“Thông điệp năm 2009”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 1-1-2009, mở đầu năm mới 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết quan trọng đăng trên các báo, được coi như bức thông điệp năm 2009 của người đứng đầu Chính phủ gửi đồng chí, đồng bào, chiến sĩ về nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà cả nước cần dồn sức phấn đấu - phấn đấu hết mình để vượt qua những thách thức của thời suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Phát huy sức mạnh tổng hợp, nỗ lực phấn đấu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, đó là mệnh lệnh của cuộc sống trong cuộc hành trình năm 2009.
Phân loại sản phẩm hạt điều.
Phân loại sản phẩm hạt điều. Ảnh: MINH CHỮ
Suy thoái kinh tế thế giới đã và đang tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta. Năm 2008, với 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, lạm phát 2 chữ số ở nước ta về cơ bản đã được kiểm soát và ngăn chặn. Cuộc chiến chống suy giảm kinh tế năm 2009 ở nước ta sẽ khó khăn hơn, phức tạp hơn. Chính phủ đã có quyết sách thực thi đồng bộ 5 nhóm giải pháp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách mà các bộ, ngành, các địa phương phải làm mạnh mẽ, triệt để, quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm. Các nhóm giải pháp đó là: Tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; huy động các nguồn lực để kích cầu đầu tư và tiêu dùng; bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo; thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài chính tích cực, hiệu quả; tập trung điều hành quyết liệt, linh hoạt và phù hợp với thực tế tình hình kinh tế - tài chính trong nước và quốc tế.
Với Gia Lai, 2009 là năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn đang đặt ra trong bối cảnh suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu. “Thông điệp” mà Chủ tịch UBND tỉnh chuyển đến các ngành, các cấp, các địa phương trong toàn tỉnh: “Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phá triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao hiệu lực điều hành của bộ máy Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; tập trung giải quyết các chương trình kế hoạch và một số chương trình lớn của tỉnh; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội; tăng cường thu hút đầu tư với các đặc thù của tỉnh, hỗ trợ thông tin, tìm kiếm thị trường cho DN, giúp DN tỉnh nhà vượt qua khó khăn để phát triển”.
Với kinh nghiệm đã thu được trong điều hành kinh tế vĩ mô bằng 8 nhóm giải pháp đã đối phó khá thành công với tình trạng lạm phát cao và nhập siêu lớn trong năm 2008, người dân đặt niềm tin vào gói 5 giải pháp mới do Chính phủ đã đưa ra từ đầu tháng 12-2008, cũng như các định hướng mà Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu. Tuy các giải pháp đó rất đồng bộ nhưng mới dừng lại ở định hướng, đòi hỏi các ngành, các địa phương cần tính toán cụ thể từng giải pháp, đưa ra định lượng cho từng phần của mỗi giải pháp và dự báo mỗi phần sẽ tác động đến trạng thái kinh tế như thế nào và có gây tác động trái chiều hay không, chú ý khai thác các dư địa tăng tưởng theo lợi thế đặc thù của tỉnh như thủy điện, trồng cây công nghiệp và phát triển các khu công nghiệp nhằm phục vụ đắc lực cho quá trình cải cách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Thực tiễn cho thấy, tác động của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước, trong tỉnh hiện nay là tức thì, trực tiếp và sâu sắc, chứ không còn độ trễ như nhận thức lâu nay nữa. Do đó, đây chính là lúc chúng ta, mà trước hết là các doanh nghiệp, phải thực hiện phương châm “Hành động ở địa phương, với tư duy toàn cầu”. Để chủ động đối phó với mọi thách thức ở phía trước, chúng ta phải nắm bắt được ý nghĩa sâu sắc “Thông điệp năm 2009” của Thủ tướng Chính phủ, coi đó là yêu cầu từ cuộc sống, là đòi hỏi của nhân dân, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, của mọi công dân.
TRỌNG BẢO

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.