Kịch bản nào cho cán cân quyền lực tại Trung Nguyên sau vụ li hôn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với giả định chia đôi tổng số cổ phần của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên Investment và các công ty con, cán cân quyền lực tại đây sẽ tương đối cân bằng và quyền quyết định sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ của mẹ ông Vũ dành cho ai.
Cán cân quyền lực tại Trung Nguyên ra sao nếu chia đôi tài sản?
Hiện với 70% cổ phần nắm giữ tại CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group - TNG), CTCP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment) đang là cổ đông lớn nhất, chi phối mọi hoạt động của TNG và các công ty con của TNG.
Vì vậy, có thể nói cổ đông hoặc nhóm cổ đông nào có quyền chi phối tại Trung Nguyên Investment cũng sẽ có quyền chi phối hoạt động của toàn bộ hệ thống công ty con.
Hiện nay, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang nắm giữ 61,66% cổ phần tại Trung Nguyên Investment, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nắm 30%, mẹ ông Vũ - bà Lê Thị Ước - nắm 6,68% và 1,66% còn lại thuộc về người khác (chưa rõ tên).
Tuy nhiên, không phải toàn bộ số 61,66% cổ phần của ông Vũ tại đây là tài sản chung của hai vợ chồng này.
Bởi lẽ, Trung Nguyên Investment được thành lập với cơ cấu cổ đông ban đầu: Ông Vũ nắm 60% cổ phần, bà Thảo nắm 30% cổ phần, mẹ ông Vũ và bố ông Vũ mỗi người nắm 5%.
Sau khi ông Đặng Mơ (bố ruột của Đặng Lê Nguyên Vũ) qua đời, 5% mà ông Đặng Mơ sở hữu tại Trung Nguyên Investment được chuyển nhượng lại cho ông Vũ, mẹ ông Vũ và nhân vật thứ ba chưa xác định được, theo tỷ lệ 1,66% cho ông Vũ, 1,68% cho mẹ ông Vũ và 1,66% cho nhân vật chưa rõ tên.
1,66% cổ phần mà ông Vũ được chuyển nhượng từ bố mình được hình thành trong khi hai vợ chồng đã phát sinh mâu thuẫn trong điều hành, vì vậy khả năng cao là không được liệt kê vào danh sách tài sản chung và nằm ngoài số cổ phần chia đôi giữa hai vợ chồng.
Như vậy, có thể giả định rằng số tài sản chung của hai vợ chồng tại Trung Nguyên Investment là 90% (gồm 60% của ông Vũ và 30% của bà Thảo).
Giả định là số tài sản chung này được hình thành sau khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo kết hôn, và số cổ phần của ông Vũ và bà Thảo đều xuất phát từ tài sản chung, kịch bản số tài sản này được chia đôi sau phiên tòa li hôn là có thể xảy ra.
Theo kịch bản giả định này, sau li hôn ông Vũ sẽ nắm 46,66% (gồm 45% cổ phần được chia lại sau li hôn, cộng với 1,66% cổ phần là tài sản riêng). Bà Thảo chỉ nắm 45% cổ phần. Tỉ lệ sở hữu của mẹ ông Vũ và cổ đông còn lại vẫn lần lượt là 6,68% và 1,66%, không bị ảnh hưởng bởi cuộc li hôn.
Cơ cấu sở hữu tại Trung Nguyên Investment trước và sau vụ li hôn (theo giả định chia đôi tài sản chung).
Cơ cấu sở hữu tại Trung Nguyên Investment trước và sau vụ li hôn (theo giả định chia đôi tài sản chung).
Nhiều khả năng đối tượng thứ ba nhận cổ phần của ông Mơ là người có liên quan và đại diện cho lợi ích của ông Vũ. Tuy nhiên, kể cả loại trừ nhân vật này, ông Vũ và người thân (mẹ ông) nắm tối thiểu 53,34% cổ phần tại CTCP Đầu tư Trung Nguyên.
Kể cả khi nhân vật chưa rõ danh tính ủng hộ quyền lợi bà Thảo thì bà và người liên quan cũng chỉ nắm tối đa 46,66% cổ phần tại CTCP Đầu tư Trung Nguyên.
Như vậy, dù phải chia đôi tài sản, thì với mức sở hữu hơn 51% cổ phần, ông Vũ và người thân vẫn nắm quyền chi phối quyết định các hoạt động của Trung Nguyên Investment, và qua đó chi phối cả TNG và các công ty con khác.
Quyền chi phối này chỉ xoay chiều nếu mẹ ông Vũ ủng hộ các quyết sách của bà Thảo để tạo thành nhóm cổ đông chi phối (45% của bà Thảo cộng với 6,68% của mẹ ông Vũ). Tuy nhiên, giả định này khó xảy ra hơn.
Với việc nắm trên 10% cổ phần của Trung Nguyên Investment, bà Thảo có một số quyền nhất định theo Luật doanh nghiệp 2014.
Tuy nhiên, điều đáng nói là kịch bản chia đôi tài sản sau li hôn giúp số cổ phần của bà Thảo vượt quá mốc quan trọng - 35%.
Theo Luật sư Lương Huy Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn LawKey Việt Nam, căn cứ Luật Doanh nghiệp 2014, với việc sở hữu trên 35% cổ phần, bà Thảo có quyền phủ quyết một số quyết định quan trọng của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) CTCP Đầu tư Trung Nguyên.
Các quyết định mà bà được phép phủ quyết bao gồm: loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh; thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty; các quyết định dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản của công ty, hoặc tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định; tổ chức lại, giải thể công ty và các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.
Cơ cấu cổ đông của nhóm công ty Trung Nguyên Investment và các công ty con sau li hôn (theo giả định chia đôi tài sản như trên).
Cơ cấu cổ đông của nhóm công ty Trung Nguyên Investment và các công ty con sau li hôn (theo giả định chia đôi tài sản như trên).
Bên cạnh đó, hiện tại ông Vũ và bà Thảo nắm lần lượt 30% và 10% cổ phần tại TNG - công ty con do Trung Nguyên Investment nắm 70%. Sau khi li hôn, số cổ phần của hai người tại TNG được san bằng với tỷ lệ 15% cho mỗi người, nhưng không làm thay đổi quyền chi phối vì tỉ lệ nắm giữ của Trung Nguyên Investment không đổi.
Yêu cầu cấp dưỡng nuôi con bằng 20% cổ phần có khả thi?
Trong vụ kiện li hôn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu nuôi dưỡng 4 người con chung. Bà đề nghị ông Đặng Lê Nguyên Vũ cấp dưỡng bằng 20% số cổ phần của mình tại các công ty thành viên thuộc Trung Nguyên Investment dành cho 4 người con.
Giả sử bà Thảo có quyền chi phối số cổ phần này thì bà Thảo có thể nâng tỷ lệ biểu quyết tại Trung Nguyên Investment lên 65% (45% cổ phần của cá nhân bà Thảo và 20% của các con).
Song liệu kịch bản ông Vũ chia 20% cổ phần cho 4 người con có thể xảy ra hay không? Câu trả lời là khó, trừ khi ông Vũ chấp nhận thỏa thuận này.
Theo Luật sư Lương Huy Hà, Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Pháp luật chỉ quy định nghĩa vụ cấp dưỡng bằng tiền hoặc tài sản khác đáp ứng như cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, chứ không bắt buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chuyển giao các tài sản như cổ phần, cổ phiếu trong công ty cho người được cấp dưỡng. Tòa án khi xem xét nghĩa vụ cấp dưỡng cũng phải dựa trên những quy định này.
Như vậy, việc cấp dưỡng cho con bằng 20% cổ phần của ông Vũ không phải là điều bắt buộc.
Khi giải quyết ly hôn,Toà không có quyền yêu cầu ông Vũ cấp dưỡng con cái bằng cổ phần theo như yêu cầu từ phía bà Thảo. Việc cấp dưỡng nuôi con bằng cổ phần là thoả thuận giữa hai bên - ông Vũ và bà Thảo.
Ông Vũ cũng đã nêu quan điểm rằng ông muốn cấp dưỡng con cái bằng 20% cổ tức của ông, trong trường hợp các con muốn sống với bà Thảo. Khả năng bà Thảo có thể nâng tỷ lệ chi phối và biểu quyết trực tiếp và gián tiếp tại Trung Nguyên thông qua 4 người con là gần như không thể xảy ra.
Như vậy, với giả định chia đôi số cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên và những yêu cầu cấp dưỡng nuôi con đi kèm, thì bà Thảo chỉ có quyền phủ quyết một số quyết định tại Trung Nguyên Investment. Còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ, với sự hậu thuẫn của mẹ, vẫn là người có tiếng nói và quyền chi phối hoạt động của công ty này.
 Tuệ An (Theo Kinh tế & Tiêu dùng)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.