Kiến trúc và quy hoạch đô thị Pleiku dưới góc nhìn các nhà chuyên môn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam-thống nhất đất nước (30-4) và tiến tới kỷ niệm 86 năm ngày thành lập đô thị Pleiku (3-12), P.V Báo Gia Lai vừa ghi lại ý kiến trao đổi của một số nhà chuyên môn bàn về lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch xây dựng đô thị Pleiku.

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

Ông NGUYỄN HỒNG HÀ-Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Gia Lai: 

Theo giới chuyên môn thì bản sắc của Pleiku có thể quy về ba đặc trưng, đó là quy hoạch-kiến trúc, thiên nhiên-cảnh quan và đặc trưng văn hóa. Do vậy, khi quy hoạch và xây dựng TP. Pleiku, chúng ta phải triệt để khai thác và vận dụng kế thừa các đặc trưng này, không san ủi mặt bằng, hạn chế tối đa việc chặt cây, tạo khuôn viên cảnh quan cho từng công trình, tạo các khoảng xanh thoáng cho từng khu phố, các khu dân cư, giữ mật độ xây dựng các công trình công cộng không quá 50% diện tích khu đất, xây dựng đường, vỉa hè bám theo độ dốc địa hình tự nhiên, nghiên cứu trồng các loại cây xanh trong đô thị phù hợp (thông, kơ nia, sao, dầu nước, long não, ngân hoa…), ưu tiên nhất vẫn là cây thông để trả lại đặc trưng vốn có cho Phố núi. Các khu đất còn trống nên giữ lại để tạo các khoảng không gian công cộng cho thành phố. Các khu ven trung tâm, các khu dân cư mới tập trung phát triển hình thức nhà vườn, biệt thự; phải tận dụng tối đa các con suối, các điểm tụ thủy tự nhiên để tạo mặt nước với tác dụng giữ nước và cải tạo khí hậu.

Trong quy hoạch xây dựng đô thị ở Tây Nguyên không thể không có những không gian đặc trưng riêng của đô thị. Đó là không gian sinh hoạt lễ hội, phục vụ các phong tục, tập quán lành mạnh, không gian tín ngưỡng, các không gian này có thể bố trí tập trung hay phân tán, xen kẽ, dành để thể hiện những giá trị phi vật thể tiêu biểu của địa phương. Những không gian đặc trưng này có thể kết hợp trong các khu trung tâm đô thị, buôn làng, khu ở, các trục phố hoặc các khu vui chơi giải trí. Trong điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới của thành phố,  nên kế thừa những định hướng cơ bản này… Pleiku hiện có rất nhiều cánh đồng trong khu vực trung tâm, cần xác định cụ thể cánh đồng nào giữ lại và cánh đồng nào trong tương lai có thể chuyển đổi sang đất đô thị…

Ông LÊ VINH-Giám đốc Sở Xây dựng:
 

Về quy hoạch TP. Pleiku hiện nay, lõi trung tâm với địa hình cao tập trung chủ yếu các công trình cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ quan trọng của đô thị, giãn dần ra phía ngoài địa hình thấp hơn là các khu dân cư xen kẽ làng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến nay, ngoài lõi trung tâm và các khu dân cư đã hình thành trước đây, một số khu dân cư mới, chỉnh trang lại đang tạo đà cho bộ mặt Pleiku. Bên cạnh đó, Khu Công nghiệp Trà Đa quy mô 124,3 ha phía Đông Bắc với 40 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy trên 90%; Khu Công nghiệp Diên Phú quy mô 40 ha phía Tây Nam đã đầu tư xong hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy 6,78% đang hỗ trợ cho phát triển đô thị. Thời gian tới TP. Pleiku chủ trương thực hiện điều chỉnh quy hoạch với mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các dự án chỉnh trang đô thị và dự án trọng điểm sẽ được tỉnh ưu tiên đầu tư, cải tạo quốc lộ 14 và 19 đoạn qua đô thị đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải phía Tây Pleiku..., đồng thời tổ chức hệ thống giao thông chính kết hợp giao thông thứ cấp giảm tải áp lực giao thông ngày một lớn của đô thị. Ngoài ra, cần tận dụng hơn 6.000 ha đất ruộng lúa, đất nông nghiệp như một phần không thể thiếu trong dấu ấn tạo lập đô thị, tạo không gian cảnh quan đặc trưng, phát triển nông nghiệp đô thị với mục tiêu là các sản phẩm có giá trị cao như dược liệu, chăn nuôi và sản xuất, chế biến sữa…

Ông NGUYỄN KIM ĐẠI-Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh Gia Lai:

Thành phố Pleiku ngày nay là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội của tỉnh. Trên địa bàn hiện có 46 đồ án quy hoạch, trong đó có 33 đồ án quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu dân cư trên với tổng diện tích đất quy hoạch là 3.380,462 ha và 13 khu tái định cư với tổng diện tích đất quy hoạch là 311,0843 ha. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Pleiku được phê duyệt vào năm 2005 thì đến nay công tác xây dựng đô thị theo quy hoạch cơ bản thực hiện theo đúng với quy hoạch chung.

Định hướng phát triển không gian đô thị Pleiku trong tương lai là phải triệt để tận dụng địa hình, cảnh quan tự nhiên để phát triển hạ tầng, cần tạo các tuyến cong tự nhiên chạy theo đồi núi, thung lũng. Khai thác hiệu quả các lớp cảnh quan xen giữa khu dân cư với suối, hồ…, cùng những cảnh quan tự nhiên có giá trị độc đáo và nổi bật như: Biển Hồ, núi Hàm Rồng… Tạo ra các khu đô thị mới với hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo, tiện ích đô thị đầy đủ, thuận tiện kinh doanh để hạn chế người dân ra các trục đường quốc lộ vừa để ở vừa kiếm sống nhờ “hiệu ứng mặt tiền”. Đối với tất cả các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong TP. Pleiku cần được bảo tồn, tôn tạo phát triển theo quan điểm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên gắn với việc xây dựng phát triển đô thị và du lịch một cách hài hòa. Cần nhanh chóng điều chỉnh đồ án quy hoạch chung, lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị trên toàn địa bàn thành phố để có kế hoạch đầu tư và quản lý xây dựng, nhằm phát triển đô thị Pleiku hợp lý, hài hòa, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc của vùng Tây Nguyên, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và phúc lợi xã hội theo hướng hiện đại và phấn đấu để trở thành đô thị loại I trước năm 2020 là vấn đề hướng tới.

Thanh Nhật (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.