Sống ở rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quen lối sống quê từ tấm bé, sẵn có trong người máu giang hồ vặt, tuy lập nghiệp ở phố nhưng tôi nhanh chóng hóa thân thành người làng, “sành điệu” nữa là khác.

Những cơn mưa đầu mùa xuất hiện với tần suất dày hơn, cũng là bắt đầu mùa làm rẫy. Mang ba lô theo bạn về làng điền dã. Nếp sống ở làng giờ cũng chẳng khác mấy ở phố, hao hao như phường xã, chẳng nhiều thú vị. Ba lô nhét thêm thực phẩm khô, dong xe lên rẫy. Bạn ôn lại ký ức, mình trải nghiệm cuộc sống người làng. Tưng bừng rạo rực cho xe luồn lách con đường rắn lượn, men theo bãi cỏ bờ lau; gập ghềnh dốc đá, vũng lầy; cheo leo ngược dốc hướng về phía chân núi. Mù mù xa xa khói giăng trắng nhờ, rừng xanh thăm thẳm, núi lam mây phủ trắng lốp cứ theo hướng ấy là đến rẫy. Non một giờ đường đã đến nơi. Nắng lên chưa cao mà mồ hôi ướt đầm!

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mùa rẫy cũng là mùa săn bẫy, thu hái lộc đất, lộc rừng. Trong 6 tháng khô hanh, nhiều loài côn trùng, muôn thú, thực vật dường như phải “ở ẩn”. Mưa xuống, tất cả bừng thức cùng mưa, dưới mưa. Là khách đến rẫy nên tôi không phải đi làm. Nắng lên cao quá đọt le một đoạn, chúng tôi rủ nhau cầm rổ dạo vòng quanh rẫy hái nấm mối, rau tập tàng: tàu bay, chua lẻ, dền ta, ngót… chưa kịp mỏi chân đã được rổ đầy. Chắc mẩm nồi rau canh ngọt lừ! Cũng gùi sau lưng, cầm liềm, rựa ngọn đi hái măng. Chân tay trầy xước mà vui. Bữa trưa ở rẫy thức món đơn giản. Cơm gạo rẫy dành đãi khách nấu bằng nồi đồng đốt củi, chưa kịp sôi đã thơm ngát. Cơm sôi già thì tỏa hơi thơm nức. Ráo nước, xếp miếng lá chuối rừng lên miệng nồi, đậy vung cho kín hơi một chập, vùi than. Mùi cơm chín tới thơm lừng, nao dạ. Xoay nồi vài lượt, đợi cơm cháy sém đều bên hông hãy nhắc ra đất mới ngon!

Chỉ loay hoay lui tới làm “phụ rẫy” chừng vài giờ đồng hồ đã tiêu hao năng lượng. Vì thế nên mới đói tợn. Thời gian chờ cơm dài thêm ra, bụng đói nôn nao. Chợt nhớ ngày bé rong chơi chán lại chạy về giục mẹ làm cơm. Khứu giác bị “thu phục” bởi mùi cá khô nướng lửa than đỏ rực; bởi mùi thơm tỏa ra từ nồi canh rau nấm mối sôi bốc khói… Trải manh chiếu lên nền đất dọn cơm. Chén đũa “chiếc đực, chiếc cái” không vấn đề. Cơm đưa vào miệng chưa kịp nhai kỹ đã trôi tuột. Cơm gạo lúa rẫy mềm, dẻo, thơm ngọt đến lạ. Thức nướng đã đưa cơm mà thức chấm mới tuyệt kỹ. Chính cái vị cay của ớt, mùi thơm của lá é, vị mặn của muối hạt có lẫn ít mì chính mới hòa, mới quyện làm sao! Bát canh rau tập tàng, nấm mối mới chết người chứ. Ngọt lừ, quyện hương, mát lưỡi. Tôi không đủ bút lực để tả. Chỉ xuýt xoa thán phục: Người làng quả rất sành điệu ẩm thực!

Tạm dừng nói chuyện ăn, chuyển sang chuyện ngủ ở rẫy.

Chòi rẫy chỉ có một cánh cửa ra vào không khép bao giờ, vì chẳng ai thèm tham của ai cái gì. Căn chòi vách bằng tre nứa, mái lợp tranh. Áp một bên vách có tấm phên tre to nan, đan dày làm chỗ ngủ. Gối chăn, màn chống muỗi sốt rét được cấp phát cuộn nhàu đặt một góc. Mùi người ngai ngái, nồng nồng, hăng hắc… ủ tròn trong đó. Tôi cam đoan, các nhà sản xuất mỹ phẩm bậc thầy trên thế giới cũng không phân tích được hết thành phần  “hương liệu” tổng hợp này. Mùa rẫy, mớ chăn màn ấy được đem ra sử dụng sau một ngày phơi nắng (là nghe nói thế). Hết mùa cuộn tròn lại cất đấy. Có nắng gió mùa khô thăm thú lo gì. Tôi đoán rằng, họa hoằn lắm họ mới đem đi giặt, nhất là trước khi kết thúc mùa rẫy trở về làng.

 

Thì ra cái sự đơn sơ của chòi rẫy xưa nay có cái lý của nó. Để thiên nhiên thật gần người cho bớt quạnh hiu. Để tiếng hú từ căn chòi này đến được với căn chòi khác. Bếp lửa đêm đen vượt ra ngoài cho thú hoang sợ mà lánh xa. Núi rừng hùng vĩ bao la mà gần gũi cho những đứa con trai tuổi nhổ giò mơ một giấc mênh mông, kỳ vĩ đủ sức mạnh và niềm tin sáng mai ra trước khi mặt trời lên biết theo cha trừ hổ báo…

Ngủ ở rẫy có “quá trình” hẳn hoi như đi công tác vậy. Bữa cơm chiều được tổ chức khá sớm, trước lúc kết thúc việc đặt bẫy thú, trời chưa kịp xẩm tối. Nước lá, vỏ cây rừng đun sôi rót đầy ly nhựa. Cánh đàn ông thuốc lá cuộn phì phèo lơ đãng nhả khói. Người làng rất kiệm lời. Cười nhiều hơn nói. Gió rì rào va tán lá, gió tự nhiên vào ra chòi rẫy xua đi và mang đến những gì có thể. Đêm xuống sâu một lận, rủ nhau đi dò bẫy, soi ếch ở suối, đào nhện rừng thập thò cửa hang. Nhện rừng đen trũi, bụng gần bằng ngón chân cái người lớn, chân dài to như chân ghẹ kềnh càng trông rất hãi nhưng ăn rất ngon. Mồi nướng phong phú, đưa ly rượu gạo chuyền tay. Tôi “sáng tác” thêm nồi cháo thịt ếch băm. Trời ơi, thịt thú nướng chấm muối ớt, xì xụp chén cháo nóng, thật không chê vào đâu được. Bữa rượu thấm vào đêm sâu. Rì rào tiếng gió vọng đưa tiếng côn trùng, tiếng chim ăn đêm, tiếng thú hoang gọi bạn tình… Tất cả chỉ có trải nghiệm mới cảm nhận được.

Thì ra cái sự đơn sơ của chòi rẫy xưa nay có cái lý của nó. Để thiên nhiên thật gần người cho bớt quạnh hiu. Để tiếng hú từ căn chòi này đến được với căn chòi khác. Bếp lửa đêm đen vượt ra ngoài cho thú hoang sợ mà lánh xa. Núi rừng hùng vĩ bao la mà gần gũi cho những đứa con trai tuổi nhổ giò mơ một giấc mênh mông, kỳ vĩ để đủ sức mạnh và niềm tin, để sáng mai ra trước khi mặt trời lên biết theo cha trừ hổ báo…

Ama Luân

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.