Người dân quay quắt vì thiếu nước sinh hoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Diễn biến thời tiết bất lợi không chỉ tác động tiêu cực tới tình hình sản xuất, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chư Sê cũng đang quay quắt vì thiếu nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.

Quay quắt vì thiếu nước

“Chưa có năm nào gia đình tôi thiếu nước sinh hoạt như năm nay. Đã 2 tháng trở lại đây, giếng nước của nhà tôi khô trơ đáy, không còn lấy nổi một giọt nước”-chị Đào Thị Bích Nguyệt (xã Dun, huyện Chư Sê), than phiền. Giếng nước nhà chị sâu tới 32 mét, thời điểm qua Tết Nguyên đán, giếng đã có dấu hiệu cạn nước, bơm chưa đầy bồn chứa đã cạn. Thời gian sau nước cạn dần, có thời điểm chồng chị phải canh chừng giữa đêm thức dậy bơm vài ba thùng nước nhưng cũng chỉ kéo dài được vài ngày, rồi sau đó cạn khô không một giọt nước.

 

Chị Nguyệt phải tận dụng nguồn nước sinh hoạt bằng đủ mọi cách. Ảnh: Lê Hòa
Chị Nguyệt phải tận dụng nguồn nước sinh hoạt bằng đủ mọi cách. Ảnh: Lê Hòa

Theo chị Nguyệt, từ trước tới nay chưa có năm nào khu vực nhà chị xảy ra tình trạng giếng cạn khô trơ đáy như năm nay. Cả xóm gần chục hộ dân chỉ duy nhất 1 giếng còn nước, nhưng lượng nước rất hạn chế. Sống trong tình cảnh ấy, mọi người san sẻ với nhau nguồn nước quý hóa may mắn còn lại. Tuy vậy, trung bình mỗi ngày một hộ cũng chỉ được phân chia 2-3 chậu nước và dù chắt chiu hết mức, từng ấy nước cũng chỉ đủ đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu nhất của mọi người. “Nước ưu tiên sử dụng cho hai cháu nhỏ và nấu ăn hàng ngày. Nước tắm của bố mẹ thì… dùng lại nước tắm của con. Nước rửa để lắng lại rồi lau nhà cửa. Nước lau nhà dành để… dội nhà vệ sinh. Nói chung, khổ sở và chắt chiu vô cùng nhưng đành chịu vì không kiếm đâu ra nước nữa”-chị Nguyệt than thở.

Ở các xã khác như: Ia Pal, Hbông, Bờ Ngoong, Kông Htôk…, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng diễn ra phổ biến. Với những hộ có điều kiện làm giếng khoan thì không chịu áp lực thiếu nước, còn hầu hết gia đình sử dụng giếng đào đều đối mặt với thiếu nước, trừ số ít gia đình ở vùng trũng. “Giếng nhà tôi sâu 30 mét, đã vét 2 lần mất 20 triệu đồng rồi nhưng vẫn không có nước. Giờ không vét được nữa vì bên dưới đã bị lở đất, thuê thợ đào họ không dám nhận nữa”-chị Vũ Thị Tươi (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) cho biết.

Bao giờ người dân có nước sạch?

 

Ao của một nhà dân ở huyện Chư Sê đã cạn khô. Ảnh: Lê Hòa
Ao của một nhà dân ở huyện Chư Sê đã cạn khô. Ảnh: Lê Hòa

Khi nước giếng bắt đầu rút mạnh và dần cạn, nước giếng bơm lên đều đục đỏ màu đất và không đảm bảo vệ sinh. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. “Sống trong tình cảnh này, chúng tôi mong lắm có một hệ thống nước sạch để an tâm sử dụng, vừa không bị ám ảnh bởi nỗi lo thiếu vào mùa khô, vừa bảo đảm sức khỏe cho gia đình”-chị Nguyệt tha thiết.

Các giếng đồng loạt hết nước khiến mức giá thuê đào/cảo giếng được đẩy lên… trời. Theo lời chị Nguyệt, những người đào, cảo giếng bảo xuống sâu nên tiền cao hơn. Vợ chồng chị tính đào sâu thêm 5 mét nữa mà họ tính sơ sơ đã hơn 20 triệu đồng, gần ngang với tiền đào một cái giếng mới trong thời điểm bình thường. Chi phí làm giếng khoan lên đến hơn trăm triệu đồng, trong khi nếu khoan không đúng mạch nước thì đành chịu “tiền mất, tật mang”. Do chưa có điều kiện nên vợ chồng chị đành đợi sang năm tính tiếp.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê thừa nhận, trên địa bàn huyện Chư Sê đã bắt đầu xảy ra hiện tượng thiếu nước sinh hoạt khoảng 1 tháng trước trở lại đây nhưng chỉ xảy ra cục bộ ở một số xã, như: Dun, Hbông, Ia Pal... Riêng với địa bàn huyện Chư Sê hiện nay mới chỉ có khu vực thị trấn Chư Sê là xây dựng được hệ thống cung cấp nước sạch, ở các xã khác chưa có. Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán gây thiếu nước sản xuất cũng như sinh hoạt, chúng tôi đã vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và có chính sách hỗ trợ nhân dân nạo vét giếng nước. Riêng với xã Hbông, xã gặp hạn và thiếu nước nghiêm trọng hơn thì đã có dự án xây dựng nhà máy nước để bảo đảm cung cấp nước sạch và hợp vệ sinh cho người dân.

Ông Hợp chia sẻ thêm, hiện nay, trên địa bàn huyện đã bắt đầu xuất hiện những cơn mưa đầu mùa nên thời gian tới, có thể mực nước ngầm sẽ dâng lên, ít nhiều cải thiện phần nào tình trạng thiếu nước cho người dân.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.