Khoan sức doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15% đối với doanh nghiệp nhỏ (tổng doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm) và 17% đối với doanh nghiệp vừa, không áp dụng đối với các công ty con của những doanh nghiệp “mẹ” có từ 25% vốn trở lên.

Đây là một đề xuất chắc chắn được các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiệt liệt hoan nghênh. Vì từ lâu rồi, báo chí cũng đã phản ánh nguyện vọng xin giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 25% xuống 15-17%. Ông Đào Huy Giám-Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, đánh giá: Thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính luôn cố gắng đưa thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 25% xuống 22% rồi 20%. Trong khi ở các nước khác thì nằm trong khoảng 20-26%. Do đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là một đề xuất tích cực. Cũng theo ông Giám, một khi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có động lực lớn để kinh doanh có lãi, nộp thuế nhiều hơn cho Nhà nước, như thế giảm thuế chưa chắc đã giảm thu.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi muốn có một cái nhìn toàn cục hơn. Giảm thuế để tạo động lực phát triển là thể hiện một tầm nhìn xa. Cần có một tầm nhìn xa, rộng như thế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 95% doanh nghiệp trong nước, vì họ là lực lượng đông đảo nhất biến nước ta thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường bền vững. Mở cho họ những cơ hội làm ăn, “khoan sức doanh nghiệp” bằng chính sách thuế, chính là khuyến khích sức sản xuất trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện tại. Khi Cách mạng Tháng Mười vừa thành công, Lênin đã chủ trương chính sách kinh tế mới (NEP) đưa nước Nga vào quỹ đạo của nền kinh tế thị trường có định hướng. Trong nhiều chính sách cởi mở của NEP, có chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thu thuế là chuyện đương nhiên với một quốc gia, nhưng thu thuế như thế nào để kinh tế phát triển mới là chìa khóa đưa quốc gia phát triển. Đã tới lúc cần có sự điều chỉnh cập nhật về các nguồn thu, sắc thuế, làm sao Nhà nước vẫn có tổng thu tốt mà doanh nghiệp và các thành phần nộp thuế khác có động lực làm ăn, tiến tới coi việc nộp thuế không chỉ là nghĩa vụ mà còn là vinh dự. Vì nộp thuế nhiều đồng nghĩa với làm ăn phát đạt.

Mỗi quốc gia đều tính toán thu thuế doanh nghiệp sao cho doanh nghiệp có cơ hội phát triển. Vì thế, ở mỗi quốc gia, lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có khác nhau vì phụ thuộc vào sức phát triển của nền kinh tế. Chúng ta đừng thấy ở những nước phát triển, những nước giàu có người ta có thuế suất cao mà so sánh với một quốc gia đang trên đường phát triển như Việt Nam. Chính vào lúc ta còn nghèo, mới rất cần “khoan sức dân” như ngày xưa các bậc minh quân của Việt Nam đã thực hiện. Còn tới khi đã phát triển, người dân và doanh nghiệp khá giả, giàu lên thì mức thuế có thể tăng, cũng vừa với sự phát triển.

Với Việt Nam hiện tại và trong tương lai gần thì giảm thuế phải đi cùng chống thất thu thuế. Ở Gia Lai, có một slogan rất hay: “Cần đẩy mạnh “4 công”, như giải thích của ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. “4 công” đó là công khai, công bằng, công nghệ và công chức. Chống thất thu thuế bắt đầu từ công chức trong ngành Thuế phải trong sạch. Còn công khai, công bằng và công nghệ là “3 công” mà Nhà nước phải tích cực thực hiện để hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp. Những điều đó ai cũng hiểu nhưng để thực hiện nó là cả một quá trình đấu tranh và xây dựng con người và văn hóa doanh nghiệp, con người và văn hóa thuế. Chỉ như thế, việc giảm thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thực sự có tác dụng tích cực. 

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm