Xây dựng huyện Đức Cơ vững mạnh toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 15-10-1991, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 315/HĐBT thành lập huyện Đức Cơ. Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Đức Cơ nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia.

Đến nay, Đức Cơ duy trì mức tăng trưởng khá phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 13,15%. Đến cuối năm 2015, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.872 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,6% (giảm 15% so với năm 2005); giá trị sản xuất dịch vụ đạt 1.365 tỷ đồng, chiếm 33,1% (tăng 9,8% so với năm 2005); giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 735 tỷ đồng đạt 18,3% (tăng 6,8% so với năm 2005).

Cụ thể, trên lĩnh vực sản xuất nông-lâm nghiệp, tổng diện tích gieo trồng đạt 18.347 ha; diện tích lúa nước được mở rộng lên 323 ha; cây công nghiệp dài ngày phát triển nhanh đã hình thành vùng cây hàng hóa với diện tích 14.428 ha, chiếm 22% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn huyện. Ngoài 16.400 ha cao su, cà phê của 3 công ty thuộc Binh đoàn 15, nhân dân trên địa bàn huyện cũng đã trồng và đưa vào kinh doanh 5.283 ha cà phê; 4.300 ha cao su tiểu điền… Từ đây xuất hiện nhiều mô hình trang trại, nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi và có thu nhập bình quân 300 triệu đồng/hộ/năm.
 

Quốc lộ 19B đoạn qua trung tâm huyện Đức Cơ.                                              Ảnh: V.H
Quốc lộ 19B đoạn qua trung tâm huyện Đức Cơ. Ảnh: V.H

Thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 28-6-2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) về phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh với tầm nhìn đến năm 2020, Đức Cơ hướng đến xây dựng thành trung tâm trong Tam giác phát triển của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Trong đó, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh sẽ thành đô thị biên giới và là trung tâm dịch vụ giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Với ý nghĩa đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã nỗ lực trên nhiều lĩnh vực để góp phần thay đổi diện mạo đô thị, đầu tư nâng cấp Cửa khẩu Lệ Thanh thành cửa khẩu quốc tế để thuận lợi giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa, nông sản giữa hai nước Việt Nam và Campuchia; nâng cao chất lượng đời sống an sinh xã hội cho người dân ở vùng khó khăn.

Đến nay, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều được nhựa hóa đường giao thông đến trung tâm, các trung tâm xã và cụm xã của huyện được đầu tư xây dựng khang trang; 100% số xã và 93/93 thôn, làng, tổ dân phố đã có điện, hơn 98% số hộ sử dụng điện; 86% hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh. Toàn huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 (theo tiêu chí cũ) còn 11,89%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 29 triệu đồng/năm.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng được Đảng bộ và chính quyền các cấp coi trọng. Quy mô giáo dục tăng nhanh, chất lượng dạy và học được nâng lên, cơ sở vật chất trường lớp không ngừng được đầu tư hoàn thiện.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được chú trọng. Đến nay, 100% thôn, làng có nhân viên y tế; 100% xã có bác sĩ và y sĩ, nữ hộ sinh trung học; 4/10 xã, thị trấn đạt tiêu chí mới về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 20%. Hoạt động văn hóa thông tin-thể dục thể thao từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 1 nhà văn hóa huyện; 1 nhà văn hóa xã; 1 nhà rông văn hóa huyện; 3 nhà rông văn hóa xã; 22 nhà rông văn hóa thôn, làng; 93/93 thôn, làng, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường tổ dân phố; các thiết chế và giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được bảo tồn, phát huy. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai rộng khắp. Kết thúc năm 2015, có 66% gia đình văn hóa; 58% thôn, làng, tổ dân phố văn hóa. Ngoài ra, hàng năm huyện đã xây dựng và sửa chữa hàng trăm ngôi nhà chính sách, nhà đại đoàn kết cho các đối tượng chính sách và người nghèo.

 

Trong năm học 2016-2017, toàn huyện có 51 trường với 21.748 học sinh; tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hàng năm đều tăng. Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt 99,7%; gần 100% cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn; có 10 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; 10/10 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Công tác khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề chuyển biến tích cực.

Trong 25 năm qua, tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được đảm bảo, công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm và tệ nạn xã hội thường xuyên được tăng cường; công tác xây dựng hệ thống chính trị luôn được coi trọng và thường xuyên củng cố, tạo tiền đề vững chắc để Đảng bộ lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành và Mặt trận, các đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát.

Đến nay, toàn Đảng bộ có 2.425 đảng viên, sinh hoạt ở 40 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc; năm 2015, có 50% tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, 39,59% hoàn thành tốt nhiệm vụ, 6,25% hoàn thành nhiệm vụ, công tác phát triển đảng viên gắn với “xóa” thôn, làng chưa có đảng viên được coi trọng, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chuẩn, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được tiến hành thường xuyên và gắn với công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên và từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đức Cơ là huyện có đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia dài 35 km và có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển thương mại, động lực phát triển kinh tế cho cả vùng Tam giác Việt Nam-Lào-Campuchia, song cũng đặt ra không ít thách thức về công tác ngoại biên. Do đó, nhiều năm qua, cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện chú trọng thực hiện chiến lược quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia gắn với xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh về mọi mặt. Việc làm tốt công tác đối ngoại nhân dân thời gian qua đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân hai bên biên giới trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Có thể nói, thành tựu ngày hôm nay là một quá trình phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong huyện. Đây cũng là tiền đề để Đức Cơ luôn vững bước tiến lên trong chặng đường tiếp theo.

 

Rah Lan Hiăng
Bí thư Huyện ủy

Có thể bạn quan tâm

Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

(GLO)-

Ngày 22-3, đoàn giám sát do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Pleiku về việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Dâng hương kỷ niệm 70 năm chiến thắng Plei Ring

Dâng hương kỷ niệm 70 năm chiến thắng Plei Ring

(GLO)- Sáng 21-3, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Plei Ring (21/3/1954-21/3/2024) tại Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Plei Ring, xã Hbông.