Cư dân An Khê trước thế kỷ XIX buôn bán như thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, với chiến lược mở rộng lên Tây Nguyên của chúa Nguyễn, Bùi Tá Hán được triều đình cử vào trấn thủ Quảng Nam đã “tổ chức dinh điền, di dân lập ấp trên miền núi, mở rộng việc buôn bán giữa người Việt và đồng bào Tây Nguyên” (1). Vì vậy, vùng đất An Khê đã trở thành khu vực tụ cư mới của những lớp người Kinh (Việt) di cư từ các tỉnh Duyên hải miền Trung lên. Tuy nhiên, đây là vùng đất mà cư dân tại chỗ vẫn còn chiếm đa số. Việc thiết lập quyền lực tại nơi mà các dân tộc khác chiếm đa số trong khi người Việt chiếm thiểu số không phải là điều dễ thực hiện. Trên thực tế, chúa Nguyễn không phải lúc nào cũng giữ được thế cân bằng giữa lợi ích các bên. Người Việt sinh sống ở An Khê cùng với chính sách của Nhà nước đã xóa bỏ thành kiến giữa cư dân Việt và cư dân tại chỗ. Từ đó, mối quan hệ, trao đổi, buôn bán giữa người Việt với người Thượng, miền núi với đồng bằng dần được mở rộng.

Một góc thị xã An Khê hôm nay.
Một góc thị xã An Khê hôm nay.

Nhóm cư dân người Việt lên Tây Nguyên định cư đầu tiên là ở ấp Tây Sơn Nhất (vùng nội thị thị xã An Khê ngày nay) và ấp Tây Sơn Nhì (xã Cửu An, thị xã An Khê ngày nay). Từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XVIII, việc buôn bán giữa người Việt với cư dân Bahnar ở khu vực An Khê đã hình thành. Trong thời gian này, người Việt trao đổi với người Bahnar chủ yếu là chiêng, ché, cá khô, muối… Đồng thời, người Việt khu vực An Khê tích cực quan hệ mua bán với cư dân ở vùng đồng bằng mà chủ yếu là Bình Định qua đèo Mang và 3 đường mòn vượt đèo Dốc Dán (Ván), đèo Hố Thị và đèo Vạn Tuế  để vào chợ Trạm Gò (Cửu An) và An Lũy (An Khê).

Phương thức vận chuyển hàng hóa chủ yếu là gùi, gánh hoặc dùng ngựa thồ hàng hóa qua lại. Sản phẩm trao đổi, mua bán thường là người Việt mang những đồ vật cần thiết cho cuộc sống ở đồng bằng lên trao đổi với các sản vật ở vùng đất Tây Nguyên. Các thương gia người Việt thường “mang muối, mắm, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, hoa xuyến, các đồ lặt vặt đến đất người man đổi lấy thóc, gạo, gà, trâu, gai, sáp, mây, gió, vải man, màn man thuê voi chở về” (2).

 


Dưới triều Nguyễn, cư dân người Việt lên An Khê định cư ngày càng đông, con đường lên Bắc Tây Nguyên và dẫn đến chợ An Sơn (An Khê), nơi tụ họp, trao đổi buôn bán vô cùng tấp nập. An Khê trở thành trung tâm kinh tế, xã hội quan trọng ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Mối quan hệ buôn bán, quản lý thương mại được Nhà nước xác lập, thúc đẩy phát triển giữa đồng bào Kinh-Thượng, giữa Tây Nguyên và đồng bằng, giữa địa phương và chính quyền trung ương.

Việc phát triển buôn bán, huy động nguồn lợi lâm-thổ sản cần phải có những con đường thông thương giữa vùng cao nguyên với đồng bằng và hình thành trung tâm buôn bán. An Khê là một trong số đó “có lẽ chỉ có vùng An Khê, cái nôi của phong trào Tây Sơn, là có thể sánh được với Cam Lộ” (3), “vị trí thương mại quan trọng của nó đối với mối quan hệ của vùng này với những người Bahnar, Jrai, Cheo Reo và các dân tộc khác ở vùng Quy Nhơn” hay “Cánh đồng An Khê là trung tâm kinh tế lớn trong nhiều thế kỷ, các bộ tộc Bahnar, Jrai… mang các thứ lâm-thổ sản xuống trao đổi với hàng hóa của người Kinh ngược lên” (4).

Trung tâm An Khê là An Lũy trở thành nơi trao đổi buôn bán nhộn nhịp của các cư dân trong vùng. Người dân An Lũy, bên cạnh nghề làm ruộng là chính, đã sớm phát triển nghề buôn bán. An Lũy trở thành làng giàu có nhờ phát triển nghề buôn bán, đổi chác với đồng bào Thượng.

Đến cuối thế kỷ XVIII, với trí tuệ và tài năng của mình, 3 anh em Tây Sơn đã triển khai nhiều hoạt động tích cực, thúc đẩy quá trình tiếp xúc, giao lưu của cư dân bản địa ở đây với người Việt. Do thường xuyên qua lại buôn bán trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo, Nguyễn Nhạc nhận thấy đây là vùng đất lý tưởng cho việc xây dựng cơ sở ban đầu của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn.

Trong quá trình xây dựng căn cứ địa chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, anh em Tây Sơn đã bỏ nhiều công sức vận động cư dân nơi đây ủng hộ cuộc khởi nghĩa. Nguyễn Nhạc đã được quần chúng nơi đây hết mực tin yêu, tích cực ủng hộ trong việc xây dựng căn cứ, cung cấp lương thực trong buổi đầu cuộc khởi nghĩa. Một tù trưởng người Bahnar đã gả con gái của mình là Yă Đố cho Nguyễn Nhạc. Bà cùng đồng bào nơi đây đã cống hiến hết mình cho phong trào Tây Sơn.

Dưới thời Gia Long, để cai quản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhà Nguyễn chủ trương lập ra các tổng nguồn (tương đương cấp huyện trưởng), dưới có các “đầu mục” (tương đương xã trưởng), dưới “đầu mục” là các “sách trưởng” (tương đương trưởng thôn). Các chức dịch này đều do người dân tộc thiểu số nắm giữ. Tại thôn An Khê, huyện Bình Khê, nhà Nguyễn lập sở nguồn Cầu Bông. Về hoạt động của nguồn này, Lê Quý Đôn chép trong Phủ biên tạp lục: “Nguồn Cầu Bông hàng năm tiền thuế 1.500 quan, trước kia cấp cho chưởng cơ Khoan, phải nộp bạc tốt 10 hốt, 2 lạng 5 đồng cân” (5).

Nghề dệt ở An Khê lúc này đã chuyên môn hóa và được Quốc sử quán triều Nguyễn biên chép lại: “Lương, sa, nhiễu, lãnh thâm, vải, sại nam: các thứ ấy đều sản xuất ở huyện Tuy Viễn, có hộ chuyên nghiệp” (6). Hàng năm, nguồn Phương Kiệu, chỉ tính riêng sáp ong đã phải nộp thuế 340 cân linh trong khi đó các sở nguồn khác nộp với số lượng rất ít “nguồn Thạch Bàn 56 cân linh, nguồn Trà Bình 18 cân linh, sở Trường Tân 13 cân linh, nguồn Trà Vân 13 cân linh”. Điều này không chỉ chứng tỏ nguồn lâm-thổ sản ở An Khê phong phú, khai thác với số lượng lớn mà còn chỉ rõ mối quan hệ buôn bán khá phát triển, cộng với sự quản lý khá chặt chẽ về mặt nhà nước của triều đình nhà Nguyễn.

Nguyễn Hồng Thắng
 

----------------------

(1) Li Tana, Xứ Đàng Trong-Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, NXB Trẻ, 1999, Tr.108.
(2) Phan Hữu Dật-Lâm Bá Nam, chính sách dân tộc của các chính quyền nhà nước phong kiến Việt Nam (thế kỷ X-XIX), NXB Chính trị Quốc gia, Tr.173.
(3)  Cam Lộ (Quảng Trị)-trung tâm con đường buôn bán từ sông Mêkông đến bờ biển gần Quảng Trị.
(4) Clive J. Christie (2000), Lịch sử Đông Nam Á hiện đại, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr.156.
(5) Li Tana, Xứ Đàng Trong-Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, NXB Trẻ, 1999, Tr.19.
(6) Quốc sử quán Triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB Thuận Hóa, Huế.

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.