Khai mạc phiên họp mở rộng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 4/9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

 

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)



Diễn ra trong hai ngày 4-5/9, tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật sẽ thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hành chính công; Đề án hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2018; Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.

Còn nợ ban hành 12 văn bản quy định chi tiết

Tại phiên làm việc sáng 4/9, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết tính từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 204 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh.

Tính đến ngày 15/8, đã ban hành được 140/152 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực, còn 12/152 văn bản nợ chưa ban hành. Qua kết quả theo dõi cho thấy mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nhưng số lượng văn bản nợ đã giảm dần so với các năm trước, cụ thể giảm 45 văn bản so với cùng kỳ năm 2015 (57 văn bản) và giảm 23 văn bản so với cùng kỳ năm 2016 (35 văn bản). 12 văn bản chưa ban hành đa số là nội dung khó, phức tạp, cần xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp.

Bên cạnh đó, từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2018, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 6.732 văn bản, trong đó có 74 thông tư là văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ Tư pháp, phát hiện 3/74 văn bản sai sót về hiệu lực và nội dung.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu chỉ rõ Báo cáo của Chính phủ cần thể hiện rõ và phản ánh đầy đủ hơn hiệu lực, hiệu quả, tác động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh thông qua công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật. Báo cáo cũng chưa có đánh giá, kiến nghị cụ thể việc xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành; chưa có giải pháp hữu hiệu để ban hành kịp thời các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp...


 

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội NguyễnTrường Giang phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội NguyễnTrường Giang phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)



Về việc rà soát, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp, các đại biểu chỉ rõ việc triển khai thi hành Hiến pháp phải tiến hành kịp thời, đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu quả và tiết kiệm, nhưng hiện nay vẫn còn 17 dự án chưa được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, 2019.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có báo cáo cụ thể nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và lộ trình thực hiện đối với từng dự án luật để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng pháp luật

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật vẫn chưa được chấp hành nghiêm chỉnh. Ở cấp bộ, ngành vẫn còn tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, chất lượng văn bản chưa cao.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Thái Bình nhấn mạnh đến nay, vẫn còn 12/152 văn bản hướng dẫn thi hành luật đã có hiệu lực mà chậm ban hành. Đặc biệt, có những Luật có hiệu lực gần 4 năm nhưng văn bản thi hành hiện nay đang trình, thậm chí đang soạn thảo.

Nhấn mạnh đây là vấn đề tồn tại từ lâu, cần có giải pháp khắc phục triệt để, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan nào, cơ quan soạn thảo hay thẩm tra; bộ, ngành nào chậm ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn chi tiết sau khi Luật có hiệu lực để làm cơ sở cho việc bỏ phiếu tín nhiệm trong kỳ họp Quốc hội tới.

Các đại biểu cũng đề nghị xem xét, cân nhắc và đánh giá kỹ lại nguyên nhân, nhất là nguyên nhân khách quan; yêu cầu xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan cấp dưới để xảy ra chậm trễ trong việc thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; đồng thời khẩn trương hoàn tất việc rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để đề xuất đưa vào Chương trình sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới 17 dự án thuộc danh mục ban hành để thi hành Hiến pháp cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần xem xét, làm rõ phạm vi, nội hàm của báo cáo Chính phủ. Báo cáo cần đề cập toàn diện hơn các vấn đề chứ không chỉ nói về tình hình ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản quy định chi tiết thi hành...

Ngoài ra, trong báo cáo cần thể hiện rõ năm 2018 có những chuyển biến gì hơn so với năm 2017 và những năm trước đây trong công tác ban hành pháp luật, công tác tổ chức thực hiện pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật...

Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

(GLO)- Chiều 26-3, Thường trực HĐND TP. Pleiku tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp HĐND để làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công nguồn ngân sách trung ương và công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án trọng điểm, chậm tiến độ trên địa bàn thành phố.
Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

(GLO)-

Ngày 22-3, đoàn giám sát do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Pleiku về việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2025.