Thành Thành Công Gia Lai: Phát triển vùng nguyên liệu tập trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân khu vực phía Đông Nam tỉnh Gia Lai trồng mía theo cánh đồng lớn. Không chỉ xây dựng vùng nguyên liệu bền vững cho Công ty, việc trồng mía theo cánh đồng mẫu lớn còn giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Mô hình hiệu quả
Niên vụ 2016-2017, nhiều hộ đồng bào dân tộc Jrai tại xã Chư Mố (huyện Ia Pa, Gia Lai) được TTC Gia Lai vận động liên kết trồng mía theo mô hình cánh đồng lớn trên những chân ruộng lúa một vụ kém hiệu quả. Tham gia mô hình này, các hộ được Công ty đầu tư 100% chi phí làm đất, tiền giống, phân bón, công chăm sóc, hướng kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đặc biệt, khoản chi phí đầu tư trồng mới được Công ty phân bổ thu hồi trong 3 năm nên hầu hết các hộ tham gia mô hình đều rất phấn khởi. Đến ngày thu hoạch, 24 ha mía của 23 hộ tham gia mô hình cho năng suất bình quân gần 100 tấn/ha, cao hơn nhiều so với các hộ trồng mía nhỏ lẻ.Thấy hiệu quả mô hình đem lại, nhiều hộ có đất liền kề ở xã Chư Mố đã mạnh dạn cùng nhau dồn điền để xây dựng cánh đồng mía lớn.
 Nông dân thu hoạch mía.             Ảnh: N.D
Nông dân thu hoạch mía. Ảnh: N.D
Là một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng mía cánh đồng lớn ở xã Chư Mố, ông Kpă Nguyên (Plei Pa Ma Hlak) cho biết: “Năm đầu tiên, năng suất mía của nhóm chúng tôi đạt trên 130 tấn/ha, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 50 triệu đồng/ha. Năm ngoái, giá mía giảm nhưng do chi phí đầu tư chăm sóc mía gốc thấp nên các thành viên trong nhóm vẫn có lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/ha. Hiện nay, nhóm vẫn duy trì trồng mía năm cuối theo hợp đồng với Công ty. Trong những năm tới, nhiều hộ sẽ tiếp tục trồng mía theo mô hình cánh đồng lớn vì hiệu quả cao hơn so với trồng lúa một vụ”.
Bà Vũ Thị Lan-Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty TTC Gia Lai-cho hay: “Đến nay, xã Chư Mố có 15 mô hình trồng mía cánh đồng lớn với tổng diện tích 112,5 ha của 113 hộ; còn tại xã Ia Kdăm phát triển 10 nhóm với diện tích 71,3 ha. Hầu hết các hộ trồng mía nhỏ lẻ đang có mong muốn tham gia liên kết để đồng hành cùng nhà máy trong những năm tới. Không chỉ trên cánh đồng 2 xã này, tại một số cánh đồng ở xã Ia Peng, Chrôh Pơnan, Ia Piar (huyện Phú Thiện) và xã Hbông (huyện Chư Sê), người dân vẫn duy trì mô hình này. Đây là một điều rất đáng mừng”.
Đồng hành phát triển vùng nguyên liệu bền vững
Hiện nay, giá mía sụt giảm khiến một bộ phận người trồng mía dao động tư tưởng, ảnh hưởng không nhỏ đến chủ trương phát triển vùng nguyên liệu trong những năm tới. Tuy nhiên, với TTC Gia Lai, việc xây dựng cánh đồng mía lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng với các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật canh tác, đảm bảo giá mía có xuống thấp thì người dân vẫn có lãi khoảng 8 triệu đồng/ha, ổn định hơn so với trồng lúa một vụ nên nông dân yên tâm đồng hành cùng Công ty.
Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-cho biết: “Vụ ép năm nay, diện tích cánh đồng mía lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã Chư Mố, Ia Kdăm đạt khoảng 200 ha. Đặc biệt, tại xã Ia Kdăm có 7 ha mía giống KK3 được trồng gắn với quản lý dịch bệnh cho năng suất khá cao-khoảng 100 tấn/ha. Hiệu quả rõ rệt nên nhiều hộ đang lấy giống mía này để nhân rộng trong những vụ tới”.
Trao đổi với P.V, ông Hoàng Trọng Tịnh-Giám đốc Công ty TTC Gia Lai-cho biết: Trong bối cảnh ngành mía đường cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn, Công ty vẫn luôn có hướng đi phù hợp để giúp người trồng mía, đảm bảo đôi bên cùng hưởng lợi. Để đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, thời gian qua, Công ty đã tập trung xây dựng ổn định vùng nguyên liệu mía, nhất là xây dựng mô hình cánh đồng mía lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giúp bà con nâng cao thu nhập. Dù giá mía có xuống thấp hơn những năm trước đây song Công ty vẫn nỗ lực đầu tư, thu mua mía giúp nông dân có lãi bình quân 8-10 triệu đồng/ha. “Với kết quả đạt được, ngoài chính sách đầu tư vốn cơ bản như những năm trước, niên vụ sắp tới, Công ty triển khai chính sách khuyến khích nhân rộng liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng mía lớn. Theo đó, nếu liên kết từ 5 ha trở lên sẽ được hỗ trợ tối đa 6,3 triệu đồng/ha cho việc cày ngầm, trồng mía đúng quy cách, bón phân vi sinh/bã bùn cải tạo đất và nhiều chính sách có lợi khác. Có như vậy mới phát triển được vùng nguyên liệu mía bền vững để nhà máy hoạt động và nông dân cũng có lãi”-ông Tịnh khẳng định.
Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.