Thủ tướng: Chi phí logistics cao là rào cản với doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải, việc kết nối kém đã làm tăng chi phí vận tải. 
Thủ tướng chỉ đạo nhiều giải pháp giảm chi phí logistics. Ảnh: VGP
Thủ tướng chỉ đạo nhiều giải pháp giảm chi phí logistics. Ảnh: VGP
Ngày 16-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hệ thống hạ tầng giao thông.
Theo Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công, chi phí vận tải chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics. So với các nước khác như Mỹ chiếm khoảng 63%, Thái Lan khoảng 53% thì Việt Nam chiếm 59%. 
Vấn đề kết nối giữa các phương thức vận tải cũng là nguyên nhân khiến cho năng lực của cả hệ thống giao thông vận tải chưa được khai thác hiệu quả. Chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP HCM (không tính chi phí xếp dỡ hai đầu) vào khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt.
Đối với vận tải biển nội địa trên tuyến Bắc Nam mức cước từ kho đến kho bằng 40-50% cước vận tải đường bộ nhưng lại có thời gian vận chuyển cao gấp 3 đến 5 lần, bị ảnh hưởng lớn bởi sự mất cân đối hàng hoá theo mùa và theo vùng miền. Cước vận tải biển quốc tế tại Việt Nam hiện nay còn cao do hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn phải trung chuyển qua các cảng biển nước ngoài nên phải gánh thêm nhiều khoản chi phí. 
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định, giảm chi phí logistic để giảm chi phí cho nền kinh tế, là giải pháp chiến lược phát triển doanh nghiệp. Ngành logistics hiện nay bị vướng nhiều điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp. Lãnh đạo các ngành cần chỉ đạo quyết liệt  hơn để bỏ các điều kiện này, chỉ ra ngày nào tháng nào bãi bỏ, thậm chí áp đặt để thực hiện được. 
"Chúng ta phải giải quyết tình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm trong việc tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Cung nhấn mạnh
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã có 15 hội nghị toàn quốc để giải quyết vấn đề logistics, nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, dịch vụ. Tuy nhiên, logistics vẫn là khái niệm còn rất mới ở Việt Nam, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm để phát triển loại hình kết nối hạ tầng giao thông, luân chuyển hàng hóa có tính chiến lược này.
“Tổ chức giao thông vận tải hiện nay mới đơn tuyến, chỉ tập trung vào đường bộ, chưa có biện pháp kết nối hiệu quả. 45% xe khi quay về không chở hàng làm sao chi phí không cao?”, Thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng, nếu chúng ta không làm, doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm, trong khi nước ta chưa có doanh nghiệp mạnh về logistics.
Dẫn câu nói của ông Benjamin Franklin (Mỹ): “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng đặt vấn đề, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh khi tính cạnh tranh xuống thấp?
Theo Thủ tướng, các ngành phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng doanh nghiệp, đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải, việc kết nối kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải và logistics. 
Hiện nay chi phí vận tải chiếm khoảng 60%, cộng cả lưu kho, bốc dỡ là khoảng 91%.  Thủ tướng nhấn mạnh phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa bằng nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, triển khai các nhiệm vụ trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. 
Đối với các địa phương, cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại. 
Các doanh nghiệp logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP. 
Theo Ngân hàng thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Hiện chi phí logistics vào khoảng 20 - 21% GDP, đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN, trong đó lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 59 - 60% tổng chi phí logistics.
Đoàn Loan (VNE) 

Có thể bạn quan tâm