Đẩy mạnh sản xuất điện từ bã mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiện cả nước có 41 nhà máy đường, nếu toàn bộ lượng bã mía thải ra được sử dụng để sản xuất điện sẽ cho tổng công suất hơn 500 MW. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 6 dự án phát điện từ bã mía đi vào hoạt động, với tổng công suất 76,5 MW.
 

Xưởng phát điện từ bã mía của nhà máy đường Ninh Hòa.
Xưởng phát điện từ bã mía của nhà máy đường Ninh Hòa.

Trong đó có một số dự án tiêu biểu như dự án của nhà máy đường SBT ở xã Tân Hưng, Tân Châu, Tây Ninh, có công suất thiết kế 12 MW được đầu tư với số tiền trên 12,6 triệu USD, đã đưa lên lưới là 50 triệu kWh. Dự án của nhà máy đường AYUNPA ở Gia Lai có công suất thiết kế 12 MW/năm, tổng mức đầu tư 7,5 triệu USD đã sản xuất 15,5 triệu kWh. Dự án của nhà máy đường Ninh Hòa, Khánh Hòa, có công suất thiết kế 9 MW, được đầu tư với số tiền 4,65 triệu USD, đã phát lên lưới điện quốc gia 5,56 triệu kWh. Dự án của nhà máy đường Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Hòa, có công suất thiết kế 25 MW, với mức đầu tư trên 7 triệu USD, đã đưa lên lưới điện quốc gia 18,5 triệu kWh.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, do khó khăn về nguồn vốn, nên hầu hết các nhà máy sản xuất điện từ bã mía tại Việt Nam sử dụng công nghệ cũ, lò hơi áp lực thấp và turbine đối áp dẫn đến hiệu suất thấp, chỉ ở mức 30 kWh/tấn bã mía. Bên cạnh đó, giá bán điện của các nhà máy này còn thấp so với giá điện gió, do vậy, chưa khuyến khích các nhà máy đầu tư công nghệ hiện đại có hiệu suất cao.

Trong khi, sản xuất điện từ bã mía là nguồn năng lượng tái tạo từ sinh khối, thay thế được năng lượng hóa thạch, mỗi tấn bã mía sẽ tiết giảm được 0,55 tấn dầu thô. Suất đầu tư của nhà máy phát điện từ bã mía thấp hơn so với các lĩnh vực năng lượng sạch khác, chỉ bằng 50% so với thủy điện và bằng 40% so với điện gió. Thời gian xây dựng nhà máy để bổ sung nguồn phát nhanh, thông thường mỗi nhà máy chỉ xây dựng trong 2 năm là hoàn thành.

Do vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc xây dựng các nhà máy phát điện từ bã mía nhằm đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020, nguồn điện từ bã mía tại các nhà máy đường sẽ đạt tổng công suất 500 MW, đến năm 2030 sẽ đạt mức 2.000 MW.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.