Tổng Kiểm toán Nhà nước: Sabeco là "tiêu biểu chuyển giá, làm thất thu NS"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng Kiểm toán Nhà nước nhận định, không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco.

Nhiều doanh nghiệp nội có dấu hiệu chuyển giá


Tại Hội thảo "Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay" do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức sáng nay (19/7), TS.Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, thời gian qua, KTNN đã tích cực thực hiện chức năng, nghĩa vụ của mình trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đã thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


"Trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán. Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco", ông Phớc cho biết.

Theo ông Phớc, dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành.

"Chuyển giá không những là một hình thức thất thu ngân sách lớn mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác", ông Phớc đánh giá.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Việt Nam thời gian qua đã rất nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chủ trương và chính sách nhằm thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp. Việc thực hành pháp luật trong việc chuyển giá chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao.

"Hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của “kinh tế chia sẻ” và Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức sản xuất và phân phối giữa các chủ thể kinh tế, hoạt động chuyển giá đang có diễn biến phức tạp, tinh vi và không ngừng gia tăng không chỉ ở các doanh nghiệp FDI mà ngay cả ở các doanh nghiệp trong nước đã đặt ra những thách thức không nhỏ", ông nói thêm.

Doanh nghiệp FDI khai lỗ liên tục vẫn mở rộng sản xuất


Số liệu được PGS.TS. Lê Xuân Trường Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính dẫn ra tại hội thảo cho thấy, trong giai đoạn 2015-2017, có khoảng 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liền. Tuy kê khai lỗ liên tục, song nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất.

"Tất nhiên, có thể có trường hợp lỗ thật và số lỗ này có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể loại trừ khả năng chuyển giá, bởi vì, nếu đó là lỗ thực sự thì không thể có chuyện các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng đầu tư vào Việt Nam", ông Trường nhận định.

Trong số các địa phương có doanh nghiệp FDI hoạt động, số liệu thống kê cho thấy, TP.HCM có tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Tương tự tại tỉnh Lâm Đồng với 104/111 doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ liên tục. Tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 – 2011.

Các báo cáo của cơ quan Thuế cho thấy, các doanh nghiệp FDI khai kinh doanh thua lỗ thường tập trung trong lĩnh vực gia công may mặc, da giày; sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến...

Đặc biệt, ở TP.HCM, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi. Mặc dù thua lỗ triền miên song các doanh nghiệp FDI này vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Cùng chung nhận định, báo cáo của TS.Vũ Đình Ánh và TS.Lê Quang Hùng cũng cho rằng, chuyển giá đã và đang trở nên nghiêm trọng và phổ biến với nhiều trường hợp điển hình có quy mô vi phạm lớn.

"Bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, khu vực FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực nổi bật là chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư...", báo cáo nhận định.

Lâm An (bizlive)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.