Cần triển khai quyết liệt nhiệm vụ trồng rừng năm 2018

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2017, tuy không đạt chỉ tiêu trồng 7.000 ha rừng nhưng đây vẫn là thành tích ấn tượng nhất trong nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch về kinh tế-xã hội của tỉnh ta.

Bởi lẽ, đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế, chưa chủ động về vốn, cây giống, diện tích đất, thời vụ. Bên cạnh đó, người dân đang sản xuất trên đất lâm nghiệp còn băn khoăn, lo lắng: trồng rừng rồi Nhà nước có thu hồi đất không, đầu ra thế nào, hiệu quả có hơn các cây trồng hiện tại?

 

Khảo sát quỹ đất để trồng rừng. Ảnh: T.N
Khảo sát quỹ đất để trồng rừng. Ảnh: T.N

Khó khăn là thế nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bước đầu, công tác trồng rừng đã đạt kết quả đáng khích lệ, nhất là tạo niềm tin cho người dân đang sản xuất trên đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, qua khảo sát ở nhiều huyện, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng mì và các cây trồng khác đang diễn ra khá phức tạp, rất khó quản lý. Tình trạng cháy thực bì không được kiểm soát dẫn đến có nơi diện tích rừng trồng năm 2017 bị cháy 60-70%.

Ở một số khu vực, diện tích cây trồng bị chết hoặc sinh trưởng kém cũng khá lớn mà nếu không mưa sớm thì khó có khả năng tồn tại. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra số liệu diện tích thực tế đã trồng rừng cũng cần được tăng cường. Bởi lẽ, có nhiều dấu hiệu lợi dụng việc trồng rừng để phá diện tích rừng nghèo ít ỏi còn sót lại. Một số diện tích rừng tại tiểu khu 461 (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) có dấu hiệu bị chặt phá để làm rẫy. Tình trạng này nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ tạo ra hiệu ứng và hệ lụy rất lớn... Việc khoanh nuôi, bảo vệ tốt sẽ giúp những khoảnh rừng tự nhiên nghèo thuộc rừng phòng hộ này phục hồi, mà rừng trồng là rừng sản xuất không bao giờ thay thế được. Vấn đề trồng rừng cũng cần có nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh căn cơ, nhất là về chính sách, thời vụ, giống cây, mật độ cây trồng phù hợp với từng loại rừng, quy hoạch trồng rừng tập trung… Thực tế hiện nay, rừng trồng hầu hết thuộc vùng đất xấu, vùng sâu, vùng xa, khi thu hoạch cực kỳ khó khăn.

Để công tác trồng rừng năm 2018 triển khai đúng tiến độ và đạt chỉ tiêu kế hoạch 7.000 ha là nhiệm vụ rất khó khăn. Chính vì vậy, việc chủ động, quyết liệt chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực là yếu tố quyết định đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu này. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân đang sản xuất trên đất lâm nghiệp đồng thuận hợp tác, đăng ký cam kết trồng rừng là khâu then chốt. Làm tốt công tác này sẽ tạo nên hiệu ứng, sức lan tỏa mạnh mẽ. Cùng với việc phân bổ chỉ tiêu trồng rừng cụ thể cho các địa phương, các cơ quan, đơn vị, hộ dân, cộng đồng, ngành chức năng phải gấp rút hoàn thiện xây dựng phương án khảo sát, thiết kế từng loại rừng,  phê duyệt hồ sơ trồng rừng. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn người dân xử lý thực bì, đào hố đúng quy trình kỹ thuật, cách trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng. Số lượng cây giống là rất lớn, do đó phải chuyển sớm cho dân để trồng ngay khi có mưa xuống, đồng thời trồng dặm những diện tích bị chết của năm trước. Ngoài ra, cần chú trọng trồng cây bản địa gỗ quý, gỗ lớn có nguy cơ tuyệt chủng; đặc biệt quan tâm trồng rừng, trồng cây xanh những khu vực có tiềm năng du lịch.

Theo báo cáo, năm 2018, người dân trên địa bàn tỉnh đăng ký trồng rừng nhiều hơn năm 2017. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, người dân cũng chưa thực sự sẵn sàng cho việc trồng rừng mà chủ yếu đang chuẩn bị đất để trồng mì và cây khác. Chính vì vậy, để hoàn thành kế hoạch đề ra, các cấp, các ngành cần sớm triển khai quyết liệt nhiệm vụ trồng rừng năm 2018 ngay từ bây giờ.

Đinh Duy

Có thể bạn quan tâm

Phó Chủ tịch HĐND thị xã Mai Thế Phụng (bìa trái) và Phó Chủ tịch UBND thị xã Đặng Xuân Toàn (bìa phải) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng tân Chánh Văn phòng HĐND&UBND thị xã Ảnh Nguyễn Sang

Ayun Pa có tân Chánh Văn phòng HĐND-UBND

(GLO)- Sáng 28-3, UBND thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức công bố quyết định của Chủ tịch UBND thị xã về công tác cán bộ. Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, các ban, ngành của thị xã Ayun Pa
Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

(GLO)- Chiều 26-3, Thường trực HĐND TP. Pleiku tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp HĐND để làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công nguồn ngân sách trung ương và công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án trọng điểm, chậm tiến độ trên địa bàn thành phố.
Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

(GLO)-

Ngày 22-3, đoàn giám sát do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Pleiku về việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2025.