Bài 1: Nỗi đau, đau đến muôn trùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 40 năm đất nước sống trong hòa bình, nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh, trong đó có chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề khi còn hàng triệu người và cả con cháu của họ bị dị tật phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng chất độc da cam/dioxin gây ra. Đó là những người nghèo nhất trong những người nghèo, là người đau khổ nhất trong những người đau khổ và đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng.
 

Chị Rmah Blơ và các con-những đứa trẻ bị di chứng chất độc da cam/dioxin.   Ảnh: Phan Lài
Chị Rmah Blơ và các con-những đứa trẻ bị di chứng chất độc da cam/dioxin. Ảnh: Phan Lài

Sau chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, những người lính và cả con cháu của họ-những nạn nhân của chất độc da cam/dioxin (CĐDC) quái ác phải đối diện với biết bao khó khăn khi sức khỏe giảm sút, không còn khả năng lao động, chịu biết bao thiệt thòi, buồn khổ. Cuộc sống của họ thực vô cùng mong manh.

Theo lời giới thiệu của ông Vũ Hiếu Tụng-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin phường Thống Nhất (TP. Pleiku) chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để gặp bệnh nhân Nguyễn Quý Cao. Ông Cao là thanh niên xung phong trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trở về quê hương khi ông bị nhiễm CĐDC. Thứ chất độc ấy đã tàn phá cơ thể, khiến ông ngày càng ốm yếu, mắc bệnh tiểu đường, phù nề…; ông Cao lại là thương binh, những khi trái gió trở trời, các vết thương tái phát, hành hạ. Ông tâm sự: “Thời gian tôi nằm viện nhiều hơn nằm nhà, một lần nằm 10 ngày đến 15 ngày, nhiều lúc ngất lịm giữa đêm, cả nhà phải đưa đi cấp cứu. Bệnh tật cứ đeo bám mãi, chỉ khổ cho người thân phải thay nhau chăm sóc”.

Dành thời gian đi thăm một số gia đình là nạn nhân của CĐDC, chúng tôi càng thấu hiểu hơn những nỗi đau mà họ đang phải “mang vác” đến trọn đời. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh sống khác nhau nhưng những mất mát và sự bất hạnh lại tương đồng khi nỗi đau thể xác không chỉ đến với những người trực tiếp tham gia kháng chiến mà các con, các cháu sinh ra đều bị ảnh hưởng của di chứng da cam: người tàn tật, người câm điếc...

Đến thăm gia đình chị Rmah Blơ (làng Ser, xã Kông Htok, huyện Chư Sê), chúng tôi không cầm được nước mắt khi hình ảnh hai cậu con trai (một người 19 tuổi, một người 10 tuổi) bò la lết khắp nhà, người trần truồng nhìn chúng tôi với đôi mắt vô hồn. Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, chị Blơ nói trong nước mắt: “Gia đình mình sinh được 3 người con thì đã có 2 cháu bị nhiễm CĐDC. Lúc mới sinh ra, 2 con của mình cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng được một năm thì mình thấy cơ thể con cứ quặt quẹo dần, nhiều lần động kinh khiến xương sống lưng 2 con bị lệch đi, không thể đi lại được. Sau đó, mình có đưa đi khám, các bác sĩ cho biết là do di chứng của chất độc da cam (ông ngoại từng là du kích tham gia kháng chiến chống Mỹ-N.V)”.

 

Phần lớn thời gian của ông Nguyễn Quý Cao là nằm viện do di chất độc da cam để lại. Ảnh: Phan Lài
Phần lớn thời gian của ông Nguyễn Quý Cao là nằm viện do di chất độc da cam để lại. Ảnh: Phan Lài

Cách nhà chị Blơ không xa, là gia đình ông Phạm Văn Lăng (làng U, xã Kông Htok, huyện Chư Sê), bố ông là liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp,  ông sinh được ba người con thì cả ba đều không may phải chịu di chứng của chiến tranh. Cứ mỗi lần động kinh, chúng thường kêu la, chạy khắp nhà, vớ được cái gì trong tay là ném vung vãi. Hai vợ chồng không tài nào giữ nổi, mỗi lần con động kinh là lại nhốt con vào phòng kín, thương con lắm mà không biết phải làm sao-anh Lăng chia sẻ.

Nói về những cảnh đời chịu nỗi đau CĐDC trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Xuân Thủy-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê cho biết: “Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều có hoàn cảnh gia đình rất thương tâm. Họ cũng muốn sinh con ra được lành lặn nhưng ước mơ đều không thành hiện thực, những đứa trẻ lần lượt sinh ra đều bị khiếm khuyết cơ thể, dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ. Có khi một gia đình có hai đến ba người con cùng bị phơi nhiễm, đa số những nạn nhân CĐDC đều rất khó khăn trong việc sinh hoạt cá nhân, lại thường xuyên đau ốm. Điều mà họ mong muốn nhất là có vốn để phát triển kinh tế, thoát nghèo mới chăm sóc được con cái”.

Trao đổi với P.V, bà H’Ngia-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Gia Lai là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của CĐDC do đế quốc Mỹ rải xuống trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Theo điều tra của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có khoảng 13.000 người bị nhiễm CĐDC, trong đó có trên 6.000 người bị nhiễm trực tiếp và gần 6.000 người bị nhiễm gián tiếp, nhiều người là phụ nữ và trẻ em thế hệ thứ ba. Hiện có trên 3.500 người đã được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Phần lớn nạn nhân CĐDC ở tỉnh ta đều sống ở vùng sâu, vùng xa; họ đang phải cố gắng vượt lên khó khăn bệnh tật, vượt lên nỗi đau thể xác và tinh thần để hòa nhập cộng đồng…

Thu Huế-Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.