Cần đầu tư về con người cho nông nghiệp- nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) trình đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, có mục tiêu: “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững”; đồng thời “Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, có kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tương đối đồng bộ, giữ gìn và phát  huy giá trị văn hóa truyền thống và có ngành nghề truyền thống có giá trị văn hóa cao…”.
Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đức Thụy
Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đức Thụy
Thực tế trong nhiều năm qua, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chính sách về xây dựng nông nghiệp-nông thôn mới có tính chiến lược về xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo; nâng cao dân trí… Cụ thể như: Chương trình 132, 135, 134, các chương trình mục tiêu quốc gia, thành lập Ngân hàng Chính sách Xã hội cho nông dân vay tín dụng ưu đãi...
Nhưng con người ở nông thôn hiện nay ra sao? Thực tế, mỗi vùng miền đã có độ chênh lệch, miền núi chất lượng dân trí thấp hơn đồng bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thấp hơn người Kinh… thì việc cần hỗ trợ người dân ra sao để họ có kiến thức, có năng lực thực sự làm chủ, tự làm, kể cả khi không có sự trợ giúp? Do vậy cần coi trọng, cân đối, phù hợp các chương trình hỗ trợ.
Ví như vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai chẳng hạn, nhiều xã có công trình nước sạch, nhưng người dân không có nước dùng chỉ vì thiếu người quản lý; có công trình thủy lợi; có ruộng, có đất màu mỡ nhưng sản xuất năng suất thấp, quảng canh… vì thiếu kiến thức; có nhà văn hóa, nhà rông văn hóa nhưng để hoang phế; có làng nghề nhưng mai một. Vì sao vậy? Vì do đội ngũ cán bộ ở thôn, xã chủ yếu là “tự cung tự cấp”, thiếu cán bộ giỏi về kinh tế, về kỹ thuật để giúp dân, mỗi xã trung bình từ 2.500 đến 3.000 dân nhưng hầu như không có kỹ sư của… xã. Còn cả huyện có 1 trạm khuyến nông, cán bộ lâu lâu đến trình diễn theo mùa vụ cho nông dân, chẳng đủ cơ hội chuyển giao công nghệ cho rốt ráo.  
Bởi vậy, vấn đề cần kiến nghị với Đảng, Nhà nước là chú trọng đầu tư đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi, cán bộ tổ chức giỏi chuyên biệt để “xây dựng nông nghiệp-nông thôn mới”; đồng thời, tăng cường dạy nghề, nghề làm nông cho nông dân, nhất là nông dân là người dân tộc thiểu số. Chúng ta đang đầu tư rất lớn cho nông nghiệp-nông thôn nhưng phần con người lại đầu tư hời hợt, thiếu trọng tâm.
Bài học ai cũng thấy: Dù đất cằn cỗi nhưng với người nông dân có kiến thức, lại được hỗ trợ của nhà nước về cơ chế, về vốn… thì họ làm giàu được và ngược lại. Nông nghiệp sẽ phát triển, nông thôn sẽ văn minh chỉ khi có con người mới, con người tự làm chủ trên chính mảnh đất họ sinh sống.
Quốc Ninh