Kbang: Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn” giai đoạn 2009-2015, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn huyện Kbang từng bước được nâng cao, vai trò của các tổ chức Đảng và đảng viên ở cơ sở phát huy được hiệu quả tích cực.

Chuyển biến tích cực

Ông Hồ Xuân Dương-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lơ Ku (huyện Kbang) cho biết: Bám sát chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng ủy xã đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, triển khai rà soát lại trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức xã, thôn, làng, tổ dân phố. Dựa trên kết quả này, Đảng ủy phân loại cán bộ theo trình độ, lĩnh vực phân công phụ trách để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ xã theo từng năm. Đến nay, hệ thống cán bộ chuyên trách xã đã được chuẩn hóa về trình độ văn hóa; cán bộ thôn, làng, tổ dân phố cũng được đào tạo cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Hiện 100% cán bộ, công chức xã đạt trình độ văn hóa 12/12, mục tiêu đến đầu năm 2017 xã Lơ Ku sẽ hoàn thành tiêu chí 18 về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh.

 

Một góc trung tâm huyện Kbang.
Một góc trung tâm huyện Kbang.

Đánh giá kết quả thực hiện đề án này, ông Huỳnh Ngọc Sơn-Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Kbang khẳng định: Việc các Huyện ủy viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng, tổ dân phố đã giúp cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội; từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt và phương thức lãnh đạo của các chi bộ này. Mô hình “Chi bộ thôn, làng, tổ dân phố kiểu mẫu” được các cấp ủy cơ sở chú trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, số tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh tăng từ 70% (năm 2009) lên 75,92% (năm 2011). Số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng từ 69% (năm 2009) lên 73,50% (năm 2015); số đảng viên vi phạm tư cách từ 3,7% (năm 2009) giảm xuống còn 1% (năm 2015).

Ngoài ra, công tác đổi mới và nâng cao hiệu lực của chính quyền cấp xã cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhà nước theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, đã có 14/14 xã, thị trấn thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Qua đánh giá, xếp loại chính quyền của các xã, thị trấn trong 5 năm (từ 2011 đến 2015), có 64,28% đon vị được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 35,7% đơn vị được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có đơn vị nào xếp loại trung bình, yếu, kém.

Khắc phục tồn tại, hạn chế

Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Kbang Huỳnh Ngọc Sơn: Phần đông cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 02-ĐA/TU nên tích cực hưởng ứng, từ đó góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, thị trấn, thôn, làng, tổ dân phố không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng còn hạn chế, tỷ lệ cán bộ chuyên trách cấp xã chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo còn cao. Việc cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương còn lúng túng, quy chế làm việc của một số cấp ủy còn máy móc, chưa sát thực tế nên có mặt không thực hiện được.

Đáng chú ý, một số địa phương chậm cụ thể hóa đề án thành kế hoạch thực hiện, thiếu linh động trong việc sắp xếp tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Một bộ phận cán bộ chưa thật sự nghiêm túc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, còn đối phó với việc chuẩn hóa hoặc đi học chuyên môn để tìm cơ hội chuyển công tác. Nội dung sinh hoạt, phương thức lãnh đạo của cấp ủy chậm đổi mới, chưa kịp thời nắm bắt thông tin để có định hướng, giải pháp khắc phục những trì trệ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể.

“Để việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, thị trấn mang lại hiệu quả, tỉnh cần có chính sách hợp lý để động viên cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ; cần có chính sách ưu đãi đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số đi học tập, bồi dưỡng kiến thức về mọi mặt. Tăng chỉ tiêu về số lượng, số lớp đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, đảm bảo cho việc chuẩn hóa trình độ các mặt đối với từng chức danh cán bộ cấp cơ sở”-ông Sơn kiến nghị.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

(GLO)- Đoàn công tác của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai do bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn vừa có chuyến thăm, chúc Tết Chol Chnam Thmay chính quyền, Mặt trận và các tổ chức xã hội tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).
Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ngày 15-4, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” đã thông báo danh sách thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 6.