Chư Pưh: Hiệu quả từ mô hình khí sinh học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năng lượng sản sinh từ khí sinh học (Biogas) là một dạng năng lượng tái tạo, dễ sản xuất, sử dụng và đảm bảo vệ sinh môi trường. Với những lợi ích to lớn mà mô hình này mang lại, hiện nay, phong trào xây dựng hầm Biogas trên địa bàn huyện Chư Pưh đang khá phổ biến và mang lại những hiệu quả thiết thực.
 
Giải pháp bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng

 

Bóng đèn được thắp sáng bằng khí sinh học. Ảnh: Hồng Thi
Bóng đèn được thắp sáng bằng khí sinh học. Ảnh: Hồng Thi

Sử dụng công nghệ Biogas là giải pháp hữu hiệu cho phép kết hợp hài hòa giữa cung cấp năng lượng với giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải của chăn nuôi gây ra. Chị Hồ Thị Minh Châu- cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Chư Pưh- phân tích: Chỉ cần một gia đình nuôi vài con heo, không vệ sinh chuồng trại, xử lý phân nước thải không hợp lý thì tất cả các hộ sống xung quanh phải gánh chịu hậu quả từ nguồn nước đến không khí hôi thối, ruồi bọ phát triển mạnh, tăng nguy cơ lây lan bệnh dịch. Sử dụng hầm Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi không những cải thiện rất đáng kể ô nhiễm môi trường mà còn cung cấp một nguồn năng lượng sạch, phục vụ việc đun nấu, thắp sáng. Ngoài ra, phụ phẩm sau khi lên men còn có thể dùng để bón cho cây tiêu rất tốt.

Các hầm Biogas có thể tích từ 5- 50 m3 tùy theo nhu cầu và quy mô chăn nuôi của từng hộ gia đình. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Chư Pưh, thể tích trung bình (20 m3) vẫn được nhiều người dân sử dụng nhất. Chỉ cần nuôi từ 5-7 con heo sẽ có đủ lượng chất thải cần thiết để xây dựng 1 công trình khí sinh học Biogas với thể tích nhỏ. “Thời gian xây dựng cơ bản cho mỗi hầm khí từ 15-20 ngày, sau 1 tháng là có thể đưa vào sử dụng. Hệ thống hầm gồm 3 bể: Nạp, phân giải và điều áp. Ngoài ra, người dân cũng có thể làm thêm bể hút để chứa lượng chất thải đã được phân giải, dùng tưới tiêu cho cây trồng”- chị Châu cho hay.

 

 Anh Phan Văn Chấn phấn khởi trước hệ thống hầm Biogas vừa xây xong của gia đình. Ảnh: Hồng Thi
Anh Phan Văn Chấn phấn khởi trước hệ thống hầm Biogas vừa xây xong của gia đình. Ảnh: Hồng Thi

Qua quá trình sử dụng, hầu hết người dân đều nhận thấy rằng, mô hình Biogas rất hiệu quả và phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu hàng ngày. “Gia đình tôi áp dụng mô hình Biogas từ tháng 4-2012. Hiện tại, với hơn 30 con heo, lượng khí tạo thành rất nhiều, tôi đã san sẻ cho 2 hộ hàng xóm cùng dùng nhưng vẫn xài không hết. Lúc trước, mỗi tháng, nhà tôi sử dụng hết 1 bình gas, tiền điện phải đóng 600.000-700.000 đồng. Giờ dùng khí sinh học rồi, tiết kiệm được nhiều lại khá an toàn”- bà Trịnh Thị Nguyện (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa) chia sẻ.

Gia đình anh Phan Văn Chấn (thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa) cũng xây dựng hầm Biogas 20 m3 từ cuối tháng 5-2012 nhưng chưa đưa vào sử dụng. Hiện tại, anh đang hoàn thiện việc xây dựng hệ thống chuồng trại khá quy mô để nuôi khoảng 50 con heo. Anh Chấn phấn khởi: Tôi rất vui vì mình là người đầu tiên trong thôn áp dụng mô hình này. Tuy chưa sử dụng bao giờ nhưng được sự hướng dẫn nhiệt tình, chi tiết của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện cũng như qua quá trình nghiên cứu từ hàng xóm, tôi khá yên tâm về hiệu quả mà công trình khí sinh học mang lại.

Từng bước nhân rộng mô hình

 

Nhiều hộ dân ở Chư Pưh đang xây dựng, nâng cấp quy mô chuồng trại chăn nuôi để áp dụng mô hình khí sinh học. Ảnh: Hồng Thi
Nhiều hộ dân ở Chư Pưh đang xây dựng, nâng cấp quy mô chuồng trại chăn nuôi để áp dụng mô hình khí sinh học. Ảnh: Hồng Thi

Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, đặc biệt là chăn nuôi heo, Trạm Khuyến nông huyện Chư Pưh đã tích cực vận động nhân dân trên địa bàn áp dụng mô hình hầm khí sinh học. Bắt đầu từ năm 2008 với một vài hộ dân, đến nay, toàn huyện đã có hơn 200 hầm biogas được xây dựng và đưa vào sử dụng. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2012, Trạm đã phối hợp với các hộ gia đình có nhu cầu, hoàn thiện 13 hầm Biogas tại thị trấn Nhơn Hòa và các xã: Ia Rong, Ia Hrú, Chu Don.

Từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mô hình khí sinh học được đẩy mạnh hơn nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Cuối năm 2011, trạm đã cử một thợ xây đi tập huấn về kỹ thuật xây hầm Biogas do Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Đây sẽ là người trực tiếp thực hiện, hướng dẫn xây dựng và chịu trách nhiệm về chất lượng công trình.

Nói về việc nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện, ông Rơ Mah Chốch- Phó Trưởng Trạm Khuyến nông- cho biết: “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân dân trong huyện thấy được lợi ích của hầm Biogas. Đồng thời vận động các gia đình chăn nuôi có điều kiện kinh tế mạnh dạn đầu tư làm hầm Biogas. Đặc biệt với những hộ chăn nuôi còn gặp khó khăn, trạm sẽ tiếp tục đề nghị UBND huyện, tỉnh hỗ trợ đầu tư làm hầm Biogas để nhân rộng mô hình này. Từ giờ đến cuối năm 2012, Chư Pưh sẽ có thêm khoảng 30 hầm khí được hoàn thiện”.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy rộng rãi, Trạm sẽ tiếp tục cử kỹ thuật viên của dự án đến các cơ sở địa phương để hướng dẫn những hộ nông dân phát triển chăn nuôi, tham gia xây dựng hầm Biogas theo nguồn hỗ trợ của dự án cho mỗi hộ là 1,2 triệu đồng.

Việc phát triển chăn nuôi heo gắn kết với xây dựng hầm Biogas đang là giải pháp đa tiện ích, không chỉ đem lại lợi ích trước mắt mà còn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển lâu dài và bền vững.

Hồng Thi
 

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.