Nhớ một thời áo len trên phố...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đông đã về. Những sáng mùa đông ra phố, lòng không khỏi rạo rực bởi sắc màu sặc sỡ của khăn choàng, áo ấm. Giữa vô vàn trang phục thời thượng, hình ảnh những chiếc áo len giản dị lẩn khuất đâu đó bỗng làm người ta hoài niệm, nhớ về những thứ thân thuộc, ấp áp giữa phố lạnh.

Cách đây vài chục năm, khi thời tiết Phố núi lạnh quanh năm, áo len gần như là trang phục giữ ấm số một và không một người con gái nào không có vài chiếc áo len điệu đà trong tủ quần áo.

Mộng vương tà áo

Nói về những chiếc áo len-vốn là trang phục không thể thiếu của phụ nữ Pleiku cách đây vài chục năm, bà Nguyễn Thanh Thủy-một cựu nữ sinh Trung học Plei Me hiện sống trên đường Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku), nhớ lại: “Nữ sinh Plei Me phải mặc áo dài trắng đến trường, nhưng hầu như tất cả mọi người đều khoác thêm một chiếc áo ghi-lê len vì trời khá lạnh, quanh năm có sương mù. Ngày ngày, chúng tôi đi bộ qua đường Trịnh Minh Thế (nay là đường Trần Hưng Đạo) để đến trường, dưới những hàng thông xanh, bóng những chiếc áo len sặc sỡ bên ngoài tà áo dài trắng lẩn khuất trong sương một cách duyên dáng đã khiến bao người phải làm thơ. Nhiều chàng trai đã si tình, để mộng vương trên tà áo của những nữ sinh Plei Me thanh lịch nổi tiếng một thời”.

 

   Dù có khá nhiều trang phục thời thượng nhưng áo len vẫn không bao giờ lỗi mốt. Ảnh: Hoàng Ngọc
Dù có khá nhiều trang phục thời thượng nhưng áo len vẫn không bao giờ lỗi mốt.
Ảnh: Hoàng Ngọc

Những năm sau giải phóng, đời sống còn khó khăn nhưng người Pleiku cũng rất chú trọng ăn mặc. Bà Thủy kể: Hồi đó thị xã Pleiku tương đối nhỏ, rất hiếm cửa hàng thời trang, quần áo, vải vóc hầu như phải ra chợ mua. Dù vậy, nhiều người vẫn theo kịp “mốt”. Nhưng cái mốt thời ấy tinh tế, kín đáo lắm. Áo len hầu như được cả hai giới mộ điệu bởi tiết trời quanh năm mùa đông của Pleiku. Đàn ông hay mặc những chiếc áo dài tay cổ tim, cổ tròn bên ngoài sơ mi, phối với quần ống pat. Còn phụ nữ thường khoác áo len có thêm họa tiết với những đường vặn thừng điệu đà bên ngoài áo dài hay đầm. “Tôi còn nhớ tôi và anh trai từng mặc chung một cái áo len đỏ, cổ tim do mẹ tôi mua cho anh. Tôi thường “lén” mặc mỗi khi anh không có nhà vì thấy nó khá đẹp và hợp thời. Tôi còn có một chiếc ghi-lê len màu đỏ boọc-đô để khoác ngoài áo dài trắng rất nổi. Đến giờ chúng tôi vẫn giữ lại chiếc áo len cũ như một kỷ vật”-bà Thủy hoài niệm.

Hơi ấm khi Đông về

Ở Pleiku này, áo len là trang phục dường như không thể thiếu đối với nhiều người. Nó không đơn thuần là một chiếc áo lạnh, nó còn là niềm hãnh diện ngầm của các cô gái, nhất là chiếc áo được chính bàn tay khéo léo của mẹ đan cho. Chị Phạm Thị Hồng Giang-hẻm Lương Thạnh, kể: “Mẹ tôi là người rất khéo tay, bà đan và móc len rất đẹp. Suốt những năm học từ cấp I đến cấp III, tôi chỉ mặc những chiếc áo len mẹ đan, như thế cũng đủ để bạn bè cùng trang lứa phải ghen tỵ. Mỗi khi được bạn bè trầm trồ, tôi hãnh diện và tự hào về mẹ vô cùng. Tôi nhớ thời kỳ khó khăn, mẹ thường lấy những chiếc áo len cũ tháo ra lấy len đan áo mới. Nhớ lại hình ảnh mẹ ngồi cặm cụi đan áo, giấu những mối nối, tỉ mẩn tạo ra họa tiết độc đáo để chị em tôi có những chiếc áo len thật đẹp để mặc, tôi thấy thương mẹ nhiều hơn. Bây giờ chúng tôi có điều kiện để mua đủ thứ đồ ấm nhưng tôi vẫn mặc áo len mẹ đan cho. Có lần ra Hà Nội đi học, tôi mang theo chiếc áo len mỏng như mang theo hơi ấm của mẹ. Mẹ tôi bây giờ vẫn giữ thói quen đan áo và vẫn tháo những chiếc áo cũ để lấy len đan áo mới như một thói quen, điều ấy khiến bà thấy vui”.

Gắn bó với nghề đan len gần 40 năm, chứng kiến hành trình biến tấu của chiếc áo len để phù hợp với xu hướng thời trang hiện tại, bà Đặng Thị Quyên-đường Nguyễn Viết Xuân không khỏi bâng khuâng khi so sánh: “Mặc áo len dường như là một đặc trưng của phụ nữ Pleiku vài chục năm về trước. Áo len tuy giản dị nhưng làm nên sự mềm mại, nữ tính cho người mặc. Nhiều người “mê” áo len cũng vì thế. Trước kia nguồn len không nhiều và phong phú như bây giờ nên khách hàng thường mang áo cũ đến để nhờ tôi tháo đan lại áo mới, vậy là mỗi mùa đông họ đều có áo mới để mặc”.

Bà Quyên cho biết, mấy hôm nay khi trời vừa chuyển lạnh, khách hàng tìm đến cửa hàng bán đồ len của bà tăng đáng kể. Họ mua áo, khăn quàng cổ, mũ và các sản phẩm từ len. “Nghề đan bây giờ không còn thịnh như xưa, nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen mặc đồ len. Có khách hàng không mua sẵn mà đặt tôi đan hoặc dệt theo ý của họ. Thỉnh thoảng có những Việt kiều lâu ngày về lại Pleiku đến đặt tôi đan áo để mang đi nước ngoài, vì thời trang thì ít mà vì nhớ cái lạnh của Pleiku thân thương thì nhiều. Còn khách hàng bình thường giờ ít người chuộng những kiểu áo truyền thống mà thích đan áo tạo kiểu như măng tô của châu Âu, áo khoác (hay còn gọi là Blazer), áo có khóa…”-bà Quyên nói.

Dù áo len đã có những biến tấu cho phù hợp với xu hướng thời trang và nó là trang phục khá khiêm nhường bên cạnh những trang phục thời thượng như áo măng tô, áo da, áo lông… nhưng chắc rằng, mỗi khi chạm vào chiếc áo len, người ta như chạm vào ký ức, vào nỗi nhớ, vào những điều thân thương đến mức, không cần khoác lên người cũng cảm nhận được sự ấm áp…

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.