TTC Gia Lai: Nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong vụ ép 2018-2019, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) đã có nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía tại khu vực Đông Nam tỉnh. Trong đó, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp thu mua mới nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa hai bên; quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng bền vững, đảm bảo nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy hoạt động liên tục với công suất ép trên 6.000 tấn mía cây/ngày.
Đổi mới phương thức thu mua 
Vụ ép 2018-2019, TTC Gia Lai đã triển khai hệ thống quản lý nông nghiệp (FRM) để chủ động trong việc thu hoạch và cấp lệnh điều xe. Theo đó, lịch điều xe chở mía được giao cho các Trạm nông vụ quản lý. Trạm phân lịch và địa điểm về cho từng đầu công để vận chuyển; đốn mía đến đâu, xe bốc đến đó. Nhờ các chủ xe nắm trước được lịch và địa điểm bốc mía nên không mất thời gian chờ lệnh. Điều này tạo thành một chuỗi khép kín giúp tăng tỷ lệ quay vòng xe, giảm chi phí và đảm bảo thời gian thu hoạch mía.
Anh Nguyễn Xuân Sơn-tài xế xe Trạm 6 (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) cho biết: “Vụ ép này, công tác xếp xe chuyên chở mía nguyên liệu về nhà máy ổn định và hợp lý. Tất cả các xe được luân chuyển xoay vòng đều nhau giúp tài xế yên tâm hơn trong hoạt động vận tải mía. Trung bình 1 ngày đêm, mỗi xe chở được 1 chuyến, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn khoảng 800 ngàn đồng”.
  TTC Gia Lai thực hiện cơ giới hóa trong khâu nhập nguyên liệu. Ảnh: N.D
TTC Gia Lai thực hiện cơ giới hóa trong khâu nhập nguyên liệu. Ảnh: N.D
Ngoài ra, TTC Gia Lai cũng tiếp tục thực hiện cơ giới hóa trong khâu thu hoạch và bốc mía. Hiện tại, Công ty có 4 máy thu hoạch hoạt động thường xuyên và 25 máy bốc mía, mỗi giờ 1 máy bốc đầy một xe 25 tấn, nhanh hơn rất nhiều so với bốc bằng tay nên giảm được đáng kể chi phí. Nhờ đó, vụ ép 2018-2019 không còn tình trạng nông dân phải cạnh tranh trong việc thuê công đốn mía như những năm trước. Thay vào đó, họ chủ động sắp xếp thời gian bốc mía phù hợp giữa các ruộng và hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy, áp lực về thu hoạch mía thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán không còn xuất hiện. Đặc biệt, tình trạng mía cháy cũng giảm hẳn so với những năm trước đây.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa (phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) chia sẻ: “Vấn đề thu mua mía và sắp xếp phương tiện vận chuyển của TTC Gia Lai đã hợp lý hơn so với những năm trước. Việc thu hoạch theo vùng để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nông dân và nhà máy là cách làm mới mẻ, giúp bà con yên tâm hơn”.
Phát triển bền vững vùng nguyên liệu
Đến thời điểm này, TTC Gia Lai đã thu mua và ép được trên 350 ngàn tấn mía cây, tương đương 55% diện tích vùng nguyên liệu. Dự kiến cuối tháng 4-2019, Công ty sẽ kết thúc vụ ép. Theo thống kê sau thu hoạch, năng suất mía bình quân trong vụ ép này của Công ty đạt khoảng 60 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 9,7 CCS.
Ông Hoàng Trọng Tịnh-Giám đốc TTC Gia Lai-cho hay: “Vụ ép 2018-2019, Công ty đã có nhiều chính sách đầu tư thu mua để phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững. Theo đó, giá mua mía về đến nhà máy là 850.000 đồng/tấn đối với mía 10 CCS, bao gồm chi phí vận chuyển, chi phí khuyến khích không hoàn lại cho việc trồng và chăm sóc mía cũng như cộng thêm 20.000-30.000 đồng/tấn mía đối với những diện tích tiếp tục ký hợp đồng. Đặc biệt, năm nay, Công ty triển khai nhiều chính sách trong hoạt động thu mua như quản lý xe, đốn mía thuận lợi giúp người trồng mía yên tâm hơn trong việc thu hoạch”.
Cũng theo ông Tịnh, để cây mía phát triển ổn định, trong thời gian tới, Công ty tiếp tục thực hiện theo đúng định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu của tỉnh và sẽ có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ nông dân nhằm khuyến khích nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng mía lớn. Theo đó, nếu liên kết từ 5 ha trở lên, nông dân sẽ được hỗ trợ tối đa 6,3 triệu đồng/ha cho việc cày ngầm, trồng mía đúng quy cách, bón phân vi sinh/bã bùn cải tạo đất và các chính sách có lợi khác. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư nhiều máy móc thiết bị cơ giới hiện đại có thể thực hiện 2-3 công đoạn canh tác, chăm sóc cùng một lúc, giúp giảm tối đa chi phí đầu tư. Năm nay, dự báo thời tiết nắng hạn kéo dài, Công ty khuyến khích bà con tưới mía với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/ha. Về công tác quản lý lô/thửa, hệ thống FRM sẽ giúp cán bộ Công ty có thể kiểm soát tất cả thông tin về giống mía, ngày trồng, tính chất đất… mọi lúc mọi nơi, từ đó đưa ra khuyến cáo, nhắc nhở bà con chăm sóc mía tốt hơn để có thể yên tâm, gắn bó với cây mía và đồng hành cùng Công ty.
Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

(GLO)- Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 92/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 3 địa phương (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương) về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.
Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.