quỹ BTĐB tỉnh. Theo dự kiến, nguồn thu phí đối với xe mô tô sau khi trích để lại cho các địa phương, nộp về quỹ là 35,749 tỷ đồng.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.