Gặp những "nhà sáng chế" trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ II-2014 vừa qua, có 2 mô hình, sản phẩm đồng giải nhì (không có giải nhất) và được chọn gửi đến cuộc thi cấp toàn quốc. Đó là các sản phẩm đồ chơi trẻ em của em Nguyễn Trần An Hạ (lớp 5A2, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Cư An, huyện Đak Pơ) và sản phẩm thùng đựng đồ cùng một số vật dụng khác từ rơm, rạ của em Nguyễn Công Vương (lớp 11C6, Trường THPT Chuyên Hùng Vương, TP. Pleiku).

Tuy sản phẩm của 2 học sinh nói trên thuộc các lĩnh vực dự thi khác nhau nhưng đều cùng chung một ý tưởng: Tạo ra những sản phẩm bảo vệ môi trường và  thân thiện với môi trường.

 

An Hạ-nhà sáng chế đồ chơi. Anh: H.T
An Hạ-nhà sáng chế đồ chơi. Ảnh: H.T

“Nhà sáng chế đồ chơi”

Dù đôi mắt bị cận bẩm sinh với đôi kính dày cộp, trông khá nặng nề so với tuổi 11 nhưng 4 năm qua Nguyễn Trần An Hạ (lớp 5A2, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Cư An, huyện Đak Pơ) luôn giữ được danh hiệu học sinh giỏi của trường và được nhiều bạn bè nhắc đến với biệt danh “Nhà sáng chế đồ chơi”.

Đến thăm gia đình em vào một buổi trưa nắng, chúng tôi nhanh chóng thấy rất nhiều những món đồ chơi ngộ nghĩnh bày la liệt trong nhà. Em vui vẻ giới thiệu: Những món đồ chơi này em làm từ trước khi tham gia cuộc thi mấy năm nay rồi. Theo An Hạ, những sản phẩm ban đầu của em khá đơn giản, chỉ là những cái chén, cái nồi được làm từ những chai nhựa đựng nước ngọt không được trang trí cầu kỳ.

Đến tháng 3-2014, khi cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai được phát động, em mới bắt đầu làm thêm những món đồ mới để tham dự cuộc thi và những món đồ này được em làm cẩn thận hơn, khéo léo hơn. An Hạ cho biết, cả 8 món đồ chơi dự thi gồm nồi cơm, bàn là, giỏ xách đi chợ, chén ăn cơm, máy xay sinh tố, mũ bảo hiểm, con ong, con thỏ và con voi đều dễ làm, nhưng mất thời gian nhiều nhất vẫn là giỏ xách. Em nói: “Làm giỏ xách phải trải qua nhiều công đoạn như làm quai xách, thân giỏ, cắt hoa trang trí. Các công đoạn này em đều gặp nhiều khó khăn, nhất là mấy lần suýt bị đứt tay khi cắt can nhựa làm thân giỏ vì can quá cứng”. Các sản phẩm đồ chơi của em cũng đẹp mắt như nhiều sản phẩm đồ dùng dạy học-đồ chơi tự tạo mà các cô giáo mầm non thường làm cho học sinh, chỉ khác là những đồ chơi ngộ nghĩnh này được thực hiện bằng đôi tay của cô học trò nhỏ chỉ vừa mới lớp 4 (thời điểm em dự thi).

 

Các sản phẩm đồ chơi trẻ em của An Hạ. Ảnh: H.T
Các sản phẩm đồ chơi trẻ em của An Hạ. Ảnh: H.T

Khi được hỏi: “Từ đâu em có ý tưởng chế tạo những chai nhựa bỏ đi thành đồ chơi cho mình?”, em vui vẻ cho hay: Hồi nhỏ, em được mẹ mua cho nhiều đồ chơi, nhưng nhiều bạn không có đồ chơi nên em hay rủ các bạn chơi cùng. Đến khi thấy mẹ hay bỏ các chai nhựa đựng nước rửa chén, đựng nước ngọt vào bao rác, em mới nảy sinh ý định dùng chúng để làm đồ chơi cho mình và các bạn. Đi học về, em gom các chai nhựa lại và dùng những đồ dùng có sẵn trong nhà như: dao rọc giấy, kéo, keo dán, xốp màu, giấy kim tuyến để cắt dán thành đồ chơi. Hè đến, em lại chỉ cho các bạn cùng làm. “Em nghĩ, biết tự làm đồ chơi không chỉ giúp bố mẹ giảm bớt được khoản tiền mua đồ chơi cho mình mà còn góp phần hạn chế thải rác ra ngoài môi trường. Vì thế, em mong các bạn nhỏ cũng biết làm đồ chơi như em, nhất là những em bé nhà nghèo, để tự tạo ra đồ chơi cho mình cũng như bảo vệ môi trường ở địa phương”- Hạ cho biết thêm.

Trước ý tưởng sáng tạo và sự khéo léo của con, chị Trần Thị Tơ cũng không khỏi vui mừng: “Từ nhỏ, cháu đã hay để ý đến các vật dụng trong nhà, lớn lên một chút cháu thường hỏi tên các đồ vật. Thời gian gần đây thấy cháu cứ hay cặm cụi cắt dán mấy ống nhựa thành đồ chơi. Khi cuộc thi được phát động tôi cũng chỉ nghĩ cho cháu tham gia cho vui, không ngờ cháu lại đạt giải. Nhưng điều tôi vui nhất là dù còn nhỏ nhưng cháu đã có ý thức bảo vệ môi trường từ những điều nhỏ bé này…”.

 

Nhà rông làm từ rơm rạ ép, một sản phẩm du lịch khá đẹp mắt thực hiện từ ý tưởng sáng tạo của Nguyễn Công Vương. Ảnh: P.D
Nhà rông làm từ rơm rạ ép, một sản phẩm du lịch khá đẹp mắt thực hiện từ ý tưởng sáng tạo của Nguyễn Công Vương. Ảnh: P.D

Ý tưởng sáng tạo từ rơm rạ

Trong khi đó, ý tưởng làm thùng đựng đồ và một số vật dụng khác từ rơm, rạ phế thải nhằm hạn chế việc sử dụng gỗ, giảm chi phí xử lý phế phẩm nông nghiệp của em Nguyễn Công Vương, lớp 11C6 Trường THPT Chuyên Hùng Vương cũng đã chinh phục Ban tổ chức cuộc thi.

Trò chuyện với P.V, Vương cho biết, em nảy ra ý tưởng này khi thấy các sản phẩm làm bằng gỗ ép. Gỗ ép được, sao rơm rạ không ép được? Cách thức thực hiện của Vương qua khá nhiều công đoạn: Xử lí loại bỏ tạp chất từ rơm, rạ, đun sôi ở nhiệt độ từ 800C đến 100oC để diệt khuẩn, kháng mốc; làm nhỏ rơm, rạ bằng các dụng cụ như dao, kéo hoặc máy băm rơm rạ rồi phơi hoặc sấy khô (độ ẩm <5%). Tiếp đó là trộn hỗn hợp keo dán kị nước với rơm, rạ, sau đó trộn đều và cho vào khuôn tùy kích thước, dùng những vật có khả năng đè nén cao để ép thành các tấm ép trong 60 phút. Khoảng một ngày, khi tấm ép đã được định hình, lấy thành phẩm ra phơi nắng hoặc sấy khô. Bước cuối cùng là dùng búa, đinh, dao, kéo và keo để lắp ráp để nhanh chóng tạo thành phẩm như thùng đựng đồ, nhà rông, bình hoa… Các sản phẩm nói trên có thể bảo đảm tốt ở mọi điều kiện thời tiết, có độ cứng và độ đàn hồi vừa phải, đồng thời có ưu điểm nhẹ, dễ di chuyển, giá thành rẻ, chi phí thấp.

Công Vương cho hay, ý tưởng làm thùng đựng đồ và một số vật dụng khác từ rơm rạ có tính khả thi và hoàn toàn có khả năng áp dụng vào thực tế vì sử dụng tốt phế phẩm nông nghiệp, hạn chế việc đốt rơm gây ô nhiễm môi trường, qua đó còn tăng thêm thu nhập cho nông dân từ việc thu mua rơm rạ.  Với sự giản tiện và hình thức rất “mộc”, các sản phẩm từ rơm rạ này có thể phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, tạo ra các sản phẩm du lịch hoặc có thể tăng thêm điểm nhấn cho khu nghỉ dưỡng, giúp khu nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên hơn.  Tuy nhiên, như Vương chia sẻ thì: “Trong quá trình tiến hành làm sản phẩm, vì nhiều công đoạn làm thủ công nên nhiều lúc sản phẩm khi hoàn thành sẽ không được như mong muốn, chưa có sự sắc sảo. Nếu được áp dụng các biện pháp tiên tiến và phương tiện máy móc hiện đại thì sản phẩm sẽ mịn và đẹp hơn”.

Nói về cậu học trò Nguyễn Công Vương, cô giáo Lê Thị Nhung, Ths. Sinh học, giáo viên trực tiếp dạy Vương môn chuyên, nhận xét: “Vương rất ham học hỏi, ý tưởng sáng tạo đưa ra rất mới. Tôi rất hãnh diện vì học sinh của trường đã đạt giải cao như vậy tại cuộc thi. Có được điều này cũng là nhờ Ban Giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện thành lập CLB Nghiên cứu khoa học từ đầu năm học, từ đó động viên khuyến khích những ý tưởng sáng tạo của học sinh”.

Phương Duyên-Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.