Một thoáng lan rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở phố núi Pleiku, lan rừng được bán quanh năm nhưng mùa mưa là thời điểm rộ nhất. Theo kinh nghiệm của một số người chơi lan rừng, đây chính là thời điểm thích hợp để họ tìm cho mình những giống lan đẹp cho những ngày xuân mới.

Cũng từ khá lâu rồi, cư dân Phố núi đã trở nên quá quen thuộc với hình ảnh các mẹ, các chị, chủ yếu là đồng bào trong các làng vùng xa của tỉnh và một phần là người trên Kon Tum xuống, đi dọc phố với những gùi lan trĩu nặng trên lưng sau đó thì ngồi bày lan rừng trên một vài tuyến phố. Nếu bạn là người yêu lan rừng, cứ vào khoảng từ 9 giờ sáng trở đi, dành đôi chút thời gian trên góc đường Lê Lai-Hai Bà Trưng, thế nào bạn cũng mua được những nhành lan vừa ý, giá cả phải chăng; nhiều khi lại là một loài lan quý mà bạn đang cố công tìm kiếm.

 

Lan rừng đang được nhiều người dân Phố núi chọn mua. Ảnh: Tuệ Nguyên
Lan rừng đang được nhiều người dân Phố núi chọn mua. Ảnh: Tuệ Nguyên

Thấy tôi chăm chú xem lan và hỏi mua từng loại, chị Sương-một người chuyên đi kiếm lan rừng từ Kon Tum nhiệt tình giới thiệu phần lớn số lan chị có. Qua sự giới thiệu của chị Sương, tôi thấy mình như đang đứng trước một vườn lan phong phú chủng loại và đa dạng sắc màu, từ nghinh xuân, giả hạc, đuôi chồn, đuôi cáo, quế tím, quế vàng cho đến các loại hồ điệp, vũ nữ, đoản kiếm, kim tuyến, kim điệp... Tôi nhìn chị, khen tấm tắc: “Chị giỏi thế, không chỉ nhớ tên mà còn giới thiệu một cách rất rõ màu sắc, hương thơm, cách trồng, cách chăm cho người mua. Để có được nhiều loài lan như vậy đi bán, chị phải đi rừng trong thời gian bao lâu?”.

Chị Sương vừa nhanh tay lựa những nhành lan cho tôi xem vừa kể: “Đi tìm lan nhiều thì sẽ quen và nhớ tên từng loài thôi. Mỗi lần kiếm lan, mình phải đi 1 tuần, có khi là 2 tuần ở rừng trên Đak Glei mới đem về được chừng này lan rừng đấy. Vất vả lắm, nhất là trong những ngày trời mưa. Mình làm việc này cũng được mấy năm rồi, tiền kiếm được đem về nuôi gia đình. Nhà mình, ở gần cầu Đak Bla ấy. Mà không chỉ có mình đi kiếm lan đâu, chị em phụ nữ trong làng vẫn thường rủ nhau đi”. “Thế các chị hôm nay ngồi bán ở đây đều là người trong làng cả à”. “Không, có mình và Nương thôi, mấy chị kia ở làng khác”.

 

Chị Sương đang giới thiệu lan rừng cho khách mua. Ảnh: Tuệ Nguyên
Chị Sương đang giới thiệu lan rừng cho khách mua. Ảnh: Tuệ Nguyên

Đang lựa hàng mời khách nhưng thấy nhắc đến tên mình, chị Nương cũng quay sang góp chuyện: “Mùa mưa, không biết làm gì thì mình đi kiếm lan rừng về bán thôi. Pleiku có nhiều người thích lan rừng nên mình thường đem lan tới đây để bán. Mua lan của Sương rồi thì mua cho mình mấy cành lan đuôi cáo nở hoa tím hồng và chùm kim điệp có hoa màu vàng này nhé, có 40.000/đồng cành thôi, đem về trồng, không phải chăm sóc nhiều mà hoa nở lại thơm và đẹp nữa”. Nghe cách nói chuyện của hai chị, tôi đoán chắc hai người phụ nữ này hẳn đã có một quãng thời gian dài bám rừng tìm lan. Trò chuyện thêm, chị Nương chia sẻ thêm cho tôi về cách trồng và chăm lan rừng. “Lan rừng không to mập như lan ở các cửa hàng đâu nhưng rất dễ trồng và chăm sóc đấy, chỉ cần bỏ vào một đám rễ cây, vỏ cà phê hay ít xơ dừa, than đá, lâu lâu tưới nước là cây đã sống và nở hoa rất thơm rồi”-chị Nương tươi cười nói.

Đứng ngắm những nhành lan tươi xanh đang chờ bàn tay đón đợi của những chủ nhân mới, lắng nghe câu chuyện của những người bán hàng và cả những trao đổi, chuyện trò của rất nhiều khách tới mua, tôi càng hiểu vì sao lan rừng lại được người dân Pleiku ưa chuộng đến vậy. Chị Hiền (tổ 1, phường Hoa Lư), sau khi đã mua 5 cụm lan rừng khác nhau với giá 100 ngàn đồng, tươi cười cho biết: “Có việc đi qua đây, thấy lan được bày bán nhiều mà người mua cũng nhiều nên tôi ghé lại mua một ít mang về. Nhìn đám lan rừng thô mộc, còn nguyên nhánh, nguyên cây, nguyên bó được người đi rừng lấy về với đủ chủng loại thật vừa mắt. Tuy nhiên, vì không rành lắm nên tôi lựa mua những loài mà được đa phần cánh đàn ông lựa mua”.

Còn với anh Hòa (tổ 2, phường Thắng Lợi) thì: “Thường thì tuần một lần tôi lên góc đường Lê Lai-Hai Bà Trưng hay điểm bán lan của bà Phương ở góc đường Quang Trung-Trần Hưng Đạo để lựa mua lan rừng. Đa số các loài lan rừng tôi mua về trồng thường không tốn công chăm sóc mà hoa lại rất thơm, chỉ có điều nhanh tàn hơn các loại lan ngoại nhập hoặc lan được trồng theo phương pháp cấy mô công nghệ sinh học như ở Đà Lạt. Nhà tôi, bây giờ cũng đã có tới mấy chục giò lan rừng rồi”.

Theo tìm hiểu của P.V, những năm trước, người mua lan rừng chủ yếu là chủ các cửa hàng lan, vựa hoa cây cảnh…, mua đem về trồng rồi bán lại cho người chơi lan; nhưng vài năm trở lại đây nhiều người yêu mến loài hoa là vốn quý của núi rừng này lại đích thân tự đi chọn cây về tự trồng và chăm sóc. Và, với sự phong phú của chủng loại, dễ trồng, dễ chăm sóc, cộng màu sắc rực rỡ và đượm nồng hương thơm, lan rừng càng ngày càng được người dân Phố núi yêu thích.

Tuệ Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.