Tạo môi trường, cơ chế để đội ngũ trí thức cống hiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhận rõ vai trò to lớn của đội ngũ trí thức nước ta trước yêu cầu mới, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI khẳng định rõ “Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”. Đây là quan điểm đúng đắn có tính xuyên suốt tiến trình vận động của cách mạng nước ta. Đặc điểm lao động của trí thức là lao động sáng tạo không chỉ tạo ra năng suất lao động cao so với lao động giản đơn mà còn góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhân tài cho đất nước.
Mở cửa hội nhập  đặt ra yêu cầu cao về cạnh tranh sản phẩm mà thực chất là cạnh tranh gay gắt về chất xám. Đây là vấn đề đặt ra cho đội ngũ trí thức nước nhà cần phải nâng tầm trí tuệ, bản lĩnh để chấn hưng đất nước sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ kỳ vọng.
Do đặc điểm lao động của trí thức nên cần phải xây dựng môi trường làm việc dân chủ “Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo”. Khai thông về tư tưởng, tranh luận trên tinh thần dân chủ cởi mở để đi đến chân lý là hết sức cần thiết. Chỉ trong môi trường đó chân lý mới được làm sáng tỏ, tạo ra sự đồng thuận; mọi hành vi như đố kỵ, quy chụp, mất dân chủ sẽ triệt tiêu động lực sáng tạo của trí thức.
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Dự thảo cũng nhấn mạnh quan điểm “Trọng dụng trí thức, trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến”. Khi trí thức được tin dùng, được đặt đúng vị trí sẽ góp phần đánh thức tiềm năng sáng tạo để xây dựng và phát triển đất nước, giúp họ cống hiến có hiệu quả. Trọng dụng trí thức không chỉ tin dùng mà còn có chính sách đãi ngộ cả vật chất và tinh thần. Nhiều trí thức không đặt nặng chế độ đãi ngộ mà mong muốn Đảng, Nhà nước có sự khích lệ động viên tinh thần, tạo môi trường dân chủ, cởi mở. Giá trị tinh thần là sự khích lệ để trí thức năng động sáng tạo trong công việc, tạo hiệu quả kinh tế- xã hội tốt hơn.
Bằng lượng trí thức của mình, đội ngũ trí thức cần tham gia tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội, vào việc hoạch định đường lối, chính sách. Nhận rõ vai trò của trí thức, dự thảo lần này cũng khẳng định vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của trí thức. “Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học, trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”. V.I.Lênin đã đúc kết: Chính trị vô sản phải được thụ thai bằng khoa học. Đây là vấn đề đặt ra cho Đảng, Nhà nước cần cẩn trọng trong xác định chiến lược phát triển các chương trình kinh tế lớn, đầu tư công nghệ, cần tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học theo một quy trình nghiêm ngặt để đưa ra quyết sách đúng đắn nhất, phù hợp với quy luật khách quan, thuận lòng dân. Đầu tư không có hiệu quả, gây thất thoát tài sản cũng làm chậm tốc độ phát triển kinh tế của đất nước mà xét tới cùng là vi phạm lợi ích của nhân dân.
Chúng tôi đồng tình cao với Dự thảo “Có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”. Nói đến nhân tài là nói đến những con người có năng lực đặc biệt, am hiểu sâu sắc về một lĩnh vực khoa học nào đó hoặc có năng lực tổ chức thực tiễn giỏi mà hiệu quả kinh tế xã hội được thẩm định, mọi người thừa nhận. Do đó đãi ngộ “đặc biệt” thỏa đáng là điều kiện cần thiết để giữ người hiền tài, cống hiến phát triển cho đất nước. Để đội ngũ trí thức phát triển, cống hiến nhiều cho đất nước, nên chăng trong dự thảo cần bổ sung thêm ý: Tạo lập môi trường, cơ chế để trí thức làm việc, phát triển và cống hiến cho Tổ quốc.
TS. Nguyễn Thế Tư