Nâng cao hiệu quả đầu tư công cho khu vực yếu thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Trong những năm qua, Nhà nước rất quan tâm đến hiệu quả đầu tư công. Số liệu cho thấy đầu tư công từ ngân sách nhà nước liên tục tăng như năm 2010 là 67,2% tăng gần 3% so với năm 2009 và cao hơn gấp đôi so với các nước trong khu vực.
Ở Việt Nam, Chính phủ là nhà đầu tư lớn trong khối ASEAN, trong khi ICOR khu vực nhà nước lớn gấp đôi khu vực ngoài nhà nước và thuộc vào tốp lớn nhất của thế giới (>7). Tuy nhiên, cơ cấu đầu tư vẫn chưa đồng đều ở các lĩnh vực, chủ yếu cho khu vực kinh tế (>70%), trong khi lĩnh vực về xã hội (liên quan đến phát triển công nghệ, khoa học, giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa xã hội,...) chiếm chưa đến 20%.

Hiện nay, đất nước đã thoát khỏi tình trạng nước nghèo có thu nhập thấp, Chính phủ cần điều chỉnh mạnh cơ cấu này để những đối tượng yếu thế, những vùng nghèo được hưởng nhiều hơn từ thành quả của tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, giảm thiểu sự bất bình đẳng trong hưởng lợi giữa các đối tượng và giữa các vùng miền.

Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là nền tảng và động lực cho quá trình công nghiệp hóa. Chúng ta đã tăng ngân sách cho khu vực này nhưng mức đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% GDP trong khi trên 70% dân số sống ở nông thôn, 50% lao động thuộc khu vực 1, đầu tư này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực từ 4 đến 8 lần (Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ: 8-16%).

Do đó cần có giải pháp tăng cường và điều chỉnh cơ cấu đầu tư công đối với những vùng khó khăn, những đối tượng yếu thế để ổn định đời sống trước mắt cũng như tạo điều kiện cho phát triển lâu bền, vươn lên theo kịp với bình quân chung của cả nước, trong đó có việc nâng cao các yếu tố về năng suất tổng hợp (TFP) nhằm đáp ứng với sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa của cả nước. Có thể chuyển hướng giảm bớt “đầu tư kinh doanh” sang tăng cường “đầu tư công cho phúc lợi”. Chú trọng phát triển giao thông nông thôn, đầu tư ứng dụng và chuyển giao cùng với các dịch vụ khoa học và công nghệ, có những chính sách đặc thù để phát triển giáo dục-đào tạo, kể cả mạng lưới giáo dục đại học ở những vùng còn khó khăn, cùng với chính sách thu hút đầu tư ở những vùng này nhằm phát huy tài nguyên và nguồn nhân lực, tạo điều kiện xây dựng nông thôn mới và không để chênh lệch vùng miền, giàu- nghèo 9-10 lần như hiện nay tiếp tục giãn thêm ra nữa.

Trên thực tế, công cụ đầu tư công đã không đảm nhận vai trò thúc đẩy sự phát triển vùng theo những định hướng đã vạch ra dẫn đến các địa phương hướng đến một cơ cấu đầu tư tương tự hơn là hình thành một cơ cấu đầu tư phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương.

Gia Lai là tỉnh có thu nhập thấp với trên 46% là người dân tộc thiểu số và trong đó trên 80% dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, cử tri của địa phương tiếp tục kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ xem xét miễn đóng 5% chi trả trong khám- chữa bệnh đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Người dân cũng yêu cầu tăng cường kiểm soát giá cả. Việc tăng giá điện, xăng,... nên tính toán để giảm thiểu sự cộng hưởng cùng với lạm phát vượt ngưỡng cho phép (>9%) càng tăng thêm sự khó khăn đối với những đối tượng yếu thế. Mức sống đã giảm sút thì lấy đâu mà phát triển?

Chính phủ hỗ trợ điện cho hộ nghèo là 30 ngàn đồng/hộ/tháng, còn xăng và những giá tăng theo thì sao? Những giải pháp tình thế là cần thiết nhưng rất quan trọng là chính sách để ổn định cho phát triển lâu dài. Nông dân vùng miền núi nói chung, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây công nghiệp và có một số loại cây đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ như cà phê, tiêu,… đã đóng góp tích cực vào xuất khẩu, Chính phủ đã thí điểm bảo hộ trên cây lúa, chăn nuôi cũng cần được thực hiện bảo hộ cho cây công nghiệp để những đối tượng nông dân này được yên tâm sản xuất.

Để cho các vùng nghèo, khu vực nông nghiệp- nông thôn, đối tượng yếu thế có điều kiện ổn định và phát triển, không tụt hậu so với bình quân của cả nước thì cần có những chính sách đủ mạnh về đầu tư công để làm được vai trò “bà đỡ” cho phát triển ở các khu vực này.
PGS.TS. Nguyễn Danh

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.