Nhớ mãi một giai đoạn lịch sử hào hùng của Công an Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ra đời trong những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945, cùng với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, Công an Gia Lai đã nhận thức rõ trách nhiệm được giao, phát huy khí thế cách mạng của quần chúng, vượt qua gian khổ, khó khăn góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Đồng thời khẩn trương chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ (từ ngày 20 đến 23-8-1945), cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân tỉnh Gia Lai đã giành thắng lợi, làm nức lòng nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Chính quyền nhân dân non trẻ bận rộn với trăm công nghìn việc, trong đó, nhiệm vụ cấp bách là trấn áp sự “ngóc đầu” của bọn tay sai thân Nhật, Pháp và bọn quan lại phong kiến. Trong bối cảnh đó, lực lượng Công an Gia Lai gấp rút được thành lập để đấu tranh chống các hoạt động phá hoại của bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự ở tỉnh lỵ và các vùng lân cận.

 

Đại tá Phạm Văn Chẩn.
Đại tá Phạm Văn Chẩn.

Những ngày đầu mới thành lập và đi vào hoạt động, lực lượng còn mỏng, trang bị thiếu thốn, kinh nghiệm công tác chưa nhiều, nhưng được sự lãnh đạo của Công an Liên khu V và Đảng bộ tỉnh, Công an Gia Lai đã khẩn trương củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng, cùng các lực lượng nghiệp vụ khác nắm tình hình, tham mưu với lãnh đạo tỉnh triển khai các phương án, kế hoạch trấn áp thù trong, giặc ngoài và bọn tội phạm, bảo vệ Đảng và chính quyền nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Cụ thể: phân loại, xử lý những đối tượng là quan lại, viên chức chế độ cũ (việc phân loại xử lý bước đầu của Công an được nhân dân ủng hộ đã tạo uy tín cho chính quyền cách mạng); canh gác bảo vệ các cơ quan làm việc của Ủy ban Kháng chiến Hành chính, trại giam; kiểm tra giữ gìn trật tự, bài trừ trộm cắp, lưu manh; kịp thời phát hiện và đập tan âm mưu của tên Lê Bá Thuần-nhân viên mật thám cũ của Pháp kích động, xúi giục công nhân đồn điền Bàu Cạn và một số người xung quanh đồn điền biểu tình chống lại cách mạng, làm đình trệ sản xuất.

Đặc biệt, lực lượng Công an đã góp phần bảo vệ thành công cuộc Tổng tuyển cử lịch sử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tỉnh Gia Lai được Trung ương cho tổ chức Tổng tuyển cử vào ngày 23-12-1945, sớm hơn cuộc tổng tuyển cử toàn quốc 2 tuần); tổ chức bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước vào chỉ đạo, công tác tại tỉnh Gia Lai; bảo vệ trật tự, an toàn “Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam” họp tại Pleiku ngày 19-4-1946

Tuy lực lượng còn mỏng, lại phải đảm đương một khối lượng công việc lớn nhưng Công an Gia Lai đã khắc phục khó khăn, vừa đảm bảo công tác thường xuyên, giải quyết công tác cấp bách, vừa phải khẩn trương chuẩn bị các kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, tư tưởng, tổ chức để đối phó khi giặc Pháp trở lại tái chiếm.

 

 

Ngày 22-6-1946, thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Tây Nguyên; ngày 24-6-1946, địch chiếm đóng thị xã Pleiku. Nhờ có sự chuẩn bị trước nên khi giặc Pháp đánh chiếm, lực lượng Công an Gia Lai đã chủ động trấn áp địch, giữ an toàn phía sau cho quân đội, tiếp tục chiến đấu với địch, tổ chức lực lượng xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài; mặt khác bảo vệ nhân dân đến địa điểm tản cư an toàn. Chính nhờ sự phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ từng bộ phận và xây dựng được mạng lưới bí mật rộng khắp, thời gian chuẩn bị tuy không lâu (từ tháng 8-1945 đến tháng 6-1946) nhưng lại có căn bản nên khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, Công an Gia Lai không ngừng trưởng thành, lớn mạnh.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Công an Liên khu V và Đảng bộ tỉnh, Công an Gia Lai đã không ngừng củng cố, phát triển và lớn mạnh, đã kiên cường diệt ác, phá kìm, đấu tranh làm thất bại các kế hoạch tình báo, gián điệp của địch; củng cố chính quyền cách mạng, phá khu dồn dân của địch, tiễu trừ các ổ vũ trang “Goum” của địch (Guom: nguyên gốc tiếng Ả Rập, chỉ lực lượng bán vũ trang ở làng xã. Đây là tổ chức vũ trang phản động người dân tộc thiểu số do Pháp lập ra nhằm chống phá phong trào kháng chiến của ta); bảo vệ an toàn khu căn cứ Đê Groi, xã Ya Hội, huyện Đak Bớt (nay là huyện Đak Pơ) nơi các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của tỉnh đứng chân; góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, uy hiếp địch ở An Khê, tiêu diệt đồn Đak Bớt,  phá khu dồn dân, đánh phá các cơ quan ngụy quyền tại thị trấn Cheo Reo, phối hợp với các lực lượng tiêu diệt Binh đoàn Cơ động 100 (Gim 100) Âu Phi trên đường rút chạy từ An Khê về Pleiku, cắt đứt các đường nối liền thị xã Pleiku, giải phóng các vùng nông thôn chung quanh thị xã, bao vây Cheo Reo, chặn đánh một bộ phận địch rút khỏi Pleiku, diệt và bắt sống 500 tên địch, cô lập hoàn toàn thị xã Pleiku khi Hiệp định Geneve được ký kết. Đặc biệt, thắng lợi của chiến dịch Xuân Hè 1954 là chiến thắng lớn nhất của quân và dân Gia Lai, phá tan kế hoạch Atlan của Navar chiếm toàn bộ vùng tự do của Liên khu V, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi vẻ vang. Từ trong khói lửa chiến tranh, lực lượng Công an Gia Lai đã từng bước trưởng thành, lớn mạnh thể hiện phẩm chất của lực lượng vũ trang cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, tuyệt đối trung thành với Đảng, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, giúp đỡ. 72 năm nhìn lại, mỗi chặng đường lịch sử chúng ta có quyền tự hào về những truyền thống tốt đẹp của lực lượng Công an Gia Lai. Truyền thống ấy đã và sẽ được phát huy mãi mãi trong các giai đoạn lịch sử của ngành sau này.

Đại tá Phạm Văn Chẩn-Phó Giám đốc Công an tỉnh

Có thể bạn quan tâm

Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

(GLO)-

Ngày 22-3, đoàn giám sát do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Pleiku về việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Dâng hương kỷ niệm 70 năm chiến thắng Plei Ring

Dâng hương kỷ niệm 70 năm chiến thắng Plei Ring

(GLO)- Sáng 21-3, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Plei Ring (21/3/1954-21/3/2024) tại Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Plei Ring, xã Hbông.