Đẩy mạnh đổi mới để phát triển (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(Trích bài phát biểu của PGS-TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tại Tọa đàm kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai)

(GLO)- Từ khi Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh lỵ Pleiku ngày 24-5-1932 đến nay, qua nhiều biến cố lịch sử, nhiều lần tách nhập với nhiều tên gọi khác nhau nhưng Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, vượt qua khó khăn để xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã ghi nhận biết bao chiến công hiển hách của quân và dân tỉnh nhà mà tên tuổi gắn liền với các địa danh lịch sử, tiêu biểu như làng Stơr, xã Gào, Đak Pơ, Plei Me, Cheo Reo, Phú Bổn... cùng với sự xuất hiện những người con ưu tú biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng như: Đinh Núp, Wừu, Kpă Klơng, A Sanh, Kpuih Thu, Kpă Ó, Y Đôn... luôn được các thế hệ tôn vinh nhắc đến.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Đặc biệt, trong 31 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà không ngừng phát huy sức mạnh tổng hợp, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, vượt qua thử thách và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm qua của tỉnh đạt trên 2 con số; tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng thì đến năm 2016 đạt trên 3.500 tỷ đồng (tăng 88 lần); chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt trên 38 triệu đồng; công tác xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Gia Lai đã hình thành vùng chuyên canh cây trồng tập trung với hàng chục ngàn ha; hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước phát triển; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Hiện nay, 100% xã đã có điện sinh hoạt và có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia, trên 95% hộ sử dụng điện, 85% hộ ở nông thôn dùng nước sạch; sự nghiệp giáo dục, y tế, thực hiện các chính sách xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều khu công nghiệp được hình thành; nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra để chỉ đạo phát triển...

Bên cạnh những thành tựu phấn khởi đã đạt được, chúng ta cũng còn tồn tại một số mặt hạn chế, cần được nhìn nhận để khắc phục. Theo đó, việc ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất chưa nhiều, tính cạnh tranh chất lượng sản phẩm chưa cao, thương hiệu sản phẩm còn ít. Sự phân hóa giàu-nghèo giữa các vùng có xu hướng dãn ra; thu hút đầu tư còn hạn chế. Khả năng cân đối ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn; hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chiếm tỷ lệ cao. Năng lực lãnh đạo của một số tổ chức Đảng, khả năng điều hành của chính quyền chưa theo kịp diễn biến tình hình, năng lực cán bộ chậm đáp ứng yêu cầu. Việc kiểm tra, giám sát còn chưa chặt chẽ; xử lý sai phạm chưa kịp thời, đúng mức, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

Chúng ta đã có nhiều cố gắng, tiến bộ so với trước đây nhưng so với yêu cầu và tương quan phát triển thì còn rất nhiều việc phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa; nhất là trong thời kỳ kinh tế tri thức, thời đại của cách mạng công nghiệp thế hệ 4.0 đang diễn ra nhanh chóng trên quy mô toàn cầu: Bằng cách nào tận dụng thời cơ và thích ứng để phát triển bức phá nếu không muốn chịu sự tụt hậu xa hơn?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Cần phải nói cho mọi người biết rằng cách mạng công nghiệp 4.0 là việc của toàn xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, lao động, giáo dục, quốc phòng, an ninh”.

Trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Tỉnh phải có quyết tâm lớn, biện pháp cụ thể, khát vọng mạnh mẽ thì mới có thể phát triển được. Còn nếu không có tinh thần đó thì khó khắc phục được tình trạng của tỉnh”. Thủ tướng còn nhấn mạnh: Gia Lai cần có sự đột phá trong tư duy phát triển.

Tư duy đột phá không thể là tư duy theo lối mòn. Để có tư duy này, chúng ta cần nghiên cứu thực tiễn đã qua và phân tích một cách khoa học về xu thế phát triển trên thế giới để xây dựng chiến lược và vạch kế hoạch nhằm tăng tốc, tránh sự tụt hậu.

Hiện thực hóa khát vọng bằng sự lãnh đạo quyết tâm, xây dựng chương trình hành động cụ thể và kiên trì thực hiện với tất cả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của toàn dân vì mục tiêu chung là phát triển tỉnh nhà.

Có lẽ điều cần ưu tiên là phải nâng cao TFP trong GRDP của tỉnh, tức là nâng cao sự đóng góp của khoa học-công nghệ và quản trị tiên tiến, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm. Muốn vậy phải định kỳ tính được TFP của tỉnh; đánh giá được trình độ công nghệ, sự đổi mới về công nghệ hàng năm; trình độ quản trị doanh nghiệp… Kết quả cho thấy, TFP của các nước công nghiệp phát triển đã đóng góp vào GDP trên 50% (nước ta 30%, Gia Lai khoảng 20%). Nghiên cứu cũng cho thấy những yếu tố này có mối tương quan thuận với phát triển kinh tế và vai trò của khoa học và công nghệ cũng đã được nhắc đến qua thông điệp Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2017: “Khoa học và công nghệ-Chìa khóa của tương lai”.

Cụ thể hơn, ở thời kỳ kinh tế tri thức, cần phát huy sự đóng góp của đội ngũ này trong sáng tạo khoa học-công nghệ, tham gia tư vấn-phản biện những vấn đề quan trọng của tỉnh; tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp; sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nhân lực, vốn đầu tư (ICOR) và tài nguyên thiên nhiên; lắng nghe dân nhiều hơn và kịp thời giải quyết các tồn đọng, vướng mắc cho dân.

31 năm trước, Đảng ta đã dũng cảm vượt qua thời khắc: Đổi mới hay là chết và kết quả là đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, tỉnh nhà có những khởi sắc đáng mừng. Giờ đây phải là lúc tiếp tục phát huy sự dũng cảm đó cùng với những truyền thống tốt đẹp được hun đúc trong quá trình từ khi thành lập tỉnh nhằm đẩy mạnh đổi mới để phát triển.

Tự hào là người con của quê hương kiên cường, bất khuất, “Đất nước đứng lên” và “Hào khí Tây Sơn Thượng đạo”, chúng ta không thể dừng bước hay đứng ngoài sự phát triển chung.

(*) Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.

Có thể bạn quan tâm

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

(GLO)- Đoàn công tác của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai do bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn vừa có chuyến thăm, chúc Tết Chol Chnam Thmay chính quyền, Mặt trận và các tổ chức xã hội tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).
Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ngày 15-4, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” đã thông báo danh sách thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 6.