Từ kết nối giao thông đến thành công kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam - Lào - Thái Lan về Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) lần thứ nhất tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Qua đó, tạo kênh đối thoại tích cực và cởi mở giữa Chính phủ ba nước, lãnh đạo các địa phương nhằm giải quyết khó khăn, thách thức và xúc tiến các hoạt động đầu tư, kinh doanh dọc tuyến EWEC.

EWEC là một trong những dự án hợp tác phát triển trụ cột trong Tiểu vùng Mêkông mở rộng do Ngân hàng Phát triển Châu Á và Nhật Bản khởi xướng, được thảo luận và thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia GMS (Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan) lần thứ 8 tổ chức tại Philippines tháng 10-1998 và Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 chính thức đưa vào Chương trình hành động tại Hà Nội tháng 12-1998. EWEC là một liên vùng địa lý rộng lớn, nằm dọc tuyến đường bộ qua 13 tỉnh của 4 nước thuộc Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng là Việt Nam (3 tỉnh), Lào (1 tỉnh), Thái Lan (7 tỉnh) và Myanmar (2 tỉnh), nối với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

 

Toàn cảnh Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào-Thái Lan về EWEC lần thứ nhất tại Đông Hà (Quảng Trị). Ảnh: Bùi Oanh
Toàn cảnh Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào-Thái Lan về EWEC lần thứ nhất tại Đông Hà (Quảng Trị). Ảnh: Bùi Oanh

EWEC ra đời đã đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên. Mở ra cơ hội cho các quốc gia tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến; tạo điều kiện phát triển cho các thành phố, thị trấn nhỏ dọc hành lang đồng thời thúc đẩy thương mại xuyên biên giới; thu hút đầu tư từ các nguồn địa phương, khu vực và thế giới; phát triển các hoạt động kinh tế mới thông qua việc sử dụng hiệu quả không gian kinh tế và hình thành khu vực kinh tế xuyên quốc gia; mở cửa cho hàng hóa của Lào, Thái Lan và Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường đầy tiềm năng của Nam Á, Đông Á, châu Âu và châu Mỹ.

Hiện tại, EWEC đã phát huy vai trò trong việc thúc đẩy, giao lưu thương mại đối với Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Dưới sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Chính phủ Nhật Bản, nhiều công trình hạ tầng giao thông đã được đầu tư nâng cấp như: Cảng Đà Nẵng, đường hầm đèo Hải Vân, cầu Hữu nghị II bắc qua sông Mêkông…

Ngoài ra, các nước cũng đã tích cực thúc đẩy hợp tác về mọi mặt như: Đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi qua biên giới, hợp tác phát triển du lịch, phối hợp cơ chế chính sách quảng bá thu hút đầu tư. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn khẳng định, mục đích, Hội nghị lần này là rất quan trọng bởi EWEC có ý nghĩa to lớn đối với các nước, đóng góp tích cực vào sự tăng cường hiểu biết, hợp tác giữa các nước. Tuy nhiên trong mấy năm qua, hoạt động này chưa đáp ứng được mong đợi của Chính phủ 3 nước. Chính phủ Việt Nam đồng ý cho Bộ Ngoại giao 3 nước tổ chức Hội nghị cấp Thứ trưởng tại Quảng Trị để đánh giá lại các hoạt động của hành lang, đặc biệt là ở khu vực phía Đông, qua đó nêu ra những tồn tại để tìm hướng giải quyết và đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục tài trợ…

Tại Hội nghị, các đại biểu, thẳng thắn nhìn nhận về sự phát triển của EWEC vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn đã được xác định và cần được xử lý. Về hạ tầng giao thông điều kiện đường xấu và hư hại, còn thiếu các cơ sở dịch vụ tại các cửa khẩu để hỗ trợ bốc dỡ hàng hóa qua biên giới; thiếu cơ sở vật chất và dịch vụ trong khu vực và dọc hành lang. Vấn đề chậm trễ tại các cửa khẩu và quá nhiều thủ tục giấy tờ, các thủ tục thông quan tại cửa khẩu chưa phải là thông lệ tốt nhất, vẫn còn tồn tại nhiều loại phí tại cửa khẩu và dọc đường đi ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp…

Ngoài ra, các đại biểu nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại thường niên, luân phiên giữa ba nước và mong muốn Myanmar sớm tham gia vào cơ chế này trong tương lai; nhất trí thông qua Tuyên bố chung với các nội dung liên quan đến sự phát triển của EWEC; đề xuất với Chính phủ các nước trong khu vực tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác, giải quyết vướng mắc tồn tại để cùng phát triển. Đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hội nghị.

Xem đây là cơ hội để các nước và các tỉnh nằm trên tuyến EWEC giới thiệu, quảng bá và xúc tiến đầu tư trên cơ sở khai thác tiềm năng thế mạnh của mình, biến EWEC từ một hành lang giao thông thành một hành lang kinh tế phát triển, khai thác tối nhất những tiềm năng, lợi thể của các địa phương và khu vực…

Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào-Thái Lan về EWEC lần thứ 2 được tổ chức tại nước CHDCND Lào vào năm 2013.

Bùi Oanh
 

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.