Kỷ luật Bí thư Hậu Giang, Thứ trưởng Nội vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đại biểu Quốc hội, nhân sĩ, trí thức, đảng viên cho rằng việc xử lý kỷ luật các cá nhân, tập thể liên quan đến bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh và công khai thông tin đã thể hiện sự quyết liệt vào cuộc, nói đi đôi với làm... được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Từ ngày 28 đến 30-11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp xem xét, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật, xem xét xử lý với một số cán bộ cao cấp của Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương và Tỉnh uỷ Hậu Giang liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh.

 

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát biểu tại kỳ họp.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát biểu tại kỳ họp.

Kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp

Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ vi phạm, khuyết điểm của 7 cán bộ cao cấp gồm: Đồng chí Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010- 2015; đồng chí Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015- 2020; đồng chí Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Bùi Cao Tỉnh, nguyên Vụ trưởng, nguyên Trợ lý đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Trần Thị Hà, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; đồng chí Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và đồng chí Nguyễn Duy Thăng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Trên cơ sở chỉ rõ những sai phạm, khuyết điểm của các cá nhân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật: Cảnh cáo đồng chí Bùi Cao Tỉnh, nguyên Vụ trưởng, nguyên Trợ lý đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Khiển trách đồng chí Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015- 2020. Khiển trách đồng chí Trần Thị Hà, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Cho rằng các vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chưa đến mức phải thi hành kỷ luật, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, sâu sắc và có biện pháp khắc phục.

Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 2 đồng chí: Đồng chí Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015 và đồng chí Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; xem xét xử lý đối với đồng chí Nguyễn Duy Thăng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ theo Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016 của Ban Chấp Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ rõ vi phạm khuyết điểm của tập thể Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ nhiệm kỳ 2011-2016 và yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, sâu sắc và có biện pháp khắc phục kịp thời.

Quyết liệt, nghiêm minh, nói đi đôi với làm

Nhận định về quyết định trên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN&MT của Quốc hội nói trên VOV: Cách thức tiến hành của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trong xem xét vụ việc và xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân có khuyết điểm liên quan vụ việc vừa qua được dư luận và cán bộ, đảng viên đánh giá cao.

Việc công khai thông tin thể hiện sự cương quyết, trách nhiệm và thẳng thắn xử lý cho dù đó là cán bộ cấp nào, đương chức hay nghỉ hưu nếu mắc sai phạm. Cách thức công khai như thế cũng cần áp dụng cả ở cấp địa phương khi xem xét xử lý cán bộ sai phạm để tạo niềm tin trong nhân dân.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN&MT của Quốc hội cũng nhấn mạnh, liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh, quá trình trình kiểm điểm, xem xét và đến thời điểm này có hình thức kỷ luật như vậy đã thể hiện sự quyết liệt vào cuộc xử lý đúng người, đúng chức trách nhiệm vụ được phân công, theo dõi.

“Đối tượng Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã nên khi nào bắt được, quá trình xử lý tiếp theo nếu phát hiện trách nhiệm của những người liên quan thì mức độ tới đâu tôi tin chắc chắn sẽ được xem xét xử lý”, ông Trương Minh Hoàng nói.

Còn theo ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã khiến dư luận bức xúc, mong muốn xử lý nghiêm minh. Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra mức xử lý cho thấy rất nghiêm túc, nói đi đôi với làm.

Ông Nguyễn Ngọc Sang - nguyên Phó Chủ tịch UBMT Tổ quốc thành phố Cần Thơ thì cho rằng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố mức kỷ luật đối với các cán bộ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo từ Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, rồi tỉnh Hậu Giang là rất nghiêm minh, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng trong việc lập lại kỷ cương phép nước.

“Tới đây, để tránh trường hợp như này xảy ra, nhất là vấn đề chạy chức, chạy quyền, theo tôi, phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4. Trung ương phải làm gương, còn tại các địa phương, các cán bộ lãnh đạo có thẩm quyền khi đề bạt cán bộ phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong quy hoạch, sử dụng cán bộ, phải thật sự dân chủ" - ông Sang nêu ý kiến.

Thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng

Ông Nguyễn Phong Tam - Chủ tịch Hội người cao tuổi tỉnh Kiên Giang thì hy vọng: "Đây là hồi chuông thức tỉnh cho những ai lợi dụng quyền thế, thân quen để “chạy” từ chỗ này sang chỗ kia. Những người có thẩm quyền ký những quyết định như vậy phải ý thức được rõ trách nhiệm của mình".

Theo TS. Nguyễn Bách Khoa, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Vĩnh Long, qua vụ việc Trịnh Xuân Thanh cho thấy, quan điểm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất dứt khoát, chặt chẽ trong việc xử lý cán bộ sai phạm. Nếu không kịp thời chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa thì sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đảng ta đã xác định rõ điều này và đang làm quyết liệt.

“Sự việc này cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong vấn đề làm trong sạch nội bộ Đảng. Đây là quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống sự suy thoái, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Việc làm này tuy khó khăn, nhưng phải làm từng bước và phải có thời gian. Đấu tranh chống cái xấu trong nội bộ cực kỳ khó khăn; cần hiểu và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và cả công dân để góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh" - TS. Nguyễn Bách Khoa nói.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

(GLO)- Chiều 26-3, Thường trực HĐND TP. Pleiku tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp HĐND để làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công nguồn ngân sách trung ương và công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án trọng điểm, chậm tiến độ trên địa bàn thành phố.
Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

(GLO)-

Ngày 22-3, đoàn giám sát do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Pleiku về việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2025.