Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai có diện tích tự nhiên 15.536,9 km2 (bằng 4,7% diện tích cả nước) và là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 sau Nghệ An. Tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển cây công nghiệp và các sản phẩm chế biến từ cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 93.000 ha cà phê, hơn 100.000 ha cao su, 24.000 ha điều, gần 18.000 ha hồ tiêu, 38.570 ha mía, hơn 51.590 ha bắp, hơn 63.700 ha mì, hơn 4.100 ha cây thuốc lá. Đây chính là những thế mạnh về phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp đa dạng và phong phú mà không một tỉnh nào ở Tây Nguyên có được. Ngoài ra, với đặc điểm khí hậu nhiệt đới và hệ thống sông suối phân bố tương đối đều, việc phát triển các loại cây lương thực và chăn nuôi của tỉnh cũng khá thuận lợi, đảm bảo cân đối được giữa trồng trọt và chăn nuôi.
So với các tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai có ưu thế nổi bật nhất về giao thông để tạo ra thế mạnh về liên kết vùng. Trên địa bàn tỉnh có quốc lộ 14 nối với các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Đak Lak, Đak Nông và vùng Đông Nam bộ; quốc lộ 19 nối với Bình Định và Campuchia; quốc lộ 25 nối với tỉnh Phú Yên. Các tuyến giao thông này cũng nối Gia Lai với các cảng biển Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên. 
 Gia Lai có thế mạnh về phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp đa dạng và phong phú. Ảnh: Đ.T
Gia Lai có thế mạnh về phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp đa dạng và phong phú. Ảnh: Đ.T
Việc liên kết vùng sẽ tạo ra thế và lực để một quốc gia, một địa phương nhanh chóng phát triển. Với thế và lực của mình, Gia Lai có đủ điều kiện để chọn những mô hình phát triển nhằm phát huy thế mạnh trong một vài năm tới.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu
Đầu tư theo chiều rộng như hiện nay là nhân tố giúp quy mô kinh tế của tỉnh lớn hơn trước trên cơ sở xây dựng mới và mở rộng nhiều khu công nghiệp ở TP. Pleiku và các huyện, thị xã. Nó thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện hỗ trợ các vùng kinh tế chậm phát triển và vùng sâu, vùng xa theo xu thế phát triển chung. Tuy nhiên, mô hình phát triển kinh tế theo chiều rộng chỉ giải quyết được việc làm mà chưa tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, hạn chế trong việc tiếp thu những kiến thức mới về khoa học công nghệ, sự chuyển giao kỹ thuật sẽ chậm, dẫn đến năng suất lao động thấp, giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém. Đây là vấn đề có tính chất quyết định cho sự tăng trưởng. Vì vậy, song song với mô hình tăng trưởng theo chiều rộng như hiện nay phải tạo ra bước đột phá mới để phát triển theo chiều sâu mang tính chất định hướng lâu dài nhằm phát triển bền vững. Muốn tạo được mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trong giai đoạn tiếp theo phải có sự đổi mới về tư duy kinh tế, phải chuyển biến đồng bộ từ hệ thống chính trị tác động đến các công cụ như tài chính công, hệ thống tài chính ngân hàng, các cơ sở đào tạo nghề… nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng các tiến bộ khoa học tiên tiến.
Việc hướng tới xây dựng mô hình kinh tế theo chiều sâu là một tất yếu, là một yêu cầu cấp bách đặt ra để tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, với đặc điểm xuất phát thấp của tỉnh, phải duy trì phát triển theo chiều rộng để giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo kinh tế vĩ mô. Và từ nền tảng phát triển này, phải phục vụ tư duy mới là xây dựng mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Một số nội dung đảm bảo cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu là: phải dựa vào khoa học công nghệ, phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, phải dựa vào những thể chế kinh tế thích hợp và sự liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước-nhà khoa học-doanh nhiệp và nhà nông.
Tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 4.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, đóng góp 50% nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Trong đó, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp có những hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ thuật tiên tiến, khả năng tiếp cận thị trường, ảnh hưởng đến việc hợp tác, mở rộng quy mô. Tuy nhiên, nếu điều kiện thuận lợi thì các doanh nghiệp vừa có thể mở rộng quy mô, cải tiến dây chuyền sản xuất để trở thành doanh nghiệp lớn. Đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ có thể phát triển thành những doanh nghiệp vừa. Theo kế hoạch của tỉnh đến năm 2020 sẽ có 7.000 doanh nghiệp đóng góp 55-60% ngân sách nhà nước. Đây cũng là một dấu hiệu lạc quan để kinh tế Gia Lai phát triển nhanh và bền vững.
Với đặc điểm của mình, muốn phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo tôi cần có những giải pháp là: Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo cải cách chung của Chính phủ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường sự liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước-nhà khoa học-doanh nghiệp và nhà nông. Về phần mình, các doanh nghiệp cần có giải pháp mở rộng thị trường, xây dựng hiệp hội ngành hàng, đào tạo nguồn nhân lực.
 TS. Lê Đức Tánh

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước