Chạm vào cửa Sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi có thể quan sát toàn cảnh cửa biển Đà Diễn, điểm tiếp giáp của sông Ba (còn gọi là Đà Rằng) với biển Đông tại Phú Yên từ nhiều phía, nhưng có lẽ nơi đẹp nhất vẫn là ở núi Nhạn (có tháp Chăm từ thế kỷ XII) bên phía Bắc cửa sông với độ cao khoảng 64 mét so với mực nước biển. Từ đây phóng tầm mắt bao quát cả một vùng cửa sông rộng lớn, có thể nhìn thấy những vùng đất cổ xưa do phù sa bồi đắp, những cồn đất, doi cát nổi lên từ nhiều thế kỷ trước phân chia cửa sông thành những lạch nước nhỏ, bên trên là vùng dân cư đông đúc với những khu phố mới hiện đại.

Tháp Nhạn là một chứng nhân lịch sử gần gũi nhất về mặt thời gian từ hơn 900 năm trước còn tồn tại đến bây giờ, luôn soi bóng bên cửa sông Đà Diễn. Và chắc chắn rằng, nơi cửa sông đầy lau sậy thâm u này trước đây (tiếng Chăm ngày xưa có tên Ea Rarang, có nghĩa là dòng sông lau sậy)  chỉ có lưa thưa vài làng chài người Chăm thuộc đế chế Chiêm Thành ngụ cư. Vốn là dân thạo nghề sông nước, người Chiêm Thành đã ngược dòng sông Ba lên thượng nguồn thuộc xứ Man (Châu Thượng Nguyên) để giao lưu, buôn bán với các bộ tộc Jrai, Bahnar, Xê Đăng, khai thác sản vật từ rừng và thu phục, cai trị người Tây Nguyên trong nhiều thế kỷ. Đến thời Hậu Lê thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông xuất quân chinh phạt Chiêm Thành, Vương quốc Chăm Pa bị đẩy về Nam bên kia núi Đá Bia (Phú Yên) và sông Ba không còn độc quyền khai thác của người Chăm nữa.

 

Tàu nạo vét trên cửa Đà Diễn. Ảnh: Lê Hòa
Tàu nạo vét trên cửa Đà Diễn. Ảnh: Lê Hòa

Mãi đến sau này, thời chúa Nguyễn Đàng trong, Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh mới đưa lưu dân Việt vượt đèo Cù Mông vào khai phá đất Tuy Hòa-Phú Yên lập lên những làng chài người Việt đầu tiên ở lạch Câu sát bên cửa sông Đà Diễn, chuyên làm nghề đánh cá trên vùng sông nước này, bây giờ là phường Phú Câu thuộc TP. Tuy Hòa ngày nay (sách cũ có ghi, trên bản đồ Đại Việt có phủ Phú Yên vào năm 1611 với 2 huyện: Đồng Xuân và Tuy Hòa). Trong lý lịch Di tích Đình Phú Câu hiện nay ở phường 6, TP. Tuy Hòa (Phú Yên), có ghi: Phú Câu là một trong những làng được hình thành sớm trên vùng đất Phú Yên cùng với quá trình khai khẩn lập làng vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Cùng với việc khai khẩn thì các công trình kiến trúc phục vụ sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng tâm linh cũng được xây dựng.

Theo các bậc cao niên ở Phú Câu thì trước đây, để ghi nhớ công lao của các bậc tiền hiền đã có công lập làng, mong muốn cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, đời sống được no đủ, bà con ngư dân đã đồng lòng tự nguyện góp tiền của, công sức để xây dựng trên mảnh đất làng Phú Câu 3 thiết chế: Đình Làng, Lăng Ông, Miếu Bà cùng tồn tại trên một khuôn viên rộng của làng. Đặc biệt ở đây có 2 tín ngưỡng của người Việt và người Chăm cùng tồn tại song hành. Người Việt có tín ngưỡng thờ cá Ông (loại cá voi). Tại Lăng Ông chúng tôi thấy ở đây có miếu thờ cá Ông với hàng chục bộ hài cốt cá Ông khi chết trôi dạt vào cửa biển nơi này trong vòng 200 năm nay, trong đó có l bộ cốt cá Ông lớn nhất trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Bên cạnh việc thờ cúng cá Ông, ngư dân nơi này hàng năm còn tổ chức lễ hội cầu ngư rất linh đình suốt 2 ngày với những nghi thức hết sức trang trọng. Bên cạnh đó có Miếu Bà, nơi thờ bà Thiên Y A Na-vị thần bản địa của người Chăm, có tên là Pô I Nư Naga, có nghĩa là Bà Mẹ Xứ Sở, là vị thần cai quản toàn bộ đất đai, rừng núi, sông biển, dạy dân trồng lúa, dệt vải cho người Chăm. Khi ngụ cư vùng đất mới, người Việt đã tiếp nhận tín ngưỡng này của Chăm Pa và xem đây là vị thần quan trọng hàng đầu, lập miếu thờ ở nhiều nơi.

 

Ảnh: Lê Hòa
Ảnh: Lê Hòa

Có thể nói, liên quan đến cư dân xưa ở vùng hạ du sông Ba (người Phú Yên gọi là sông Đà Rằng, biến âm từ cách gọi của người Chăm-Ea Rarang) với nghề chính là đánh cá và trồng lúa, họ rất coi trọng dòng sông mẹ, nơi đã đem lại cuộc sống no đủ và bình yên cho trăm họ. Người dân phường Câu, phường Rớ hôm nay, dù đời sống đã đổi thay nhiều nhưng họ vẫn luôn khắc ghi những bậc tiền hiền có công khai khẩn vùng đất mới trù phú bên cửa sông và thờ các vị thần bảo hộ cho cư dân sống yên vui qua nhiều thế hệ. Liên quan đến nghề trên sông nước và mối quan hệ giữa các bộ tộc ở thượng du và hạ du, chúng tôi được chứng kiến trong Bảo tàng Phú Yên một chiếc thuyền độc mộc dài khoảng 10 mét, chiều rộng khoảng 0,7 mét còn khá nguyên vẹn mới được trục vớt ở lòng sông Đà Rằng.

Đây là chiếc thuyền độc mộc đã chìm vào lòng sông tự lâu đời và đích thị là loại thuyền thường dùng của người Tây Nguyên xưa nay được chế tác từ một thân cây gỗ sao làm phương tiện đi lại, đánh bắt cá trên các dòng sông. Tuy Bảo tàng Phú Yên hiện tại chưa xác định được xuất xứ và độ tuổi, chất liệu gỗ của chiếc thuyền nhưng đây là hiện vật đầu tiên mà người Phú Yên tìm thấy ở vùng sông Đà Rằng. Nó chứng tỏ rằng trước đây có sự giao lưu trên sông nước của người miền xuôi và miền ngược bằng con đường thủy của dòng sông Ba.

Buổi sáng tháng 4 hôm ấy, trời Phú Yên nắng “u đầu”, ngồi chuyện trò với ngư dân phường Câu bên cửa Bắc Đà Rằng, chúng tôi nảy ra ý định thuê thuyền dân chài khảo sát vòng quanh vùng cửa biển. Một ngư dân tình nguyện lấy thuyền câu của mình đưa anh em đảo một vòng qua cánh Nam. Theo tài liệu cũ thì cửa Đà Diễn rộng khoảng 40 trượng (nếu tính theo trượng Trung kỳ thì tương đương 70,5 mét). Nhưng hiện tại, theo quan sát của chúng tôi, từ bờ Bắc sang chạm bờ Nam vùng cửa sông (từ phường Câu sang phường Rớ) ước dài khoảng 1,5 km, tương đương với chiều dài của cầu Đà Rằng mới (2004). Có lẽ đây là vùng cửa sông rộng nhất ở miền Trung. Trong quá trình bồi lấp qua nhiều thế kỷ, nơi cửa sông hình thành nhiều doi đất ven bờ. Và đặc biệt, có một cồn cát rộng chắn ngang từ phía bờ Nam chạy dài qua cửa Bắc ước chừng đến 5 ha trông như một cù lao, người ta đã lập cơ xưởng đóng mới và sửa chữa tàu thuyền trên chính mảnh đất này.

Theo ngư dân định cư lâu đời ở phường Câu thì ban đầu cửa sông nằm chéo về hướng Nam (thuộc phường Rớ ngày nay) nhưng trong quá trình bồi đắp, dòng chảy cứ dịch chuyển dần qua cánh Bắc như hôm nay. Hiện trạng nơi cửa sông mà chúng tôi chứng kiến đang còn ngổn ngang những nổng cát cao như núi mới nạo vét hồi đầu tháng 3 vẫn còn đó; một chiếc xà lan chở cát cho chiếc tàu lớn đang còn đậu ngoài khơi, mắc cạn nằm choãi mình trên doi cát đã chục ngày; bên cạnh là một chiếc thuyền câu bị sóng đánh vỡ toang làm nhiều mảnh còn nằm tung tóe trên bãi cát… Chúng tôi rời thuyền lội bộ đến bên cửa sông, nơi chỉ còn rộng độ chừng 50 mét, dấu vết nạo vét vẫn còn mới toanh, để tàu thuyền đi lại. Từng cơn sóng biển vỗ mạnh vào doi cát, nước bắn tung lên, chúng tôi phải lùi lại giữ độ an toàn. Người chủ thuyền chở chúng tôi, giải thích rằng, tàu bè đi vào cửa này rất khó khăn, nếu không có kinh nghiệm thì dễ bị mắc cạn và bị sóng đánh vỡ ra từng mảng như chiếc thuyền kia vậy-vừa nói anh vừa chỉ chiếc thuyền bị vỡ bên cạnh.

Trong những năm gần đây, chính quyền Phú Yên đã có nhiều nỗ lực làm kè bên cửa sông, tích cực nạo vét để tạo luồng đi lại cho tàu thuyền, nhất là hàng trăm tàu cá của ngư dân vươn khơi. Nhưng thiên nhiên ngày một khắc nghiệt, cửa sông càng ngày càng bị bồi lấp nặng, dòng chảy sông Ba đã đổi thay nhiều khiến cuộc sống của ngư dân nơi đây đang đối mặt với nhiều thách thức của con tạo xoay vần.

Chúng tôi rời tháp Nhạn, cửa Đà Diễn để ngược dòng sông Ba theo dấu chân người xưa tìm lại con đường thiên di trên dấu vết phù sa cổ để hiểu về dòng sông mẹ nghìn năm đem lại sự sống cho muôn loài, kết giao mối tình sông biển, gắn bó keo sơn kẻ ngược người xuôi…

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.