Ấn tượng hồ tiêu Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, ngành hồ tiêu Việt Nam luôn đạt được những con số hết sức khả quan về năng suất, chất lượng sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, uy tín về sản phẩm hồ tiêu Việt Nam ngày càng được nâng cao trên thị trường quốc tế, người trồng tiêu cũng luôn thường trực những nụ cười rạng rỡ…

Năng suất, sản lượng cao

Trong 39 nước sản xuất hồ tiêu trên thế giới thì Việt Nam là một trong 4 nước có diện tích hồ tiêu lớn nhất: sau Ấn Độ (195,9 ngàn ha), Indonesia (103,9 ngàn ha) và trước Malaysia (13,5 ngàn ha). Năm 2011, diện tích hồ tiêu Việt Nam đạt 55,8 ngàn ha. Tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất nước là Bình Phước (10 ngàn ha).

 

Niềm vui được mùa của người trồng tiêu ở Tây Nguyên. Ảnh: T.B.Đ
Niềm vui được mùa của người trồng tiêu ở Tây Nguyên. Ảnh: T.B.Đ

Ở nhiều vùng trồng tiêu của nước ta, thiên nhiên đã biệt đãi cho điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng hết sức phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu. Theo đó, năng suất và sản lượng hồ tiêu Việt Nam luôn là một sự ngưỡng vọng cho hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trồng hồ tiêu trên thế giới. Ấn Độ là nước có diện tích hồ tiêu lớn nhất thế giới (195,9 ngàn ha), nhưng năng suất chỉ đạt… 2,6 tạ/ha/vụ, bằng 31% so với năng suất hồ tiêu thế giới.

Còn ở Việt Nam, Tây Nguyên là nơi có năng suất hồ tiêu cao nhất nước với 31,3 tạ/ha; trong đó tại tỉnh Gia Lai, năng suất đạt 45,2 tạ/ha, cao hơn 82,3% năng suất bình quân cả nước. Nhìn chung, những địa phương và hộ trồng tiêu ở Việt Nam đạt hiệu quả kinh tế cao, phần lớn tập trung ở những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có sự đầu tư và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến. Ở Gia Lai, Đồng Nai, Bình Phước một số vườn tiêu cho năng suất rất cao (5-7 tấn/ha/vụ). Cá biệt có hộ đạt trên 10 tấn/ha/vụ ở những vườn tiêu đã trồng và khai thác 9-10 năm.

Với diện tích chiếm khoảng 9% diện tích hồ tiêu thế giới, tuy nhiên sản lượng hồ tiêu Việt Nam đạt khoảng 30% sản lượng hồ tiêu toàn thế giới. Năm 2011, sản lượng hồ tiêu Việt Nam đạt 112 ngàn tấn, trong khi các nước có diện tích hồ tiêu lớn như Ấn Độ sản lượng chỉ đạt 51 ngàn tấn, Indonesia 56 ngàn tấn (hai nước trên, sản lượng chỉ đạt 27% sản lượng hồ tiêu toàn thế giới).

Làm chủ thị trường xuất khẩu

Bên cạnh năng suất và sản lượng hồ tiêu ở Việt Nam mấy năm gần đây luôn đạt cao, giá hồ tiêu cũng đã đạt mức kỷ lục. Có thời điểm, giá tiêu đen nội địa đã lên đến 152-153 ngàn đồng/kg, tiêu trắng lên đến 200 ngàn đồng/kg. Giá tiêu năm 2011 và đầu năm 2012 đã đạt mức kỷ lục so với cùng kỳ các năm và luôn giữ ở mức cao, bám sát mặt bằng giá thế giới ở mọi thời điểm.

 

Tại Hội nghị “Đánh giá hiện trạng tình hình sản xuất hồ tiêu năm 2011 và định hướng phát triển sản xuất thời gian tới”, vừa được tổ chức ở Gia Lai, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định: “Hồ tiêu là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao. Các địa phương cần lựa chọn cơ cấu giống, chế độ canh tác hợp lý, gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn. Cần phát huy tối đa lợi thế so sánh giữa các tỉnh để hình thành các vùng chuyên canh tập trung có quy mô thích hợp. Gắn chế biến với các vùng nguyên liệu, đồng thời phát triển mạnh các dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo sản lượng cao nhất. Duy trì diện tích hồ tiêu đang có, không phát triển ồ ạt, đại trà…”.

Theo đó, thu nhập của người sản xuất, kinh doanh, nhất là những hộ, những doanh nghiệp tích trữ hàng từ đầu vụ và bán ở thời điểm giá cao đã đạt lợi nhuận “khủng”. Điều đáng nói là đến nay, người trồng tiêu, thương lái, đại lý mua bán tiêu ở các địa phương đã làm chủ hàng hóa, điều phối thị trường, bình ổn giá cả, do đó ít bị lệ thuộc và chi phối từ các nhà xuất khẩu trong nước và quốc tế.

Trong 7 tháng đầu năm 2012, số lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đạt khoảng 80 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 546 triệu USD (so với cùng kỳ năm trước, giảm 3,2% về lượng, nhưng giá trị vẫn tăng 20,3%).

Đánh giá mới nhất về thực trạng xuất khẩu hồ tiêu ở Việt Nam cho thấy: Hiện nay, sản lượng tiêu xuất khẩu của nước ta chiếm khoảng 50% sản lượng tiêu xuất khẩu toàn cầu, trên 95% sản lượng tiêu sản xuất được dành cho xuất khẩu. Chất lượng hồ tiêu xuất khẩu ngày càng được cải thiện. Hiện tiêu chất lượng cao chiếm khoảng 30%, tiêu trắng 10- 15% sản lượng tiêu xuất khẩu. Đến nay, hồ tiêu Việt Nam đã có mặt trên 80 nước và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường “khó tính” như EU và Hoa Kỳ.  

Những cảnh báo đáng quan tâm

Cây hồ tiêu Việt Nam những năm gần đây đã mang đến nguồn thu nhập rất cao cho nông dân. Theo đó, diện tích tiêu ở một số địa phương đã không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng tiêu ở ta chủ yếu vẫn là tự phát, thiếu sự định hướng mang tầm khoa học và chiến lược. Nhiều vườn tiêu mới được trồng vào những nơi có điều kiện môi trường sinh thái, đất đai chưa phù hợp; việc đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; sâu bệnh phát sinh gây hại ngày càng tăng dẫn đến năng suất hồ tiêu khoảng 10 năm gần đây vẫn không tăng.

Việc mở rộng diện tích trồng tiêu thiếu định hướng cũng đã làm phá vỡ cơ cấu cây trồng trong từng vùng. Ở nhiều địa phương-nhất là một số tỉnh Tây Nguyên, người dân đã không thương tiếc khi đốn hạ hàng loạt vườn cà phê để trồng tiêu. Thậm chí ai không có cà phê để phá bỏ, lấy đất trồng tiêu thì… phá rừng để trồng tiêu.

Bên cạnh việc ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu thì chất lượng hạt tiêu cũng rất đáng được quan tâm. Tuy nhiều năm gần đây, chất lượng tiêu hạt của Việt Nam đã không ngừng tăng, tuy nhiên ở một số nơi, sau thu hoạch thì bà con vẫn còn thực hiện phơi sấy bằng phương pháp thủ công. Điều này đã làm giảm chất lượng sản phẩm, hạt tiêu khô không đều, khi chế biến tiêu sọ bị dập vỡ ở tỷ lệ cao, chất lượng tiêu đen khi cất trữ ít giữ được mùi vị, tổn thất tiêu sau thu hoạch chiếm 9-10%...

Khắc phục được những hạn chế trên, nhất định sản phẩm hồ tiêu Việt Nam sẽ ngày càng được củng cố trên thị trường quốc tế vốn dĩ rất khó tính này.

Trần Bình Định

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.