Gia Lai: Nghịch lý thị trường đồ gỗ nội thất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng gỗ xuất xứ từ Gia Lai ít được người tiêu dùng lựa chọn vì mẫu mã không đẹp, chất lượng kém (trừ một số hàng gỗ cao cấp của những công ty tên tuổi như Hoàng Anh, Đức Long... nhưng giá lại quá cao). Đa số người tiêu dùng Gia Lai vẫn chọn đồ gỗ nội thất nhập về từ TP. Hồ Chí Minh và Đài Loan.
Dạo quanh một số cửa hàng đồ gỗ tại TP. Pleiku, chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ hàng gỗ nội thất nhập từ TP. Hồ Chí Minh và Đài Loan chiếm khoảng 60-70%.  Chủ cửa hàng nội thất Hữu Tín (Trần Phú, TP. Pleiku) cho biết: So với hàng sản xuất tại Gia Lai, hàng TP. Hồ Chí Minh mẫu mã phong phú và đẹp hơn. Cửa hàng rất ngại bán hàng gỗ Gia Lai vì để giữ… khách.
Ngay cả một số cơ sở đồ gỗ nội thất trên đường Wừu, nhãn hàng là của Gia Lai nhưng gỗ, mẫu mã và cả thợ lại là của TP. Hồ Chí Minh. Chủ cơ sở Văn Nhật khẳng định: “Tuy hàng sản xuất tại Gia Lai nhưng thợ và gỗ đều từ… TP. Hồ Chí Minh. Quý khách hàng cứ yên tâm”. Cơ sở này ít dùng ván ép sản xuất tại Gia Lai, nếu có thường thì dùng để đóng các sản phẩm bình thường nhỏ như kệ tivi, bàn học sinh.
Ảnh Dã Quỳ
Ảnh Dã Quỳ
Đối lập với không gian chật chội tại một số cửa hàng nội thất xung quanh khu Trung tâm Thương mại Pleiku hoặc đường Wừu, cửa hàng đồ gỗ nội thất Đài Loan (đường Đinh Tiên Hoàng) mang một phong cách khác hẳn. Những chiếc kệ, tủ, bàn ghế được trưng bày trong một không gian sang trọng, những bức tranh, lọ hoa và cả những tác phẩm nghệ thuật được đặt đúng chỗ đã tôn thêm giá trị của những sản phẩm này. Cách tiếp đón của nhân viên bán hàng cũng khiến khách hàng dễ chịu hơn. Một nhân viên ở đây khẳng định: “Cửa hàng còn có dịch vụ bảo hành, nếu đồ dùng bị xây xước hoặc hỏng khóa... chỉ cần điện thoại nhân viên của cửa hàng sẽ đến ngay”. Một chủ khách sạn ở huyện Chư Sê cho biết: Hầu hết nội thất dùng trong khách sạn đều là hàng Đài Loan, trông sang trọng và đẹp hơn nhiều.
Giá cả các mặt hàng của Đài Loan khá cao, còn về chất lượng chắc chắn sẽ không bằng các sản phẩm cao cấp ở Gia Lai. Bởi lẽ, các sản phẩm này ở Gia Lai chủ yếu là bằng gỗ miếng, trong khi gỗ đài Loan chủ yếu là ván ép. Tuy nhiên, người tiêu dùng Gia Lai vẫn ít quan tâm, sử dụng hàng trong tỉnh. Anh Hoàng Anh Tuấn (huyện Ia Grai) cho biết: Sau nhiều lần đến các cửa hàng đồ gỗ nội thất ở TP. Pleiku, anh cũng chọn được một bộ bàn ghế gỗ mà theo anh thì khá đẹp. Tuy nhiên, vợ anh không ưng và dứt khoát đòi đổi bằng được một bộ bàn ghế Đài Loan có giá hơn chục triệu đồng.
Một nghịch lý là trong khi người Gia Lai thuê thợ từ TP. Hồ Chí Minh về đóng tủ và ít mặn mà với sản phẩm sản xuất tại đây thì TP. Hồ Chí Minh lại rất ưa chuộng hàng gỗ sản xuất tại Gia Lai. Anh Lê Bá Tánh-một thợ mộc ở TP. Pleiku cho biết: “Hàng năm vào dịp Tết tôi cùng các anh em thợ mộc vào TP. Hồ Chí Minh lắp ráp tủ cũng được một khoản kha khá” .Trong khi đó, tại Gia Lai với một lực lượng thợ mộc khá đông đảo, trừ các doanh nghiệp Quang Đức, Hoàng Anh, Đức Long và Nhà máy MDF An Khê ra thì đa số là các xưởng mộc nhỏ lẻ, nằm rải rác trên địa bàn, công việc tại các xưởng này ít ổn định. “Công việc mộc ở Gia Lai chỉ tập trung theo mùa vụ, khi làm không hết việc, nhưng khi vào mùa mưa thì lại chơi dài”- anh Tánh cho biết thêm.
Gia Lai được mệnh danh là xứ gỗ, vậy người tiêu dùng vẫn không lựa chọn hàng gỗ ở đây, đó là một nghịch lý! Nên chăng các công ty, tập đoàn sản xuất đồ gỗ có thương hiệu của ta không chỉ chú trọng đến việc xuất các sản phẩm cao cấp để xuất khẩu, mà cần quan tâm hơn nữa đến việc sản xuất các mặt hàng bình dân. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến đồ gỗ cũng cần chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng hàng hóa. Người tiêu dùng Gia Lai cũng nên bỏ thói quen “sính ngoại” để quay về dùng hàng chất lượng được sản xuất tại Gia Lai.
Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.