Người anh xứ nẫu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những tháng ngày gian lao và ác liệt bởi cuộc chiến tranh giải phóng ấy rồi cũng qua đi, nỗi đau dẫu thể chất hay tinh thần rồi thời gian cũng đã làm cho nguôi ngoai, cuộc sống thường nhật trong thời bình cuốn hút mọi người “trong cuộc” vào chuyện cơm áo gạo tiền. Anh Niềm-Đinh Văn Niềm-một người đã bao lần thần chết ghé thăm, cũng không là ngoại lệ.

Vào một ngày trung tuần tháng bảy này, tôi lại về nơi một thời anh em đồng đội, bạn bè tôi đã gởi lại tuổi xuân và rất nhiều người trong số đó thân xác đã hóa thành đất đai, cây cỏ ở đó-An Khê. Một trong những người anh-anh Niềm, người mà tôi không thể không ghé thăm mỗi khi có dịp trở về.

So với vài năm trước, giờ cũng chính tại khu vườn cũ trong hẻm xưa của cái thị trấn nghèo mà giờ đã là thị xã ấy anh đã xây mới một căn nhà cũng kha khá, còn căn nhà “không cấp” cũ kỹ như một chứng tích của thời nghèo khổ anh vẫn giữ nguyên nhưng chỉ để làm... kho chứa đồ lặt vặt. Mảnh vườn nhỏ với những luống rau xanh được che chắn cẩn thận, chắc là để phòng gà vịt phá phách, đã xanh một màu xanh rất quê như vốn là nơi anh và tôi cùng bao bạn bè, đồng đội nữa đã từ đó ra đi thuở nào...

 

Anh Đinh Văn Niềm (phải) và anh Lê Thanh Hiển. Ảnh: V.H
Anh Đinh Văn Niềm (phải) và anh Lê Thanh Hiển. Ảnh: V.H

Chung vui cùng anh, tôi nhắc lại vài chuyện “linh tinh” của một thời xa lắc ấy. Học hành chưa được mấy, anh rời gia đình nơi xứ nẫu lúc vừa “bẻ gãy sừng trâu” để theo những người đồng hương đi cứu nước. Là nói vậy chứ ngày ấy những người trẻ như chúng tôi, thì khái niệm đi cứu nước còn mơ hồ lắm. Mấy ngày huấn luyện cho biết vài đường cơ bản là được trao ngay một khẩu súng to đùng, kèm theo là một nhiệm vụ nào đó mà không thể không vui mừng vì mình đã là người được cấp trên tin tưởng.

Thế là cái chết, sự hy sinh cho dù mồn một trước mắt cũng coi là chuyện thường ngày vẫn thế. Khi tôi hỏi lại cho chắc một lần nữa là anh đã bị thương mấy lần, anh cười như không có chuyện gì to tát mấy, rồi anh bảo là “hình như vài ba lần thì phải”-tôi biết anh đùa và tôi cũng biết anh chẳng muốn nhắc lại chuyện riêng của mình chi nữa, tính anh vẫn thế, tôi biết mà vẫn mắc phải những câu hỏi thừa.

Nối lại những câu chuyện xưa từ ký ức của vùng trọng điểm đánh phá, càn quét ác liệt của Mỹ-Ngụy trên mảnh đất An Khê này, anh và tôi và nguyên Phó Bí thư Thường trực Thị ủy An Khê-Lê Thanh Hiển, bác sĩ nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gia Lai-Nguyễn Hữu Nam là những người cùng thời, cho dù các anh đã rời ghế công sở khi tuổi đã là lục-thập-cổ... khá lâu-cùng “bổ túc” và cứ thế hoàn thiện lên từng sự việc và từng gương mặt đồng đội, người còn người mất; mất dưới làn đạn giặc thuở xưa, mất vì bệnh tật hậu quả của một thời đạn bom, của sốt rét và những vết thương tàn phá sau ngày hòa bình.

Đó là câu chuyện dài bất tận. Tôi cố đưa Niềm về với những gì tôi cần biết thêm ở anh trong hiện tại. “Một vợ, sáu con; ba trai, ba gái, thành ông bà nội, ngoại rồi, trừ chú út mới 24 tuổi”. Quả là anh chàng giao liên gan dạ này có thừa sự thông minh để né nhà báo, tôi quyết không thua, đưa ra những chiêu bằng những lời... có cánh. Và anh đã bị khuất phục. Sau Hiệp định Paris, đầu năm 1973, anh được cơ quan cử xuống Vĩnh Thạnh (Bình Định). Đó là vùng giải phóng từ đầu thập niên 70-trong câu chuyện của “Đak Tô, Tân Cảnh, Bồng Sơn, Vĩnh Thạnh, Hiệp Đức, Tam Quan” là những địa phương cùng được giải phóng trong chiến dịch Xuân Hè năm 1972, những địa danh ấy là một đoạn trong những lời cổ động trên những tờ truyền đơn, áp phích thời ấy mà tôi còn nhớ đến mãi bây giờ. Nhiệm vụ của anh là gom mua hàng hóa và lần lượt đưa về vùng còn địch tạm chiếm An Khê chu cấp cho các đội công tác và cả cho hậu cứ.

Chẳng biết có phải vì duyên số mà trong đợt công tác dài ngày này, trong bao cô gái bên dòng Kôn xứ nẫu anh đã chọn cho mình một cô nàng dong dỏng có nước da mằn mặn chăm làm chăm việc đến lạ. Và họ thành vợ chồng sau ngày giải phóng không lâu. Rồi cứ thế, trong thời bao cấp vạn lần khó khổ nhưng những đứa con của đôi vợ chồng trẻ này vẫn lần lượt chào đời và lăn lóc lớn lên.

Người thương binh nặng trao cả cho chị nhà công việc bếp núc, bắt đầu cầm bút tiếp tục sự học từ những lớp bổ túc tập trung và chuyện học hoàn thành anh quay sang làm quản lý ở một bến xe khách của địa phương. “Già, yếu, bệnh tật do các vết thương đôi khi tái phát nên xin nghỉ thôi. Mà nghỉ cũng đã sáu bảy năm rồi còn gì”- anh nói mà như một câu hỏi, một kiểu trách khi tôi lỡ lời nói anh còn khỏe lắm. Tóc anh đã thành màu trắng đậm, da anh đã quá nhiều nếp gấp như nói lên với người đối diện điều mà ít ai muốn nói nhưng cũng chẳng ai tránh được khi tuổi già đã đến và đến nhanh đến đỗi đôi khi ta cũng phải bất ngờ. Và sự già nhanh ấy có lẽ còn một nguyên nhân nữa, đó là mấy mảnh đạn lẫn trong người và có lẽ chúng theo anh trọn kiếp. “Mỗi khi chuyển mùa, mình mẩy cứ ê ẩm, nhức mỏi như ai dần ai đập, khỏe gì nữa em...”- anh lại trách khéo.

Cái lần tôi chứng kiến anh bị thương quá nặng vì chẳng biết có phải sơ ý hay không, chứ thường khi nhận việc đánh nhau mà đặc biệt là bắn phá đường ống dẫn dầu của Mỹ từ hệ thống kho chứa ở cảng Quy Nhơn (Bình Định) lên Gia Lai thì tất cả đạn đều phải được kiểm tra, đề phòng lẫn những viên đạn lửa; thế mà anh lại vướng đúng vào việc này. Khi bắn vào ống dẫn dầu chạy qua vùng Song An (An Khê), cạnh đường 19, khu núi Đá ngày nay, thì lửa bốc cháy dữ dội và anh bị bỏng toàn thân, rất nặng, đồng đội đưa anh về đơn vị với một thân hình... không thể còn nhận ra anh. Đó là vào một đêm đã về khuya hồi cuối năm 1969.

Thoát khỏi thần chết, không biết là may mắn, là số phận hay là gì gì mà sự vượt qua đau đớn, mà như anh nói hồi đó, “sự đau đớn đến tột cùng, mày ơi, anh em ơi, sợ mình không qua khỏi...”. Khi những vết thương đã khỏi, từ trạm xá quay về đơn vị anh lại lên đường lãnh hội công việc ra vùng địch hậu, rồi lại mấy lần lọt vào ổ biệt kích, vào nơi phục kích của Mỹ, đạn thẳng và mảnh của trái nổ ghim vào người “không đếm hết” mà lần lượt anh đều thoát nạn.

“Chuyện qua rồi, nhắc lại làm chi, giờ mình vẫn là một người quá nhiều may mắn, chứ còn bao anh em đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất xứ này thì sao...”, là anh bảo vậy, là anh từ chối với báo chí, với chuyện nêu gương khen ngợi. Dù thế, tôi vẫn biết sau khi về (hưu) nhưng anh lại chưa nghỉ, công việc phố phường anh vẫn đưa vai gánh thêm phần việc.

Với chức “nho nhỏ” là Phó Bí thư chi bộ khối phố 2 nhiệm kỳ anh tròn trách nhiệm theo kiểu của người cầm súng, của một đảng viên đã trên 40 năm tuổi Đảng. Nghĩ và làm, chẳng chút đắn đo khi biết việc nghĩ và làm ấy là chuyện ích nước lợi dân. Đúng là anh... Niềm- cái tên của anh một thuở gieo vào lòng tôi một thời là chiến sĩ, là cậu nhóc giao liên một niềm yêu thương và sự noi gương, ngưỡng mộ- một chân dung cụ thể từ con người vẫn y hệt nông dân, chân chất xứ nẫu không lẫn vào đâu được. Cho dù giờ so với thời ấy đã là một quá khứ xa lắc xa lơ... nhưng tấm gương của anh với tôi vẫn còn nguyên vẹn!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.