Lặng lẽ thị trường Tết Trung thu ở vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tết Trung thu đã cận kề, thế nhưng không khí trung thu tại huyện vùng sâu Kông Chro (Gia Lai) vẫn còn rất ảm đạm và tẻ nhạt. Thị trường Trung thu cũng khá nghèo nàn về lượng và đơn sơ về mẫu mã.

Mặc dù chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết cổ truyền Trung thu nhưng dạo quanh thị trường đồ chơi phục vụ trẻ em và các sản phẩm bánh trung thu trên địa bàn huyện Kông Chro vẫn còn rất nghèo nàn, đơn điệu. Đến thời điểm này, chỉ một vài quầy hàng trong khu vực chợ Kông Chro bày bán đèn lồng với số lượng khiêm tốn, kích cỡ vừa phải.
 

Bánh Trung thu được bày bán ở chợ Kông Chro có giá từ 5000 đồng đến 15.000 đồng/chiếc. Ảnh: Trần Dung
Bánh Trung thu được bày bán ở chợ Kông Chro có giá từ 5000 đồng đến 15.000 đồng/chiếc. Ảnh: Trần Dung

Về hình thức, chủ yếu vẫn là đèn cầm tay thắp sáng, phát nhạc chạy bằng pin mô phỏng các nhân vật hoạt hình, hình siêu nhân, con rồng, sư tử... với mức giá dao động từ 10.000- 55.000 đồng/chiếc. Ở chợ vùng quê này, phổ biến nhất vẫn là đèn lồng Trung Quốc, còn những đồ chơi Trung thu truyền thống, nhất là những chiếc đèn lồng "made in Việt Nam" thì vẫn vắng bóng. Cô Phạm Thị Bảy- chủ quầy hàng tạp hóa trong chợ Kông Chro cho biết: “Cũng như các năm trước, năm nay tôi cũng nhập về khoảng hơn 100 cái đèn lồng giá rẻ. Tuy nhiên, không năm nào bán hết được. Đến thời điểm này cũng mới bán lai rai được vài cái. Mặc dù các loại đồ chơi giá rẻ nhưng vẫn không có khách mua”.
 

Các sạp hàng bánh kẹo vẫn lặng lẽ chờ người mua. Ảnh: Trần Dung
Các sạp hàng bánh kẹo vẫn lặng lẽ chờ người mua. Ảnh: Trần Dung

Hiện tại, trong khu vực trung tâm của huyện cũng chỉ thưa thớt một vài quầy hàng bán đèn lồng trung thu. Nếu năm ngoái có 7 quầy bán thì năm nay chỉ còn 4 quầy còn duy trì. Còn về các xã thì mặt hàng này khá hiếm hoi. Nhìn chung, thị trường đồ chơi Trung thu tại vùng sâu này ngày càng tẻ nhạt do nghèo nàn về chủng loại và sức mua quá đìu hiu, ảm đạm.

Bên cạnh đồ chơi trẻ em thì thị trường bánh Trung thu năm nay cũng khá lặng lẽ và ở đây không có “hiện tượng” khuyến mãi hay quà biếu. Đến thời điểm này, chất lượng bánh còn thấp và lượng tiêu thụ vẫn rất chậm.

 

Cô Phạm Thị Sâm bên thùng bánh Trung thu vừa được nhập về 3 ngày trước. Ảnh: Trần Dung
Cô Phạm Thị Sâm bên thùng bánh Trung thu vừa được nhập về 3 ngày trước. Ảnh: Trần Dung

Tại khu vực bán bánh kẹo trong chợ Kông Chro, lác đác một vài chủ hàng bố trí riêng một góc trong sạp của mình để bày bán các loại bánh Trung thu giá rẻ. Những chiếc bánh ở đây có giá từ 5.000 - 15.000 đồng/chiếc, với nhiều mẫu mã khác nhau. Chủ yếu lượng bánh Trung thu được nhập từ cơ sở sản xuất bánh Trung thu Tân Phát (Nguyễn Văn Cừ- TP. Pleiku).

Tuy nhiên, đã nhiều ngày qua, không khí mua bán ở đây vẫn rất vắng vẻ. Chị Phạm Thị Sâm (chủ sạp hàng bánh kẹo trong chợ Kông Chro) chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi chỉ nhập về các loại bánh Trung thu giá rẻ cho phù hợp với nhu cầu của người dân nghèo nhưng người tiêu dùng vẫn rất thờ ơ. Do kinh tế của người dân nơi đây còn khó khăn nên nhu cầu của họ chỉ muốn mua loại bánh giá rẻ như thế này để vui Trung thu”.

 

Bánh Trung thu tại các đại lý lớn vẫn “kén” người mua. Ảnh: Trần Dung
Bánh Trung thu tại các đại lý lớn vẫn “kén” người mua. Ảnh: Trần Dung

Tại một số đại lý phân phối, cửa hàng tạp hóa lớn bán bánh trung thu trên đường Nguyễn Huệ (thị trấn Kông Chro) cũng xuất hiện rải rác những loại bánh đắt tiền có kiểu dáng hộp bắt mắt như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… Tuy nhiên, lượng khách hàng cũng thưa thớt không kém. Vân Nghĩa (số 255- Nguyễn Huệ) là đại lý lớn nhất khu vực thị trấn Kông Chro nhưng hàng hóa trung thu năm nay cũng khá “khiêm tốn”. “Đại lý của mình không lấy hàng lớn vì sức mua của dân ở đây kém. Bánh Trung thu dao động từ 10.000 đồng/chiếc tới 300.000 đồng/hộp. Những ngày qua đại lý chỉ tiêu thụ được một lượng nhỏ bánh cho các cơ quan. Hy vọng những ngày cận Tết Trung thu sẽ có đông khách mua hơn”. Chị Huỳnh Thị Vân- chủ đại lý cho biết.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.