Thí sinh "đau đầu" với môn Lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

* Tại TP. Quy Nhơn (Bình Định):

(GLO)- Chiều 9-7, thí sinh dự thi đợt 2-kỳ thi ĐH-CĐ 2014 tại cụm thi Liên trường TP. Quy Nhơn đã hoàn thành môn thi Sinh học (khối B), Lịch sử (khối C) và Ngoại ngữ (khối D). Nếu môn Sinh học và Ngoại ngữ giúp thí sinh “vượt rào” một cách nhẹ nhàng trong chiều nay thì môn Lịch sử lại khiến các sĩ tử phải “đau đầu”.

Nhiều thí sinh gặp khó ở môn Lịch sử. Ảnh: Trần Dung
Nhiều thí sinh gặp khó ở môn Lịch sử. Ảnh: Trần Dung

Những cơn gió mát mẻ đã phần nào xoa dịu bớt nắng chiều gay gắt nên các phụ huynh cũng đỡ vất vả hơn trong việc trốn nắng. Bên ngoài điểm thi Trường Đại học Quy Nhơn, anh Lê Quang Thiện (xã Đak Ta Lay-huyện Mang Yang-Gia Lai) đang ngồi chờ em trai, cười nói: “Buổi sáng em mình ra khá sớm vì em bảo đề khá dễ nên làm rất tốt. Mong là chiều nay em sẽ may mắn như buổi sáng để đạt kết quả cao”. Cô Phan Thị Chiên (xã Sơn Lang-huyện Kbang-Gia Lai), chờ con gái dự thi khối C vừa tranh thủ lấy hai suất cơm chiều miễn phí từ các bạn sinh viên tình nguyện. Cô cho biết: “Buổi sáng cháu làm bài cũng được, thấy tinh thần cháu thoải mái nên tôi cũng đỡ lo. Năm nay cháu chỉ dự thi một khối nên mong là cháu sẽ đạt kết quả như mong đợi”.

Kết thúc 90 phút làm bài cho hai môn thi trắc nghiệm Sinh học (khối B) và Anh văn (khối D), các sĩ tử rời các Hội đồng thi với tinh thần khá thoải mái và tự tin với bài làm của mình. Thí sinh Lê Trọng Sơn (Trường THPT Nguyễn Trãi-thị xã An Khê-Gia Lai), dự thi khối D, hồ hởi nói: “Em đã có kinh nghiệm từ đợt 1 với khối A1 nên hôm nay em thấy tự tin hơn. Phần đọc hiểu của đề thi năm nay dễ hơn so với đề năm ngoái còn phần từ vựng cũng khá nhiều nhưng không quá khó”.

 

Với môn Sinh học, nhiều thí sinh tự tin mình đạt điểm cao. Ảnh: Trần Dung
Với môn Sinh học, nhiều thí sinh tự tin mình đạt điểm cao. Ảnh: Trần Dung

Còn thí sinh Bùi Văn Trịnh (Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Kbang, Gia Lai), dự thi khối B cũng khá hài lòng với bài làm môn Sinh học của mình. Em cho biết: “Đề thi năm nay phần lý thuyết và bài tập được lồng ghép vào nhau chứ không tách biệt rõ ràng như mọi năm nên không có phần nào trội hơn. Đề không dễ hơn so với mọi năm nhưng cũng không quá khó”.

Lịch sử là môn thi mà các thí sinh phải trải 180 phút làm bài. Tuy nhiên, nhiều thí sinh phải bỏ dở bài làm của mình dù chưa hết giờ làm bài. Bởi, đề Lịch sử năm nay theo đánh của các em là quá khó. Đề không ra cụ thể từng sự kiện, giai đoạn lịch sử mà bắt buộc các em phải tư duy xuyên suốt chứ không chỉ học thuộc trong sách giáo khoa. Thí sinh Hồ Thị Hằng (Trường THPT Lê Hoàn-Đức Cơ-Gia Lai) cười buồn, cho biết: “Em không ngờ đề ra lại khó như vậy. Với 4 câu hỏi nhưng đều phải tổng hợp và lồng ghép các sự kiện mới có thể làm được”. Còn với Siu Lan (huyện Chư Pah-Gia Lai) thì em hoàn toàn đã bị “đánh gục” ở môn Lịch sử. “Em phải bỏ giấy trắng rất nhiều dù có rất nhiều thời gian để làm bài. Trong phòng thi của em cũng nhiều bạn phải bỏ giữa chừng vì không thể suy luận và làm tiếp được”-Siu Lan chia sẻ.


* Tại Thừa Thiên-Huế:

Chiều 9-7, các sĩ tử tham gia dự thi vào ĐH Huế đã bước vào môn thi thứ hai. Đề thi Sinh học được các thí sinh đánh giá là khá mới mẻ và khó hơn so với năm trước. Đề thi tiếng Anh dài, đề thi Lịch sử khá áp lực với thí sinh.

Thí sinh dự thi môn Sinh học tại Hội đồng thi Khoa Luật-ĐH Huế. Ảnh Lê Hòa
Thí sinh dự thi môn Sinh học tại Hội đồng thi Khoa Luật-ĐH Huế. Ảnh: Lê Hòa

Đầu giờ thi chiều 9-7, tại Huế đã có cơn mưa lớn xoa dịu bầu không khí ngột ngạt kéo dài trong nhiều ngày qua. Thời tiết mát mẻ phần nào giúp các thí sinh bớt mệt mỏi, khó chịu trong quá trình làm bài.

Tại các hội đồng thi dành cho các thí sinh dự thi khối B (ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ, Khoa Luật…), ít có thí sinh rời phòng thi sớm. Nhiều thí sinh than đề dài và khó, trong đó có khoảng 10 câu hỏi khá mới mẻ. “Phần câu hỏi chọn số lượng các đáp án đúng dễ gây nhầm lẫn dẫn đến sai sót. Gặp dạng câu hỏi này em khá căng thẳng”-Nguyễn Thu Hoài-thí sinh dự thi vào ngành Bác sĩ Đa khoa-ĐH Y Dược Huế, nhận xét.

Đa số thí sinh đều có chung nhận định, đề thi sinh năm nay phần bài liên quan đến phép lai khá nhiều, một số câu dài dòng, phức tạp; câu phả hệ khá hóc búa và đây cũng là câu để thí sinh lấy mức điểm tối đa.

Môn lịch sử với 4 câu hỏi, trong đó có 1 câu thuộc phần lịch sử thế giới. Tại Hội đồng thi Trường THPT Hai Bà Trưng (TP. Huế), khá nhiều thí sinh nộp bài sớm song không nhiều thí sinh tự tin. Đa số thí sinh nhận định rằng, đề lịch sử không khó nhưng đòi hỏi kiến thức tổng quát, dàn trải và phải am hiểu về tiến trình vấn đề để trình bày một cách logic; thí sinh học vẹt, học tủ sẽ khá vất vả xoay sở với dạng đề này bởi không dễ xâu chuỗi các vấn đề, mốc thời gian. “Đây là dạng đề ngoài kiến thức sách vở còn đòi hỏi thí sinh phải tư duy và có kiến thức tổng quát. Em làm hết nhưng không dám chắc chắn. Có lẽ điểm sẽ không tốt bằng môn địa lý sáng nay”-Nguyễn Phương Hà, thí sinh tham dự vào ngành Sư phạm Địa lý (Trường ĐHSP Huế), chia sẻ quan điểm.

Tại Huế, trời có mưa nên bầu không khí đã bớt nóng hơn so với buổi thi sáng 9-7. Ảnh Lê Hòa
Tại Huế, trời có mưa nên bầu không khí đã bớt nóng hơn so với buổi thi sáng 9-7. Ảnh: Lê Hòa

Có mặt tại hội đồng thi Trường CĐSP Huế (hội đồng thi của thí sinh khối D), sát cuối giờ làm bài vẫn chưa có thí sinh rời phòng thi. Thí sinh ra về với khá nhiều tâm trạng. Một số thí sinh học lực tốt cho rằng, đề thi tuy dài nhưng không “làm khó” thí sinh. Em Hoàng Thị Như Hà-thí sinh tham dự ngành Quốc tế học-Trường ĐH Khoa học Huế, vui vẻ cho biết: “Tiếng Anh là môn thế mạnh nên em vẫn hy vọng có được điểm cao ở môn thi này để “bù” vào môn toán trước đó”. Tuy vậy, Ngọc Mai-dự thi ngành Sư phạm Ngoại ngữ-ĐHSP Huế lại khá lo lắng: “Đề dài và khó, em chỉ làm được hơn 50%, số còn lại đành chọn “ăn may”.

* Tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng):

Tiến sĩ Lê Hồng Phong-Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt cho biết, kết thúc các môn thi chiều 9-7, tại Hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân Đà Lạt có 1 thí sinh nam bị đình chỉ thi do phát hiện đem điện thoại vào phòng thi. Một thí sinh nam khác trong lúc đang làm bài thi môn Lịch sử bị sốt nặng, lập tức đã được chuyển tới phòng cánh ly phục vụ kỳ thi tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng trong sự giám sát của lực lượng công an và thường trực Hội đồng coi thi. Sau khi được khám, bệnh viện xác định thí sinh này mắc bệnh quai bị, do sức khỏe hồi phục tốt nên được đưa quay trở lại phòng thi tiếp tục làm bài.
 

Thí sinh Nguyễn Văn Hoàng sôi nổi thảo luận sau môn Lịch sử. Ảnh: Ngô Khắc Lịch
Thí sinh Nguyễn Văn Hoàng sôi nổi thảo luận sau môn Lịch sử. Ảnh: Ngô Khắc Lịch

Kết thúc các môn thi chiều 9-7, phần lớn những thí sinh được phỏng vấn đều cho biết, đề hai môn Sinh (khối B) và Anh văn (khối D1) không quá khó nên bước ra khỏi phòng thi nhiều thí sinh tỏ ra rất tự tin. Trong khi đó, đề thi môn Lịch sử (khối C), lại không khó như trước đó nhiều thí sinh đã từng nghĩ.

Thí sinh Nguyễn Thị Hồng, dự thi ngành Sư phạm Anh văn cho biết, đề thi dài nhưng không quá khó, những thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa đều có thể làm được điểm trung bình trở lên. “So với môn Toán hồi sáng, môn Anh văn em làm tốt hơn nhiều vì đây là môn em thích nhất và đầu tư nhiều thơi gian ôn tập nhất”-thi sinh Hồng cho biết. Chung nhận định với em Hồng, thí sinh Vũ Văn Định, thi ngành Sư phạm Anh văn cho biết, em làm bài tương đối tốt, ước tính khoảng được 6 điểm. Tuy nhiên, trong môn Anh văn chiều 9-7, bên cạnh những thi sính làm bài khá tốt thì cũng có không ít thí sinh khác “làm bài theo cảm tính” hơn là tính toán chắc chắn.

Nhiều thí sinh phấn khởi sau môn thi chiều nay. Ảnh: Ngô Khắc Lịch
Nhiều thí sinh phấn khởi sau môn thi chiều nay. Ảnh: Ngô Khắc Lịch

Trong môn Anh văn này, em Ka’Hạnh, đến từ huyện Di Linh (Lâm Đồng), cho biết đề thi dài và khó nên phần lớn đáp án của em là chọn theo “ngờ ngợ đúng” nên khả năng bị điểm thấp là khó thể tránh khỏi. Hạnh cho biết, sẽ cố gắng hơn nữa vào môn thi Ngữ văn ngày mai.

Thí sinh đặc biệt nhất thi vào ngành Sư phạm Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt-Nguyễn Văn Hoàng, 53 tuổi, cho biết, anh làm bài rất tốt. Theo thí sinh này, đề thi Lịch sử không đánh đố người làm, không yêu cầu phải nhớ rõ chi tiết nhiều ngày tháng như kiểu trình bày các chiến dịch giống những năm trước. Thậm chí đề câu 4 còn liệt kê toàn bộ các sự kiện, thí sinh chỉ cần nhìn nhận các sự kiện này để làm bài theo hướng sáng tạo của mình. Bước ra khỏi phòng thi, thí sinh Nguyễn Văn Hoàng đã sôi nổi thảo luận nội dung bài làm với một số thí sinh khác vì anh khá tự tin vào kết quả môn thi chiều nay. “Nhìn chung hai môn thi trong ngày hôm nay tôi làm khá tốt”-thí sinh Hoàng nói.

* Tại Thanh Hóa:

Sau khi hoàn thành các môn thi buổi sáng một cách suôn sẻ, chiều 9-7 các thí sinh tham dự đợt II kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014 tại Thanh Hóa tiếp tục dự thi môn thi thứ 2 với tâm trạng đầy hào hứng. Trong buổi chiều, các thí sinh khối B thi môn Sinh học, khối D dự thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử ở khối C.

Các thí sinh dự thi tại Thanh Hóa rời phòng thi với tâm trạng thoải mái khi hoàn thành bài thi môn Sinh học khá tốt. Ảnh: Xuân Trường
Các thí sinh dự thi tại Thanh Hóa rời phòng thi với tâm trạng thoải mái khi hoàn thành bài thi môn Sinh học khá tốt. Ảnh: Xuân Trường

Ghi nhận tại một số điểm thi tuyển sinh vào Trường ĐH Hồng Đức và ĐH Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong môn thi buổi chiều nay, có rất ít thí sinh rời phòng thi sớm hơn thời gian quy định.

Kết thúc 90 phút thời gian làm bài, các thí sinh dự thi khối B môn Sinh học tại Hội đồng thi Trường ĐH Hồng Đức, cơ sở I rời phòng thi với tâm trạng khá thoải mái vì làm được bài. Hầu hết, các thí sinh đều có chung nhận định, đề thi môn Sinh học năm nay “dễ thở”, vừa sức với thí sinh vì kiến thức đều nằm trong chương trình đã được học và ôn tập. Tuy nhiên, đề thi cũng có một vài câu khá hóc búa nằm nhằm phân loại học lực của học sinh.

Em Đỗ Hoài Linh, dự thi vào ngành Chăn nuôi thú y chia sẻ: “Đề thi ra không quá khó nên em làm bài cũng khá ổn. Có mấy câu hơi khó một chút nằm ở phần di truyền em không làm được nên đã đánh mò để hoàn thành bài thi. Em chắc chắn mình đúng được khoảng 75%...”.

Cùng quan điểm với em Linh, thí sinh Triệu Đình Thành, dự thi vào ngành Công nghệ Sinh học cho biết, đề thi Sinh có rất nhiều câu lý thuyết rất dễ. Hầu hết các câu hỏi bám kiến thức sách giáo khoa. Bản thân Thành làm chắc chắn được khoảng 6 điểm.

Ảnh: Xuân Trường
Ảnh: Xuân Trường

Khác với tâm lý thoải mái trong buổi thi đầu tiên, các sĩ tử dự thi khối D tại Thanh Hóa lại tỏ ra không mấy tự tin với bài thi môn Anh văn. Nhiều thí sinh cho biết, đề thi năm nay khá khó và dài, có nhiều câu đánh đố nên thí sinh không dễ đạt được điểm cao.

Thí sinh Phạm Thị Diệu Thùy, thi vào ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Hồng Đức cho hay, “ Em học Tiếng Anh đã nhiều năm nhưng khi thi em cũng chỉ làm được hơn một nửa, tuy nhiên cũng không chắc chắn lắm. Học sinh có học lực khá, giỏi cũng khó mà đạt được điểm cao”.
 
Đúng 17 giờ 15 phút, thí sinh khối C vào các ngành của Trường ĐH Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng đã kết thúc môn thi Lịch sử. Các thí sinh rời phòng thi tỏ ra rất vui vẻ và tự tin. Đa số các thí sinh tại hội đồng thi này đều có chung đánh giá là đề thi năm nay khá “dễ thở”, đề thi khá căn bản, không lắt léo, không đánh đố và ngắn gọn.
 
Thí sinh Lê Bá Nam, quê ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, dự thi vào ngành Quản lý văn hóa tươi cười nói: “Đề cũng khá dễ và không dài như mọi năm, chỉ có 2 câu bám sát lý thuyết trong sách giáo khoa, còn lại là những câu hỏi yêu cầu liên hệ thực tế. Em và nhiều bạn trong phòng thi làm bài cũng khá ổn”.

Theo thống kê nhanh của Hội đồng thi Trường Đại học Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong ngày thi đầu tiên của đợt II kỳ thi tuyển sinh năm 2014, không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi, chỉ có 1 thí sinh đến dự thi muộn quá 15 phút so với quy định nên không được vào làm bài thi.

Ngày mai, 10-7, các sĩ tử kết thúc môn thi cuối cùng của đợt 2- kỳ thi ĐH-CĐ 2014.

T.Dung-N.Giang-L.Hòa-K.Lịch-X.Trường

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.