Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã khẳng định: “Đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và kim chỉ nam cho hành động”. Bởi vậy, việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người là việc cần thực hiện lâu dài, thường xuyên và liên tục trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
 

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới và 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu. Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua từng năm đã có những đổi mới với nhiều hình thức phong phú, nội dung sinh động, phù hợp.

Qua đó, đã nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tích cực vào việc củng cố, xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa trong Đảng và trong xã hội.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh

Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư, trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã xây dựng kế hoạch, tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt cấp huyện nghiên cứu, học tập 10 chuyên đề về Tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Ban Tuyên giáo cấp ủy tổ chức các lớp học tập cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên cơ sở và các lớp học tập chuyên đề cho đội ngũ giáo viên. Việc triển khai học tập các chuyên đề hoàn thành trong tháng 12-2003 với trên 90% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia học tập, viết thu hoạch.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ ba, phải sang) và các đồng chí lãnh đạo tỉnh ta chụp ảnh lưu niệm trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ ba, phải sang) và các đồng chí lãnh đạo tỉnh ta chụp ảnh lưu niệm trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).

Từ năm 2006 đến nay, gắn với thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc đưa Tư tưởng Hồ Chí Minh vào chương trình giảng dạy lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào thực tiễn, bám sát cuộc sống hơn.

Việc tổ chức học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh theo chủ đề hàng năm được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai có nền nếp, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về giá trị và vai trò của Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Việc tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập, viết thu hoạch, liên hệ kiểm điểm tự phê bình và phê bình, xây dựng kế hoạch thực hiện làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác được thực hiện nghiêm túc, tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia hàng năm đạt trên 95%.

Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được chú trọng. Nhiều địa phương, đơn vị đã duy trì khá tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thanh-thiếu niên, nhi đồng học tập về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng đã được duy trì thường xuyên, gắn với tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước và địa phương với nhiều hình thức như: tuyên truyền, cổ động trực quan, chiếu phim tư liệu; hoạt động văn hóa, văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ; giới thiệu nhiều ấn phẩm, tài liệu sinh hoạt chi bộ, tài liệu sinh hoạt nhân dân, bản tin tuyên truyền, sách, báo viết về cuộc đời, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên báo và phát thanh, truyền thanh, truyền hình…; qua đó đã tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Học tập và làm theo gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Trên cơ sở học tập, quán triệt Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trong tỉnh triển khai nghiêm túc, có nền nếp với nhiều biện pháp tích cực.

Hầu hết các cơ quan, địa phương, đơn vị cấp huyện và các sở, ngành cấp tỉnh đã bổ sung xây dựng và tổ chức thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai việc viết sổ tay “Làm theo gương Bác” đến toàn thể đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Qua 1 năm thực hiện cho thấy, đa số đảng viên đã thực hiện có nền nếp việc đăng ký làm theo gương Bác và tự nhận xét, đánh giá việc thực hiện của cá nhân theo định kỳ hàng tháng; nội dung đăng ký tập trung thực hiện các chuẩn mực đạo đức và đạo đức nghề nghiệp của cơ quan, đơn vị.

Xuất phát từ yêu cầu chuyển trọng tâm từ học tập sang làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đưa việc làm theo gương Bác ngày càng trở thành việc làm thường xuyên, cụ thể, thiết thực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trong tỉnh đã tổ chức có hiệu quả nhiều phong trào, cuộc vận động ở cơ sở, với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế. Mặt trận và các đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động làm theo gương Bác gắn với các phong trào thi đua yêu nước.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, cấp ủy các cấp đã chú trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để đưa việc học tập và làm theo gương Bác ngày càng sâu rộng trong các thôn, làng, tổ dân phố và lan tỏa đến từng hộ gia đình, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, đoàn kết chung sức xây dựng đời sống mới ở khu dân cư. Nhiều địa phương, đơn vị cơ sở và các cơ quan chuyên môn, trường học, lực lượng vũ trang đã triển khai thực hiện tốt công tác vận động quần chúng; đẩy mạnh cải cách hành chính, sửa đổi lối làm việc, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, các loại tội phạm.

Điển hình như: xã Kdang (huyện Đak Đoa) với mô hình kết nghĩa giữa các hộ làm kinh tế nông nghiệp với đồng bào dân tộc tại chỗ; các xã Đak Yă, Ayun Hạ, Hà Bầu… tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của nhân dân ngay từ cơ sở; thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, góp quỹ, góp công giúp đỡ người nghèo...

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục có những nội dung, giải pháp, cách làm phù hợp, xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu để nêu gương và nhân rộng việc học tập và làm theo gương Bác. Việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Quy định 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp cần được thực hiện nghiêm túc.

Qua đó đem lại những kết quả tích cực, từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, đảm bảo sự ổn định chính trị và góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.
————
(*) Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.

Phạm Đình Thu
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Có thể bạn quan tâm

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

(GLO)- Đoàn công tác của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai do bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn vừa có chuyến thăm, chúc Tết Chol Chnam Thmay chính quyền, Mặt trận và các tổ chức xã hội tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).
Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ngày 15-4, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” đã thông báo danh sách thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 6.