Lãi suất thấp chưa đến tay doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lãi suất giảm là tín hiệu mừng đối với tất cả đối tượng đi vay khi mà họ phải gồng gánh lãi suất cao ngất ngưởng trong một thời gian khá dài.

Bình quân 17%/năm là mức mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng. Lãi suất ở các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ từ 18%/năm, có khoản vay lãi suất lên đến 21-22%/năm, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng phổ biến là 17%/năm.

Ông Huỳnh Văn Phong-Giám đốc Kinh doanh Comexim Gia Lai, với lượng vốn vay quay vòng bình quân hàng năm trên 300 tỷ đồng, chiếm 40% vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh đã góp phần giúp doanh nghiệp phát triển ổn định. Hiện doanh nghiệp ông đang có khoản vay của các ngân hàng khác nhau, trong đó lãi suất thấp nhất được áp dụng duy trì từ cuối năm 2011 đến nay là 17%/năm. Đây là mức thấp so với nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn. Hiện tại, doanh nghiệp đang chờ điều chỉnh giảm lãi suất từ phía ngân hàng trong vài ngày tới. Lãi suất giảm lần này sẽ giảm bớt chi phí hoạt động tài chính, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B

Theo ông Nguyễn Trần Hanh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa-Du lịch Gia Lai cho biết: Doanh nghiệp đã được điều chỉnh lãi suất vay 18%/năm. Đây là mức cao, song vẫn hy vọng chính sách điều hành tiền tệ sẽ được phát huy và đến cuối năm nay lãi suất sẽ xuống mức 14,5%-16,5%/năm theo đà giảm của lạm phát như Thống đốc Ngân  hàng Nhà nước Việt Nam nhận định.

Bình quân lãi suất cho vay được các ngân hàng áp dụng khoảng 17%/năm đối với khách hàng là doanh nghiệp lớn có quan hệ truyền thống. Nhiều doanh nghiệp cho biết đây là mức đã được tính toán ưu tiên lắm, chứ nhiều doanh nghiệp khác phải vay với mức 19%/năm. Hay như một số công ty cổ phần khác, dù các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất trong gần 1 tháng qua nhưng họ vẫn phải chịu lãi cao như cũ. Muốn được hưởng lãi suất mới, doanh nghiệp phải đáo hạn để vay lại, trong khi việc này đâu có dễ bởi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khó khăn. Hầu hết doanh nghiệp đều hy vọng lãi suất cho vay sẽ giảm về quanh mức 15%/năm. Như vậy, chi phí sản xuất kinh doanh sẽ giảm, mới mang lại hiệu quả kinh tế, doanh nghiệp mới sống được.

Dẫn chứng điều này, một Giám đốc chuyên kinh doanh mặt hàng tiêu dùng phân tích: Lãi trong kinh doanh đem lại chỉ khoảng 22-25%, trong khi phải trả lãi vay đến 18%, cộng với chi phí kinh doanh, chi phí tồn kho… tổng lại coi như kinh doanh không có lãi. Có thời điểm lãi vay cao hơn doanh nghiệp lỗ. Lãi vay 18% là may mắn, chứ nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay đến 20%/năm. Nếu đợt này có giảm cũng chỉ từ 1% đến 2%. Các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ vẫn phải vay ở mức 17-19%, không thể lấy đâu ra 15% như kỳ vọng. Như vậy, dù có giảm áp lực lãi vay, khó khăn vẫn đang đè nặng doanh nghiệp.

Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh cho biết, thực tế việc giảm lãi suất cho vay mức dưới 17% chỉ áp dụng đối với một số đối tượng vay trong diện ưu tiên và khách hàng ruột có mối quan hệ truyền thống với ngân hàng mà thôi, chưa thể áp dụng rộng rãi. Chỉ có lĩnh vực xuất khẩu được ưu tiên vốn và lãi suất thấp nhất. Chi nhánh Vietinbank đang áp dụng cho vay lĩnh vực xuất khẩu 15,8%, Agribank 16%, BIDV 16%... Hay như vay nông nghiệp nông thôn lãi suất đang được áp dụng phổ biến là 17%.


Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp phụ thuộc nguồn vốn từ ngân hàng rất lớn. Có những doanh nghiệp khoảng 30% là vốn tự có, còn lại là đi vay. Lãi suất giảm là tín hiệu mừng, doanh nghiệp mạnh dạn tiếp cận vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Song, thực tế nhiều ngân hàng đang rất “khiêm tốn” đầu tư khi mà chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên toàn tỉnh năm nay cũng bị giới hạn trong khoảng 15%. Ngân hàng phải chọn lọc, khoanh vùng với điều kiện gắt gao nên nhiều doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn vay được vốn. Đồng thời, căn cứ vào mức độ tín nhiệm, ngành nghề sản xuất kinh doanh, để có thể linh hoạt đưa ra mức lãi suất cho từng doanh nghiệp. Không những vậy, nguồn vốn cho vay giá rẻ của các ngân hàng cũng khá khiêm tốn, trong khi nhu cầu của doanh nghiệp lại rất lớn.

Theo tìm hiểu, gần như thời điểm này, sau khi quyết định giảm lãi suất huy động và một số lãi suất chủ chốt khác có hiệu lực, chưa có ngân hàng nào thông báo cho khách hàng về giảm lãi suất cho vay vì phải đợi thống nhất và hướng dẫn trong toàn hệ thống trong một vài ngày tới. Tuy nhiên, trước đó khoảng 2 tuần đã có nhiều ngân hàng thông báo hạ lãi suất từ 1% đến 2% ở các kỳ hạn. Các ngân hàng cho biết khả năng giảm lãi suất cho vay lần này là 1%/năm, tương ứng với mức giảm lãi suất huy động. Như vậy, lãi suất cho vay thấp nhất có thể sẽ là 15%/năm. Việc doanh nghiệp có được tiếp cận mức lãi này hay không là điều mới đáng nói!

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.