Bầu Đức gán nợ 1.200 tỷ, thoát gánh nặng chờ thời thăng hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) tiếp tục quá trình tái cơ cấu và chuyển hướng kinh doanh. Khối tài sản khổng lồ đằng sau các doanh nghiệp của Bầu Đức có thể sẽ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.



Thông tin từ CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) cho biết, doanh nghiệp này đã chào bán riêng lẻ gần 120 triệu cổ phiếu hoán đổi công nợ với giá bán 10.000 đồng/cp.

Đây là một kết quả khá ấn tượng và có thể là lý do khiến cổ phiếu HNG của ông Đoàn Nguyên Đức tăng vọt trong 4 phiên liên tiếp gần đây, trong đó có 2 phiên tăng trần gần nhất với dư mua rất lớn, bất chấp thị trường chứng khoán (TTCK) chao đảo với 2 phiên giảm rất mạnh.

Trước đó, HAGL Agrico đã có thông báo về kế hoạch chào bán. Tuy nhiên, cổ phiếu HNG luôn quanh ngưỡng 6.000 đồng/cp. Do vậy, việc HAGL Agrico bán được với mức giá 10.000 đồng/cp cho thấy các nhà đầu tư đặt kỳ vọng khá lớn vào doanh nghiệp này, và có thể đó là khối tài sản khổng lồ đằng sau doanh nghiệp của một doanh nhân đang hướng tập trung vào thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Dương.

Tới nay, các doanh nghiệp của Bầu Đức đang nắm giữ một quỹ đất rất lớn khoảng trên 100 ngàn hectar tại Đông Dương.

Trước đó, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) cũng đã dồn dập tái cơ cấu bán nợ và chuyển hướng kinh doanh.

Cuối năm 2017, ông Đoàn Nguyên Đức có thời điểm bán 23 triệu cổ phiếu HAG để góp phần giúp HAGL tái cơ cấu nợ vay.

Trước đó, Bầu Đức cũng đã có nhiều lần chuyển hướng kinh doanh với hàng loạt các vụ bán nhanh, bán rẻ các dự án bất động sản trong nước và dồn tiền sang BĐS Myanmar và trồng cả trăm ngàn cao su, mía đường tại Lào.

Tuy nhiên, nhu cầu vốn quá lớn khiến doanh nghiệp của Bầu Đức phải vay rất nhiều từ các ngân hàng trong nước, trong đó có BIDV. Tiền không chỉ được dồn vào các dự án, mà còn phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng xung quanh. Trong khi đó, dòng tiền về, doanh thu và lợi nhuận không kịp bù đắp.

Dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt với tầm nhìn “ngồi tại Việt Nam bán sữa toàn Đông Nam Á” cũng đã thu được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, một phương án kiếm tiền nhanh và cũng là trọng tâm kinh doanh của tập đoàn trong dài hạn đã được đẩy mạnh triển khai: làm nông nghiệp.

Gần đây, dự án trồng và bán trái cây ăn qua như chanh, chuối, thanh long,... đang góp một phần không nhỏ vào doanh thu của doanh nghiệp này.

Cũng giống như Hoàng Anh Gia Lai, khá nhiều doanh nghiệp trong mảng nông nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm vừa qua như: Cao su Đồng Phú (DPR), Dầu Tường An (TAC),...

Thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục sôi động chưa từng có cho dù áp lực chốt lời đang diễn ra ở nhiều cổ phiếu blue-chips vốn đã lên rất mạnh, tăng gấp vài ba lần trong năm vừa qua.

Thời điểm hiện tại, dòng tiền được dự báo chuyển sang các cổ phiếu midcap và penny, giống như trong hàng loạt đợt sóng trong gần 2 thập kỷ qua trên TTCK Việt Nam.

Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 7/3, VN-index giảm 8,03 điểm xuống 1.112,26 điểm; HNX-Index giảm 1,73 điểm xuống 125,6 điểm. Upcom-Index giảm 0,54 điểm xuống 60,47 điểm. Thanh khoản đạt 360 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 7,9 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

V. Hà (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm