Đón Tết xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cứ đến những ngày tháng Chạp, cỏ cây xanh chồi non lộc biếc và nắng ấm tràn về, sắc trời đậm sắc Xuân tôi lại bâng khuâng nhớ những ngày xưa cũ, thủa ấu thơ đón Tết. Đã qua gần 50 năm nhưng tôi vẫn còn nhớ như in không khí đón Tết ngày xưa ở quê tôi, một vùng nông thôn thuộc tỉnh Bình Định.
 

Không khí ấy bắt đầu từ việc chăm sóc vườn mai của cha tôi. Thường vào cuối tháng 11, đầu tháng Chạp ta các nhánh mai đều nẩy nụ bẫm, cha tôi bắt đầu sai anh em chúng tôi ngắt lá mai. Những cây mai trồng trong chậu phần lớn được cha tôi để tự nhiên, một số ít uốn quanh co, còn đối với các cây mai trồng ngoài đất thì phải bắt ghế đứng ngắt lá bởi thân chúng cao. Hái liên tục độ hai ba ngày là xong, từ ngày 20 tháng Chạp trở đi thì thuê xe chở xuống Quy Nhơn bán tại công viên. Đây là khoản góp thêm chi phí cho anh chị tôi học đại học mãi trên Đà Lạt, cha tôi bảo thế! Thường chở đi đầy xe (lam) nhưng tất cả đều được bán hết!

Năm nào cũng vậy, từ giữa tháng Chạp tất cả các gia đình trong thôn xóm đều tham gia dọn vệ sinh đường làng. Mỗi nhà một người mang theo cuốc, rựa, chổi, phát quang các bụi rậm, mé nhánh cây, dẫy cỏ và quét đường đi, làm xong đường lớn rồi lại về các đường nhỏ dẫn vào nhà của mình. Chỉ một buổi là xong, xóm làng sạch tinh tươm chuẩn bị đón năm mới.

Nhà nào cũng tất bật chuẩn bị Tết. Bà nội ra vườn nhổ lên những bụi gừng mọc trên đất cát, tốt um, sau đó rửa sạch. Cùng với những miếng bí đao cắt rộng chừng hai ngón tay, dày độ hơn phân, bà sai chúng tôi dùng cây xăm xăm đều. Cây xăm làm bằng gỗ, một đầu tròn, một đầu lớn hơn phủ kín các cây kim nhọn. Cứ tỉ mẩn như thế, mỗi giờ cũng xăm được hai ba miếng bí, gừng thì lâu hơn bởi để nguyên củ, khó nhất là xăm trong các kẽ. Hai loại này là rim, còn mứt thường là cùi dừa nạo thành sợi dài, chanh, cà chua, đậu Hà Lan... ngào với đường. Khâu chế biến thì do má tôi phụ trách, cứ sau mỗi mẻ rim hay mứt, phần đường còn dính lại trên đáy chảo là của chúng tôi chia nhau.

Vùng nông thôn Bình Định của chúng tôi ngày ấy, chuyện mua sắm bánh mứt ngày Tết không phổ biến bởi hầu như nhà nào cũng tự làm lấy. Xong rim mứt tiếp đến là bánh ngọt các loại như: bánh in, bánh giấy, bánh thuẫn, bánh bảy lửa... hầu hết đều làm từ bột nếp, chỉ khác nhau hình thức và màu sắc. Bánh in hình tròn hoặc hình vuông, bên trên có chữ nổi. Bánh giấy thì được bao bằng các loại giấy màu xanh, đỏ, vàng, tím cho bắt mắt. Bánh bảy lửa cầu kỳ hơn, in bằng khuôn gồm hai ống ghép lại, tròn, dài độ một tấc, bên ngoài phủ một lớp hạt mè đen hoặc trắng... Cùng một địa phương, cùng một cách thức làm nên ngày Tết nhà ai cũng bày các loại bánh giống như nhau.

Riêng bánh tét và bánh chưng thì mãi đến chiều ba mươi mới nấu. Người quê tôi không dùng lá dong gói bánh mà dùng lá chuối. Lá chuối má tôi đã chuẩn bị từ ngày hôm trước, bà ra vườn chọn rọc lấy những tàu lá lớn, dài, không rách, sau đó hơ qua trên lửa cho mềm và dẻo. Thịt heo mua ở chợ chứ không chia như những nơi khác, đậu xanh và hành đều là của nhà trồng. Sau khi gói xong, bà làm thêm một loại bánh đặc biệt nữa mà thường nơi khác không có đó là bánh tét tro. Đây là loại bánh ngâm nếp trong nước tro đã lọc sạch, không gói thịt, má tôi không quên gói riêng cho anh chị em chúng tôi vài chiếc bánh tét tro nho nhỏ, xinh xinh. Gói đến trưa là xong, bắt đầu nhóm lò, các loại gộc tre, gốc cây khô đều được dùng để đun nồi bánh. Đêm ấy hầu như cả nhà đều thức để trông nồi bánh, gần khuya bánh chín hạ nồi xuống, cắt bánh cúng Giao thừa.

Chiều ba mươi, cha tôi lôi trong đống gỗ phía sau nhà một cây cột gỗ to hơn bắp chân, dài trên ba mét, đưa ra sân rồi đào lỗ, chôn cây cột gỗ xuống giữa sân. Bên trên cột treo một chiếc đèn lồng kính bốn mặt, bên trong đặt một chiếc đèn thắp dầu lửa. Chiếc đèn này sẽ được thắp sáng các buổi tối trong mấy ngày Tết, từ tối ba mươi. Ở quê tôi không nhà nào dựng nêu mà đều trồng trụ và treo đèn trước sân như thế cả!

Sáng mùng một, cả nhà thức dậy quần áo mới chỉnh tề, cha má tôi đều mặc áo dài, tất cả gia đình mừng tuổi bà nội, đến cha má rồi sau đó cha má lì xì cho anh chị em chúng tôi. Sáng mùng một Tết thời tiết ở vùng Duyên hải miền Trung hơi se lạnh, một chút sương mù bay lãng đãng nhưng không rét và mưa phùn như ngoài Bắc. Theo phong tục ở quê chúng tôi không đi đến nhà ai và cũng không ai đến nhà mình. Lũ trẻ con xúng xính quần áo mới còn nguyên mùi hồ, tất cả đều kéo nhau lên đường cái quan, chơi bầu cua tôm cá hoặc nhìn người xe qua lại...

Thế hệ chúng tôi đều đã đi qua nửa bên kia con dốc cuộc đời nhưng không khí Tết thủa ấu thơ như vẫn còn đâu đây trong tâm tưởng. Nhớ cái nao nức đợi chờ khi được thêm một tuổi, mặc áo mới, nhớ cái se lạnh miền Trung, hơi sương là đà bay trên cánh đồng lúa đang xanh... Tết bây giờ tổ chức lớn hơn ngày trước nhiều, nhà ai cũng đầy thịt cá, bánh mứt, rượu bia, hạt dưa, hạt dẻ... nhưng không phải chuẩn bị tất bật như xưa. Tất cả đều được mua từ siêu thị, chợ, cửa hàng, gì cũng có, chỉ mua sắm một buổi là xong. Cũng thăm hỏi, chúc tụng nhau, rượu Xuân mời mọc nhưng dường như cảm thấy thiếu thiếu một cái gì. Ngẫm ra là thiếu chính cái cảm giác chờ đón Tết, thiếu cái không khí chuẩn bị cho Tết như xưa...

Nguyên Anh

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.