Từ một đêm mưa Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một đêm mùa mưa của năm 1986, tôi bị lôi ra khỏi nhà bởi điện thoại của Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Trịnh Kim Sung. Ông gọi tôi đến nhà có việc. Thế là mặc áo mưa dắt xe, đạp gò lưng trong mưa đến nhà ông. Kế hoạch hay chính xác là một phác thảo ban đầu cho việc thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ra đời từ đêm ấy.

Chúng tôi, cánh viết văn làm thơ tứ xứ tụ lại ở Pleiku, lúc này đang díu vào Phòng Văn nghệ-Xuất bản của Sở Văn hóa-Thông tin để hoạt động. Không khí văn chương lúc ấy như... lên đồng. Chiều chiều, dắt mấy đồng lẻ vào túi là lại tụ bạ đâu đấy, đọc thơ và... uống rượu. So với thiên hạ, anh em văn nghệ thời ấy uống không nhiều. Nhưng... ếch chết tại miệng. Uống ít mà nói nhiều. Dăm anh em tụ bên chai rượu mía chua lè và sực mùi thuốc sâu, mấy cục xương nguội làm mồi mà như... mổ bò.

 

Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai nhiệm kỳ 2014-2019.                  Ảnh: internet
Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai nhiệm kỳ 2014-2019. Ảnh: internet

Ông Trịnh Kim Sung, tên thường gọi là Sanh, chúng tôi gọi là chú Sanh, không uống nhưng lại chịu ngồi khi chúng tôi uống nên thi thoảng là người chủ trì và chủ chi. Và trong những cuộc ấy, thường chỉ chúng tôi nói, còn ông ngồi nghe. Nhưng ông là người mà tất cả chúng tôi đều kính trọng. Đấy là một người đàn ông rất lạ. Giữa rất đông đồng cấp thời ấy “mồm năm miệng mười” thì ông rất hiền, ăn nói nhỏ nhẹ. Giữa đám đông áo quần nhăn nhúm mặc lấy được, càng xuề xòa càng biểu hiện “phẩm chất đạo đức” thì ông luôn rất chỉn chu, ra khỏi nhà là áo bỏ trong quần và được ủi rất phẳng phiu. Đồng cấp và kể cả cấp trên có thể có người không ưa ông, nhưng anh em văn nghệ, ai cũng quý ông. Từ thời ấy và cho đến bây giờ, khi ông mất đã mấy chục năm. Mà nên nhớ, ông chả sáng tác gì, nhưng cánh sáng tác luôn coi ông như thầy và một lòng yêu quý. Ông chính là người đầu tiên đặt nền móng cho phong trào văn học nghệ thuật và cũng là nền móng cho việc thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai.

Hồi ấy, ông là người chịu trách nhiệm xuất bản và tôi là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Gia Lai. Tờ tạp chí này chính là hạt nhân để thành lập Ban vận động thành lập Hội. Chả biết cấp trên nói với ông những gì, hồi ấy tôi trẻ cũng không để ý, sau này mới nghe anh Đoàn Minh Phụng, khi ấy là Thư ký của Bí thư Tỉnh ủy, kể lại là, họ giao cho ông thành lập xong Hội Văn học Nghệ thuật thì mới được... về hưu.

Tạp chí khi ấy có 6 người, không kể ông Sanh, tôi là người làm danh sách để cấp trên ra quyết định chuyển tất cả về Ban vận động thành lập Hội. Cụ thể gồm: chị Lan (giờ là Phó Trưởng phòng Quản lý Báo chí (Sở Thông tin và Truyền thông), 1 chị đánh máy nữa và 4 cán bộ chuyên môn (gồm 3 cử nhân văn chương và 1 cao đẳng hội họa).

Tôi nhớ hàng tuần liền, chúng tôi mỗi người một xe đạp, đi hàng một trên đường. Ông Sanh người gầy, cao lêu đêu, đạp đầu tiên. Tôi lũn cũn trên cái xe “xiết nợ” hụi cao ngồng trẹo trọ ngay sau. Chúng tôi đi tìm trụ sở và đi thăm xã giao các cơ quan quan trọng mà sau này Hội sẽ... nhờ vả. Tìm mãi thì được chỉ về 68 Phan Bội Châu, lúc này là trụ sở cơ quan Trọng tài Kinh tế tỉnh. Sau này, Hội Văn học Nghệ thuật làm việc ở đây khoảng 5, 6 năm chi đó mới chuyển về 24 Trần Hưng Đạo. Còn lại là đi... ngoại giao để... xin tiền hoạt động. Nhiều lúc tôi thấy xấu hổ quá, ông Sanh lại động viên: Cố lên cháu, không có tiền thì hoạt động gì. Rồi chúng tôi đi xuống Bình Định, Phú Khánh, sang Lâm Đồng học hỏi kinh nghiệm. Ra Hà Nội, nhờ ông anh tôi dẫn vào Cục Xuất bản xin mấy cái giấy phép xuất bản, vào Sài Gòn in sách làm quỹ. Sau đó, mở hẳn một cuộc hội nghị chỉ để chuyên bàn về... kinh tế cho văn chương. Tuyển một ông sĩ quan về chỉ để chuyên lo kinh tế cho Hội. Ông Sanh trực tiếp sang Sở Lâm nghiệp xin được mấy cái giấy phép chuyên chở gỗ, giao ông này. Ông này đi mấy chuyến nhưng về báo... lỗ. Thế là huề.

Tóm lại là một thời quay quắt văn chương, kiếm tiền nuôi văn chương và lấy văn chương để... kiếm tiền nuôi nhau. Nhưng rồi, nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhưng mà thương nhau lắm, như những câu thơ của anh Phạm Đức Long: “Thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn, thương nhau giữ tròn lẽ sống, giữa trắng đen hư thực thăng trầm...”.

Còn một chuyện đáng nhớ nữa. Hồi ấy có được ít quỹ. Cơ quan nào cũng có quỹ, nơi gọi quỹ đen, nơi gọi quỹ giám đốc, đại loại là có một khoản thì mang đi gửi tiết kiệm để lấy lãi. Kế toán cơ quan mang đi gửi tại Quỹ Tiết kiệm Hội Thương. Sau nó vỡ tanh banh. Thế là tay trắng lại hoàn tay trắng.

Ông Sanh làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai được mấy năm thì mất. Sau này, cả gia đình chuyển ra Hà Nội, mình chú Sanh nằm lại với Gia Lai, mảnh đất chú không sinh ra nhưng gắn bó trọn cuộc đời mình. Gia đình cũng mới vào Gia Lai xây mộ cho chú. Cũng phải thôi. Một người tốt đến thế, yêu Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung, đến thế, am hiểu văn hóa Tây Nguyên sâu sắc đến thế thì gia đình chọn cách để chú nằm lại nơi này cũng đúng. Anh em văn nghệ sĩ thời ấy thi thoảng lại tề tựu về chỗ chú nằm, thắp hương tưới rượu cho chú. Những người theo chú thời ấy gầy dựng phong trào văn học nghệ thuật Gia Lai giờ cũng đã được nhân viên và người viết trẻ gọi là chú rồi.

Thoắt cái đã mấy chục năm, một thế hệ lớn lên và trưởng thành. Những người viết trẻ hôm nay, có người không biết ông Trịnh Kim Sung là ai, nhưng mỗi lần nghe chúng tôi nhắc đến ông, đều tỏ lòng kính trọng. Và, tôi cho rằng, văn học nghệ thuật Gia Lai, dẫu nhiều năm trôi qua nữa, vẫn không thể không nhắc đến ông...

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.