Đề nghị báo cáo Quốc hội về Formosa, Biển Đông: "Không tránh né nữa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhấn mạnh Quốc hội phải biết vấn đề nóng bỏng liên quan đến đất nước, Thường vụ Quốc hội đề nghị có báo cáo riêng về Formosa và Biển Đông.

Sáng nay (15-9), tại phiên họp thứ 3, Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến vào việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (dự kiến khai mạc vào ngày 20-10 tới đây).

Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng về khắc phục sự cố Formosa, về tình hình Biển Đông để trình ra Quốc hội.

 

Chủ tịch Quốc hội:
Chủ tịch Quốc hội: "Chúng ta không tránh né nữa"


Là cơ quan của Quốc hội được giao đi giám sát sau sự cố Fomorsa, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, đã có kiến nghị với Chính phủ, Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và nhấn mạnh quan điểm đề nghị Formosa phải hoạt động đúng quy trình thì mới cho tiếp tục hoạt động.

“Theo đánh giá tác động môi trường, muốn đổi mới công nghệ thì mất rất nhiều tiền, nhưng Uỷ ban KH-CN-MT vẫn yêu cầu Formosa làm đúng cam kết thì mới cho chạy. Không biết những kiến nghị của Uỷ ban gửi Quốc hội và Chính phủ có lồng được nội dung này vào không?”-ông Dũng đặt câu hỏi.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng nên có báo cáo riêng về Formosa vì đây là vấn đề dư luận và cử tri rất quan tâm, báo cáo cần tập trung xem khắc phục sự cố môi trường thế nào.

Ông Hà Ngọc Chiến cũng đề nghị có báo cáo riêng về tình hình Biển Đông sau khi có phán quyết của toà trọng tài thường trực, trong đó đề nghị báo cáo rõ về phản ứng của các nước cũng như chủ trương, giải pháp của ta.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nêu quan điểm: “Có những vấn đề Quốc hội cho rằng nhạy cảm cần cân nhắc kỹ, chỉ cho nghe hoặc báo cáo đến mức nào đó nhưng tôi cho rằng như thế là hạn chế vị thế của Quốc hội. Vấn đề quan trọng nhất là đại biểu và dân cần phải biết, cứ bảo nhạy cảm phức tạp mà không đưa ra Quốc hội là tự hạ thấp vị thế của Quốc hội”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính­-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng nêu quan điểm Formosa cần có báo cáo riêng, quan tâm đến việc khắc phục hậu quả ra sao, tiền bồi thường có được kịp thời đưa đến người dân hay không, có giải quyết được khó khăn cho dân hay không.

Theo ông Hải, đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa hình dung tiền bồi thường của Formosa sẽ được sử dụng thế nào. Dân hỏi thì lại lúng túng nên Chính phủ cần báo cáo công khai càng sớm càng tốt.

Kết luận lại nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh nguyên tắc là tất cả nội dung trình ra Quốc hội cần phải chuẩn bị thật chu đáo và đảm bảo đúng Luật, đúng tiến độ và chất lượng. Đủ các yêu cầu trên mới trình ra Quốc hội.

“Chúng ta không tránh né nữa, mà Quốc hội cần phải biết những vấn đề nóng bỏng liên quan đến đất nước, ảnh hưởng đến sinh mệnh của đất nước”-Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhất trí việc với sự cố môi trường Formosa phải có báo cáo riêng, đầy đủ về các vấn đề mà Quốc hội cần phải biết. Phần thảo luận về nội dung này bố trí chung với nội dung kinh tế-xã hội.

Biển Đông cũng cần có báo cáo riêng, nhưng khác là báo cáo tình hình Biển Đông sau phán quyết của toà trọng tài thường trực, phản ứng của các nước cũng như giải pháp của chúng ta.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

Phó Chủ tịch HĐND thị xã Mai Thế Phụng (bìa trái) và Phó Chủ tịch UBND thị xã Đặng Xuân Toàn (bìa phải) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng tân Chánh Văn phòng HĐND&UBND thị xã Ảnh Nguyễn Sang

Ayun Pa có tân Chánh Văn phòng HĐND-UBND

(GLO)- Sáng 28-3, UBND thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức công bố quyết định của Chủ tịch UBND thị xã về công tác cán bộ. Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, các ban, ngành của thị xã Ayun Pa
Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

(GLO)- Chiều 26-3, Thường trực HĐND TP. Pleiku tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp HĐND để làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công nguồn ngân sách trung ương và công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án trọng điểm, chậm tiến độ trên địa bàn thành phố.
Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

(GLO)-

Ngày 22-3, đoàn giám sát do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Pleiku về việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2025.