Từ một tiết học đến dự án cộng đồng ý nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ trong vòng 30 ngày, một khu chợ hoàn toàn miễn phí chỗ ngồi dành cho những người bán rong là đồng bào dân tộc thiểu số đã được hình thành tại tổ dân phố 1 (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê). Ít ai biết rằng, dự án cộng đồng này được khởi xướng ngay từ... bục giảng của nhóm cô trò Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê).

Từ một tiết học ngữ văn

Cô Đinh Thị Phương Chi-giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trường Chinh, kể: “Khi dạy cho học trò tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, tôi luôn đặt ra một câu hỏi: Tác giả đã làm gì để giúp đỡ những mảnh đời cơ cực, hay cũng bởi đang bế tắc trong cuộc sống nên tác giả chỉ dừng lại ở việc xót thương những nhân vật của mình? Kết thúc tiết học, tôi giao bài tập về nhà cho học sinh, yêu cầu các em chụp hình lại những mảnh đời cơ cực, kém may mắn quanh mình. Thật bất ngờ, tôi đã nhận được những bộ ảnh cùng lời thuyết trình vô cùng xúc động của học sinh, nhiều em đã khóc tại lớp học. Trong những bộ ảnh đó, tôi ấn tượng với những tấm hình chụp đồng bào dân tộc thiểu số bán hàng rong nép mình vào 2 bên đường trong chợ. Họ không có một chỗ ngồi bán hàng cố định để người mua tìm đến. Tất cả những cảm xúc đó đã thôi thúc cô trò bàn bạc xây dựng một dự án cộng đồng để giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương”.

 

Các em học sinh tham gia làm khu chợ cho những người bán rong là đồng bào dân tộc thiểu số.     Ảnh: N.G
Các em học sinh tham gia làm khu chợ cho những người bán rong là đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: N.G

Kết quả, dự án xây dựng một khu chợ nhỏ nằm trong chợ tổ dân phố 1 (thị trấn Chư Sê) được chọn dù cô trò hiểu phải rất khó khăn để thực hiện. “Tôi trình bày dự án này với Ban Giám hiệu nhà trường và nhận ngay được sự đồng ý. Cô Hiệu trưởng ký vào lá thư ngỏ để tạo điều kiện cho cô trò đi quyên góp vận động. Chính quyền địa phương cũng ủng hộ nên cô trò chúng tôi rất tự tin. Tôi giao cho từng nhóm học sinh đi vận động kinh phí tại khu vực các em sinh sống, còn tôi đi khảo sát địa điểm, liên hệ những chỗ bán vật liệu để xin họ bán giá gốc. Trong quá trình thực hiện, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi gặp được rất nhiều người tốt, họ sẵn sàng giúp đỡ khi cô trò tôi trình bày dự án. Người cho tôn, người cho ngày công... để chung tay cùng chúng tôi thực hiện dự án này”-cô Chi cho hay.

Anh Võ Xuân Hải (40 Quang Trung, thị trấn Chư Sê)-người sẵn sàng hiến 60 m2 đất trống trong chợ để cô Chi cùng học trò thực hiện dự án, chia sẻ: “Dự án của cô trò quá ý nghĩa vì tôi cũng thấy thương những người dân tộc thiểu số bán hàng rong. Tôi ủng hộ vì tôi tin cô Chi và học trò sẽ thành công với dự án này”.

Giúp học sinh trải nghiệm cuộc sống

Nói về những bài tập về nhà “không đụng hàng” môn Ngữ văn, em Nguyễn Thị Thu Hằng-học sinh lớp 11A1, bày tỏ: “Em rất thích bài tập về nhà của cô Chi khi cô yêu cầu chúng em chụp lại những mảnh đời cơ cực quanh mình. Em đã dành thời gian để cùng các bạn đi vào làng, đi vào chợ và thấy được những số phận kém may mắn, để từ đó thấy cuộc sống của mình quá đủ đầy mà đôi khi mình còn đòi hỏi quá đáng từ bố mẹ. Khi cô phát động thực hiện dự án xây chợ cho các cô, các chị đi bán hàng rong là người dân tộc thiểu số, em tham gia ngay. Em đã cùng các bạn đi vận động mọi người ủng hộ và trong suốt quá trình đó, em học được nhiều bài học quý từ cuộc sống”.

Em Trịnh Ngọc Quốc (lớp 12A5) thì lại học được một bài học khác, bởi có người cho rằng em lừa đảo khi đi vận động kinh phí.  “Em nhận ra, không ai có nghĩa vụ tin mình, thương mình ngoài gia đình. Dần dần em biết cách thuyết phục những người không quen biết tin mình, ủng hộ mình để làm việc ý nghĩa. Có một bác mất gần 30 phút tìm hiểu xem tên người ký vào thư ngỏ cho chúng em có đúng là cô Hiệu trưởng của Trường THPT Trường Chinh không. Sau khi xác định đúng, bác rút ra ủng hộ chúng em 20 ngàn đồng. Chúng em rất vui khi chứng minh cho mọi người thấy rằng mình đang nỗ lực cho một dự án cộng đồng ý nghĩa. Kết quả, nhóm em đã vận động được tổng cộng gần 4 triệu đồng khi kết thúc thời gian quyên góp”-Quốc vui vẻ cho hay.

Sau khi kiểm đếm số tiền gần 10 triệu đồng đã vận động được, cô Chi và học trò bắt tay ngay vào việc xây dựng. Những em học sinh có sức khỏe thì đẩy hồ, dựng trụ cùng các bác thợ. Các bạn nữ thì lo nước nôi, quét dọn. Sau 1 tháng làm tranh thủ, khu chợ đã hoàn thành với mái che kiên cố, nền xi măng sạch sẽ. Chỉ nay mai thôi, các bà, các chị người dân tộc thiểu số bán hàng rong sẽ được Ban quản lý chợ hỗ trợ để vào bán cố định. Bên cạnh đó, cô Chi sẽ cử học trò là người dân tộc thiểu số có hiểu biết xuống chợ, giúp mọi người biết cách chia nhỏ các mặt hàng, chủ yếu là sản phẩm do chính tay bà con làm ra, để tiện cho việc bán-mua.

Khởi nguồn từ một tiết học Ngữ văn, cô trò Trường THPT Trường Chinh đã mang đến cho người dân một dự án cộng đồng ý nghĩa. Dự án đã giúp các em học sinh biết nuôi dưỡng tình yêu thương, biết dùng sức lao động của mình vào những việc làm có ích, biết trân trọng giá trị sống. Điều tuyệt vời hơn là thông qua hoạt động ý nghĩa này, các em lại thêm yêu những tiết học Ngữ văn, thêm gắn bó với bạn bè, thầy cô.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.