Thăm vườn lan rừng ở Đak H'Lơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tốt nghiệp ngành Chăn nuôi-Thú y Trường Đại học Tây Nguyên, song chàng trai Chu Hồng Lâm (thôn 5, xã Đak H’Lơ, huyện Kbang) lại quyết định trở về quê nhà gắn bó với nghề trồng trọt. Một khu vườn lan rừng theo hướng bền vững đã được anh Lâm cất công đầu tư xây dựng với mục đích bảo tồn giống hoa quý, đồng thời thỏa mãn niềm đam mê cháy bỏng của chính mình.

Anh Lâm bảo rằng, từ lâu, bản thân đã rất mê chơi phong lan, nhất là lan rừng. Theo anh, lan rừng hoa tuy nhanh tàn hơn lan ngoại nhưng nó lại mang một vẻ đẹp hoang sơ cuốn hút và mùi hương vô cùng dễ chịu, quyến rũ. Cũng chính vì lý do đó mà anh đã bỏ ra khá nhiều thời gian để góp nhặt cho mình một bộ sưu tập lan rừng với hơn 50 loại khác nhau.

 

Anh Lâm bảo rằng, ban đầu nguồn giống là vấn đề nan giải với mình. Ảnh: Hồng Thi
Anh Lâm bảo rằng, ban đầu nguồn giống là vấn đề nan giải với mình. Ảnh: Hồng Thi

“Phần do sở thích, phần bởi nhận thấy được tiềm năng và hiệu quả kinh tế từ lan rừng trên thị trường hiện nay nên tôi đã nảy sinh ý tưởng đầu tư trồng lan rừng chuyên canh trên chính mảnh đất quê mình. Bên cạnh những kinh nghiệm mà bản thân đúc kết được, tôi còn bắt tay vào nghiên cứu nhiều hơn về kỹ thuật trồng và chăm sóc lan rừng qua sách, internet cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác. Phi Điệp là giống lan rừng đang rất được ưa chuộng nên tôi đã quyết định trồng chuyên canh loại cây này. Ngoài ra, còn có thêm một ít Đai Trâu”- anh Lâm cho biết.

Ban đầu, nguồn giống là vấn đề nan giải đối với chủ nhân khu vườn. Bởi lẽ, anh Lâm chỉ mua được số lượng rất ít từ những đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương bẻ trên rừng về bán; trong khi đó lan phần lớn lại không đảm bảo về chất lượng. Trước thực trạng này, anh phải mất thêm thời gian hướng dẫn cho người dân về việc khai thác lan bền vững cũng như bảo quản hàng đúng cách để mang về bán cho mình.

Tìm được mối cung cấp, tháng 8-2014, những con giống Phi Điệp (hay còn gọi là lan Giả Hạc) đầu tiên được anh nhập về từ các cánh rừng ở huyện Kbang và Campuchia với giá từ 250.000-400.000 đồng/kg để trồng thử nghiệm. Đây là giống lan cho hoa vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, có màu trắng tím và khoảng 20 ngày thì tàn. Một số ít lan đai trâu (cho hoa vào đúng dịp Tết, màu trắng đốm đỏ) cũng được anh nhập về sau đó. Theo anh Lâm, vì lan chịu nóng nên khí hậu ở Đak H’Lơ tương đối thích hợp; cây sinh trưởng nhanh, ổn định, cho nhánh rất nhiều.

 

Gỗ lõi rừng, gỗ lũa… được dùng làm thớt cho lan. Ảnh: Hồng Thi
Gỗ lõi rừng, gỗ lũa… được dùng làm thớt cho lan. Ảnh: Hồng Thi

Lỏi gỗ mục, gỗ lũa và cành cây vú sữa được anh Lâm lựa chọn làm thớt trồng lan vì tính lành, không vị đắng, lan dễ bám và sinh trưởng, phát triển tốt. Nếu gỗ có vị đắng sẽ khiến cho bộ rễ của lan chậm phát triển, người trồng buộc phải tốn thêm công đoạn xử lý gỗ.

Khâu chuẩn bị giống đã tương đối ổn định. Đến cuối năm 2014, khu vườn cũng được hoàn thành với phân khu, trụ, giàn treo và mái che một cách bài bản. Tổng vốn đầu tư khoảng 450 triệu đồng trên diện tích 1.000 m2. Hiện tại, 500 thớt lan Phi Điệp được chiết ra từ 4 tạ giống của anh Lâm treo tại vườn đều phát triển tốt và một số đã cho hoa.

Nói về kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan của mình, anh Lâm chia sẻ: “Lan rừng nếu gặp mưa nhiều sẽ bị thối thân, còn gặp nắng nhiều thì bị cháy lá. Mật độ trồng quá dày cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của lan. Do đó, kỹ thuật trồng, che chắn đều phải đáp ứng mấy đặc trưng trên. Thêm nữa, mỗi ngày chỉ nên tưới nước 1 lần vào chiều tối để giữ ẩm cho lan được lâu bởi thời tiết ở vùng này hay có gió. Phun thuốc kích thích ra rễ, lá và diệt nấm theo chu kỳ. Trước khi lan cho hoa 3-4 tháng nên dừng tưới nước để lan ra hoa nhanh và nhiều”. Anh Lâm còn bật mí thêm rằng, vì vốn là lan rừng nên dù có thuần hóa cũng hãy để chúng phát triển tự nhiên, chăm chút quá, lan cũng rất dễ chết.

 

Anh Lâm với giống lan rừng Hoàng Nhạn mà mình đang dốc sức bảo tồn. Ảnh: Hồng Thi
Anh Lâm với giống lan rừng Hoàng Nhạn mà mình đang dốc sức bảo tồn. Ảnh: Hồng Thi

Lan rừng tại vườn hầu như được anh Lâm trồng theo đơn đặt hàng của khách, chủ yếu xuất đi thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi đơn đặt hàng thường có giá 50 triệu đồng với 100 thớt lan. Từng thớt lan cũng có giá khác nhau tùy theo số thân tơ (nhánh) sinh ra trên nó (dao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/thân tơ). “Đó là chưa kể có những thớt lan bị đột biến gen, thay vì hoa màu trắng ngà phớt tím thì lại cho hoa 5 cánh trắng muốt hoặc trắng tuyền, được thị trường thu mua với giá từ 10  triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Vừa qua vườn tôi cũng có được vài chậu như thế”- anh Lâm khoe.

Với những hiệu quả kinh tế mà lan rừng mang lại, anh Lâm đang lên kế hoạch đầu tư thêm 1.000 m2 nữa vào năm 2016. Tuy nhiên, hiện có một điều khiến anh Lâm nói riêng và những người dành tình yêu cho lan rừng nói chung khá trăn trở, đó là việc khai thác tận diệt lan rừng dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai. “Hoàng Nhạn đang là một trong những giống lan rất được ưa chuộng nhất, nhì tại thị trường Gia Lai. Loài này nở hoa vào tháng 8, màu vàng hoặc trắng tím, hoa thơm và lâu tàn. Chính vì thế mà nó bị người chơi lan săn lùng gắt gao và ngày càng trở nên khan hiếm. Tôi vừa đưa về vườn được 70 kg, đang cố gắng trồng, nhân giống với mục đích bảo tồn loài lan quý này”- anh Lâm bày tỏ.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.