Người thầy tận tâm ở xã nghèo Kon Gang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 24 năm trong ngành sư phạm, trong đó có 3 năm trực tiếp đứng lớp và 21 năm làm công tác quản lý, dù ở cương vị nào thầy Nguyễn Xuân Luân-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kon Gang (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) cũng là một người mẫu mực, tận tâm.

Từng là một cảnh sát cơ động của Bộ Công an đóng quân tại xã Trà Bá (TP. Pleiku), nhưng duyên phận đã đưa đẩy thầy Luân gặp một cô giáo trẻ và cũng đưa ông đến với ngành sư phạm. Năm 1993, khi vừa tròn 28 tuổi, ông quyết định xin ra khỏi ngành Công an để đi học sư phạm theo yêu cầu của... vợ. Thế rồi, ông yêu nghề, yêu trò như con lúc nào không biết...

 

Thầy Luân luôn luôn quan tâm, giúp đỡ học trò. Ảnh: N.G
Thầy Luân luôn luôn quan tâm, giúp đỡ học trò. Ảnh: N.G

Trường là nhà

Trường Tiểu học Kon Gang có khuôn viên không rộng nhưng gọn gàng, xanh-sạch-đẹp. Ai bước chân vào ngôi trường này cũng cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện và ấm cúng như chính tấm lòng của thầy Nguyễn Xuân Luân-Hiệu trưởng nhà trường. Được phân công về đây giữ cương vị lãnh đạo đơn vị chỉ mới 6 năm nhưng với sự quyết tâm của thầy, bộ mặt ngôi trường vùng khó này đã hoàn toàn đổi khác, ngày một khởi sắc. Cùng tôi đi tham quan một vòng sân trường, anh Nguyễn Văn Thành-Bí thư Đoàn xã Kon Gang, chia sẻ: “Trong cuộc đời tôi đã gặp rất nhiều người thầy nhưng tôi thực sự cảm phục tấm lòng nhiệt huyết của thầy Luân. Từ ngày thầy về đây, ngôi trường này mới chính thức trở thành một môi trường sư phạm chuẩn mực”.

Anh Thành kể thêm về những ngày sân trường còn bì bõm nước mỗi khi mưa xuống và bụi mù trời khi nắng lên. Khuôn viên trường hiếm lắm mới có một bóng cây xanh khiêm tốn cho bóng mát. Việc đầu tiên thầy Luân làm khi về trường nhận nhiệm vụ là bỏ tiền túi làm sân bê tông, quy hoạch trồng cây xanh, tạo cảnh quan cho trường rồi sau đó thầy mới họp phụ huynh, kêu gọi mỗi em học sinh có điều kiện đóng góp 20 ngàn đồng để cùng với thầy cô làm cho trường lớp xanh-sạch-đẹp hơn. Không chỉ quan tâm điểm trường chính, 8 điểm trường lẻ ở 8 thôn, làng cũng được thầy trồng cây xanh, làm tường rào cẩn thận. Kết quả, đến nay ngôi trường này đã trở thành một điểm sáng về giáo dục trên vùng đất Kon Gang với thư viện xanh, khu sinh hoạt thân thiện, gần gũi với thiên nhiên...

Nói về những đóng góp của mình, thầy Nguyễn Xuân Luân chỉ cười khiêm tốn: “Ừ thì, trường như nhà mình vậy, mà có khi còn hơn vì mình ở trường nhiều hơn ở nhà, cố gắng làm cho ngôi nhà của mình sạch-đẹp hơn là chuyện bình thường thôi. Hơn nữa, đây là công sức của cả tập thể sư phạm nhà trường với sự đóng góp hàng năm của thầy-cô giáo, của phụ huynh chứ nào của riêng tôi”.

Học trò là con

Mỗi ngày, thầy Luân vượt 18 km đường từ nhà đến trường, rồi còn thường xuyên đi kiểm tra, thăm lớp ở 8 điểm trường lẻ mà có những điểm cách trường chính tới 17-18 km. Ở tuổi ngoài 50, sức khỏe thầy không còn dẻo dai như trước nhưng chính nhờ tình yêu dành cho học trò, thầy đã làm được những việc tưởng dễ nhưng ít người kiên trì làm được.

Ngày mới về đây, khi trường lớp bắt đầu ổn định, thầy đã bỏ công sức tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của học sinh để giải bài toán học sinh bỏ học. Đang lúc nghĩ cách giúp các em thì năm học 2014-2015, Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo phát động kế hoạch mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường nhận đỡ đầu, giúp đỡ một em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường mình. “Tôi như người chết đuối vớ được cọc. Ngay lập tức, tôi họp Hội đồng sư phạm triển khai và thật vui mừng khi tất cả cán bộ, giáo viên trong trường đồng lòng thực hiện. Đến nay, toàn bộ 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường cũng vừa đủ đỡ đầu, giúp đỡ cho khoảng 30 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó mà 2 năm nay, sĩ số học sinh được duy trì ở mức 100%, đó thực sự là một niềm vui không gì bằng”-thầy Luân vui mừng bày tỏ.

Trong việc nhận đỡ đầu học sinh, thầy Luân cũng là người đi đầu bởi học sinh nào có hoàn cảnh khó nhất, khổ nhất thì thầy Luân nhận. Đã 3 năm nay, lễ khai giảng nào thầy cũng tặng cho 1 em học sinh khó khăn nhất 1 chiếc xe đạp mới tinh. Trong năm học này, thầy nhận giúp đỡ em Sưk bằng cách mỗi tháng hỗ trợ 3 chị em nhà Sưk 50 kg gạo. Đã 2 năm nay, cậu học trò này phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện Sưk ở cùng chị và em gái. Trọng trách trụ cột gia đình đè nặng lên đôi vai của người chị cả chỉ vừa 14 tuổi nên Sưk cũng ý thức được nhiệm vụ của mình. Ngoài giờ học, Sưk phụ chị mò cua, bắt ốc bán lấy tiền mua thức ăn. Cùng đồng hành giúp đỡ em Sưk với thầy Luân có cô Nguyễn Thị Mai (Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Kon Gang).

“Hàng tháng, thầy Luân tặng gạo thì tôi tặng mắm, muối, bột ngọt, dầu ăn cho 3 chị em nhà Sưk. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ chăm lo cuộc sống hàng ngày cho em học sinh nào, nhưng khi nhìn vào tấm gương của thầy Luân thì tôi đã hoàn toàn thay đổi, tôi cảm thấy vui khi giúp đỡ được các em”-cô Mai chia sẻ. Không dừng lại ở đó, hàng năm, thầy Luân còn làm công tác ngoại giao, kết nghĩa với các trường Tiểu học vùng thuận lợi để quyên góp hàng ngàn bộ quần áo cũ, đồ dùng học tập, truyện tranh cho gần 470 học sinh trường mình.

Ngồi dưới bóng mát một tán cây của ngôi trường vùng khó này, nghe những giáo viên ở đây nói về thầy Hiệu trưởng trường mình, tôi thực sự cảm nhận được tấm lòng thật đẹp của một người thầy!

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.