Doanh nghiệp Gia Lai phản biện về cơ chế, chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc phản biện của doanh nghiệp (DN) về những quy định, chính sách chưa hợp lý, về hiệu quả hoạt động của các sở, ngành, địa phương chính là cơ sở quan trọng để đánh giá việc thực thi chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, từ đó cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân, phục vụ DN.

Những tháng đầu năm 2017 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của DN  và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh khi số lượng DN thành lập mới tăng đáng kể. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có gần 300 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 1.330 tỷ đồng, nâng tổng số DN trên địa bàn lên trên 3.300. “Trong thời gian qua, chúng tôi thực sự trân trọng và đồng hành với từng DN, từng nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sự trân trọng, đồng hành này đã được chúng tôi cụ thể hóa bằng chương trình “Kết nối doanh nghiệp” nhằm hướng dẫn nhà đầu tư đăng ký thực hiện các dự án về trình tự, thủ tục cần phải triển khai; phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn nhà đầu tư về thủ tục, thực hiện những công việc cho phép triển khai đồng thời”-ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.

 

Bộ phận một cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư.                                  Ảnh: H.D
Bộ phận một cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai. Ảnh: H.D

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, DN vẫn gặp những khó khăn khách quan hoặc  chủ quan cần  tháo gỡ. Bà Lại Thị Bích-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hồ tiêu ngũ sắc Gia Lai, người chế tạo máy sấy tiêu ngũ sắc, đem lại cho hồ tiêu Gia Lai một “sắc màu” mới có chất lượng cao, kiến nghị: “Hiện tại, tôi mong muốn xây dựng nhà máy tiêu ngũ sắc. Tôi đã kết hợp với DN bạn để có điều kiện tốt nhất cho ra đời nhà máy. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi đang phải thuê mặt bằng của DN  khác, họ có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Chúng tôi mong  tỉnh sắp xếp tạo điều kiện để nhà máy tiêu ngũ sắc được xây dựng với diện tích đất hợp lý”.

Cũng về vấn đề quỹ đất, ông Phan Thanh Thiên-Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Sinh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Gia Lai, nhận định: “Vừa qua, các sở, ngành đã tạo điều kiện rất tốt  nên DN  có khá nhiều thuận lợi. Song bất cứ nhà đầu tư nào đến đầu tư, một trong những điều quan tâm nhất vẫn là quỹ đất. Mong tỉnh cung cấp thêm thông tin về vấn đề này cho doanh nghiệp được biết”.

Là DN  hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, ông Trần Văn Giáo-Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Quốc Việt (huyện Ia Pa) cho rằng, bảng giá vật liệu xây dựng do Sở Xây dựng và Sở Tài chính công bố chậm trễ và không sát với thực tế, gây nhiều khó khăn cho đơn vị thi công. Ông Giáo cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem lại vấn đề khai thác đá ở vùng Đông Nam tỉnh nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh để DN sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Có thể thấy, hoạt động của DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn, tập trung nhiều nhất ở vấn đề tiếp cận vốn, đất đai, thị trường thiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ... Tất nhiên không thể không kể tới những vướng mắc do cơ chế, chính sách và những phiền hà do thủ tục, do một số cán bộ chưa làm hết trách nhiệm hoặc lạm quyền. “Với tinh thần tích cực, xây dựng, đúng pháp luật, chúng tôi mong các doanh nghiệp cởi mở, thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, tích cực phản biện cũng như đóng góp ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, có những kiến nghị đề xuất cho tỉnh để chúng ta cùng tìm giải pháp tháo gỡ”-ông Hồ Phước Thành bày tỏ.

Mới đây, ngày 5-7, tỉnh đã chính thức ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và địa phương. Mục đích là thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, DN đang đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đối với năng lực điều hành của các sở, ngành và chính quyền các địa phương. Đây là nỗ lực nhằm tạo ra một kênh phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, DN tham gia đóng góp ý kiến với chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành của tỉnh.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm